Sunday, December 30, 2012

Tuyết Đông - Một Niệm Di Đà

Buổi sáng mùa đông băng tuyết, yên tĩnh, thanh khiết,  tôi ngồi làm việc tại công ty nhà nước chỉnh sửa các ứng dụng tin học, tiếng điện thoại reng, người bạn Hoa Kỳ ở lầu dưới gọi lên:


- Chào anh, bệnh viện thị trấn nhờ tôi kiếm một thầy tu Phật Giáo nói tiếng Việt, mà anh biết rồi, thầy của tôi là người Tây Tạng.

- Có gì thế không Rob?  Ngôi chùa VN tại đây không có thầy.  Chúng tôi thỉnh thoảng lên thành phố lớn (cách 150 cây) rước thầy về trong dịp lễ lớn.

Rob ngập ngừng:  - có một ông già người Việt bị ung thư giai đoạn cuối.  Ông ta sống một mình.  Ổng muốn có vị Thầy trong ngày cuối cùng.  

Tôi gọi điện thoại cho vị thầy thành phố lớn nhưng rất tiếc thầy bận qua tiểu bang khác châm sóc cho sư phụ đang lâm bịnh.  Buổi chiều đi làm về, Rob và tôi ghé qua bệnh viện thăm ông cụ.  Ông chỉ độ khoảng 70, chưa già lắm, còn tỉnh tảo dù rất ốm và lộ nét chịu đựng đau đớn.

Giọng ông khàn yếu nhưng vẫn còn nghe được:  - Bác thờ Phật nhưng không biết nhiều về đạo Phật, bác mong có vị thầy giảng pháp cho bác nghe, tụng cho bác thời kinh.

Tôi ngập ngừng xin lỗi cụ, trình bày sự việc:  - tuy không tìm được thầy cho cụ, nhưng con có đem theo một hộp băng cassett tụng kinh và giảng pháp, con sẽ nhờ y tá bỏ vào cho cụ nghe.

Ông cụ gật đầu, khe khẽ:  - khi nào rảnh con biết gì nói đó cho bác nghe...tụng cho bác bài kinh...

Trước khi ra về, chúng tôi gặp ý tá trực, được biết:  - ung thư đã di căn đến...chắc ông chỉ sống thêm vài hôm...ông không chịu chích morphine giảm đau vì ông không muốn lờ đờ hôn mê.  Chúng tôi sẽ chích cho ông khi có dấu hiệu không chịu đựng nổi để ông ra đi nhẹ nhàng.

Cả đêm và suốt ngày hôm sau, tâm tư tôi nặng nề cứ bâng khuâng mãi không biết mình sẽ nói về đạo Phật thế nào cho ông c
ụ Bài kinh gì sẽ tụng, trang sách pháp nào sẽ đọc.  Đạo Phật rộng lớn bao gồm tín ngưỡng, tâm linh, tâm lý, khoa học, vũ trụ học... Làm sao để ông cụ hạnh phúc nhất khi ra đi?  Vô thường, nghiệp, tứ diệu đế, duy thức, kim cang... Khi đối diện với sự chết có mấy ai thâm nhập được bát nhã để tâm vững chãi vượt qua sợ hãi đi vào cõi tử như Quán Tự Tại.

Đường đóng băng trơn trượt, rừng bạch dương trắng xoá dưới ánh trăng trong vắt, tôi lái xe chậm chạp qua các con đường lộm cộm nước đá để đến khu điều dưỡng, nơi chăm sóc người sắp giã từ cõi đời.  Ông cụ nằm thiêm thiếp, yếu đi nhiều, nhưng mắt thoáng sáng khi tôi lục đục bước vào.  Tôi dán hình Phật A Di Đà to lớn ở bức tường cuối giường cho ông cụ nhìn thấy.  Cầm tay cụ, tôi chậm rãi nói:

- Cụ ơi!  Điều qúy báu nhất là cụ tin Phật, thương Phật tới mức đến khi cụ bịnh như thế này vẫn còn mong học từ ngài.  Phật chắc chắn rất là cảm động và hộ trì cho cụ.  Trong kinh A-Di-Đà có nói như thế này và con đã chứng kiến như thế:  Đem hết tâm trí niệm Ph
ật Di Đà, người sẽ được tâm an và thấy Phật ban phước lành dẫn dắt về cõi Phật.

- Cụ niệm th
ầm với con theo tiếng niệm trong máy nhé, mỗi chữ niệm, cụ sẽ thấy luồng hào quang ấm áp sưởi ấm, cụ sẽ thấy Phật mỉm cười, và nụ cười của Phật hiền từ an lạc lắm cụ ạ.

- ...Nam..mô...A...Di....Đà... Phật...

Tôi về nhà, khi cụ đi vào giấc ngủ lúc gần nửa đêm  Sáng hôm sau, trung tâm điều dưỡng báo ông cụ qua đời lúc gần sáng: - ông ra đi, có nụ cười dễ thương chi lạ


Huyền Lam

Mùa Đông - Ngày khánh đản Phật A Di Đà
29 tháng 12 năm 2012


Post tại: Phật Tử Việt Nam

Monday, November 19, 2012

Bản Shanti cho người vừa đến

Dẫu chưa một lần gặp mặt nhưng tôi muốn viết về thầy với tất cả lòng yêu thương, tôn kính.  Thầy không chỉ là bài học sống động của nghị lực phi thường, thành tâm kiên trì mà còn là tấm gương bình yên, thanh tịnh trước phong ba bão táp, giữa dòng đời ô trược, phật ma lẫn lộn.

Ngày thầy Thích Tâm Mẫn rời chùa Hoằng Pháp TP HCM,  không mấy ai nghĩ thầy đủ tinh thần, sức khoẻ để vượt qua đoạn đường dài 1800km bằng phương pháp một lạy một bước (nhất bộ, nhất bái).  Thế nhưng hôm nay thầy đã về đến Yên Tử, nơi vua Trần Nhân Tông xuất gia trở thành thiền sư chân đất, sáng lập thiền phái Trúc Lâm.  

Bốn năm trước, khởi đi từ nhất bộ nhất bái bên lề đường đầy cát bụi, hình ảnh thầy lẻ loi cùng người thị giả trong chiếc áo nâu sòng như dòng sông đem chất liệu bình yên tươi mát.  Dẫu nắng hạ đốt da, đông rét buốt xương, mưa gió bão bùng, thị thành tấp nập hay sa mạc hoang vu, thầy vẫn bình an, lặng lẽ hành trì không sao lãng.

Khi đi được nửa đoạn đường, chướng ngại dưới nhiều hình thức khác nhau đã xuất hiện nhằm đẩy thầy bỏ cuộc.  Hình như đám mây vô minh sợ nhà sư trẻ trở thành biểu tượng tâm linh.  Những bịch đựng chất ô uế lén lút liệng ra, hòn sỏi nhắm vào đầu, lạng lách nẹt phô cho văng bụi nước vào người, cho hốt hoảng giựt mình...thầy vẫn bình tâm, bình thân hành trì cầu nguyện cho quê hương đất nước và sám hối nghiệp chướng của mình.

Không thể ngăn nổi đôi tay lạy vững chãi, đôi chân bước thảnh thơi, ma vương bày trò phá hoại hình ảnh trang nghiêm tôn kính của thầy bằng cách trà trộn làm người hộ tống, hét mắng thô tục, thậm chí hành hung người bên lề đường.  Càng gần non thiêng Yên Tử, ma vương càng tạo nhiều chướng ngại.  Những tháng cuối cùng thầy Tâm Mẫn đã phải chuyển sang hành trì trong đêm khuya nhằm giảm thiểu sự cố tiêu cực ngoài tầm kiểm soát của thầy.

Nếu trong hai năm đầu tiên, hình ảnh thầy bình dị oai nghiêm hành trình cùng thị giả trong áo lam, áo nâu sòng gây xúc động bao người con Phật, thì nay hình ảnh trần tục thô bạo bao quanh để mọi người đồng hoá cùng hình ảnh thầy.  Bên cạnh đó, giới vô minh rất mong thầy mất kiểm soát, sẽ phản ứng trước hành động thô bạo để thừa dịp quay phim chụp ảnh bêu xấu.  Thế nhưng thầy đã không để tâm xao động, vẫn không trễ nhịp đi, vẫn dốc lòng hành trì lễ lạy cầu nguyện. Suốt 4 năm chưa một ai ghi lại được hình ảnh hay lời nói xấu của thầy dù phải đối diện bao thách thức tàn bạo..  


Hình ảnh tr
ần tục thô bạo bao quanh thầy có lẽ cũng làm một số người không thấy thầy mà chỉ thấy sự tiêu cực. Cũng có nhiều ma vương internet nhân dịp này hoà nhịp tăng tốc đồng hoá thầy cùng hình ảnh xấu xa.   Thế nhưng người con Phật, bậc tri thức, những người dân hiền hoà chân chất vẫn nhìn thấy rõ được:  Vị thầy ấy trước sau như một, vẫn oai nghiêm, bình dị, vẫn bình an vững chãi hành trì dẫu bao nghịch cảnh oan khiên.  Càng phá hoại càng tăng giá trị bởi gìn giữ được thân tâm thanh tịnh trong môi trường khắc nghiệt ấy chỉ có tâm chuyên chất kim cương thượng thừa.  

Ngày thầy đến Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta vẫn còn thấy bóng ma vương nghịch tử l
ãng vãng.  Thầy Tâm Mẫn vẫn như ngày nào thành kính khi lễ lạy, khiêm cung khi giao tiếp cùng qúy sư, qúy Phật tử.  

Tôi quý kính thầy không vì là người lập kỷ lục đầu tiên nhất bộ nhất bái từ nam ra bắc.  Tôi cảm kích thầy vì có được ý chí kiên định, tâm luôn thanh tịnh trước bao nghịch cảnh và tấm lòng bao dung trước bao chướng ngại.   Nhân cách thầy là bài học lớn cho tôi và cho bao người.





Những ngày đầu tháng 2 năm 2009 - tại Trảng Bom Miền Nam - một thân, một mình cùng thị giả trong áo nâu sòng
Đến Khánh Hoà - chung quanh thầy vẫn còn áo tràng, áo lam Phật Tử
Vượt qua đèo cả trong mưa gió bão bùng, vẫn trang nghiêm

Thầy bình an giữa quần Jean, mắt kính, hình xăm...càng gần tới đích



Chư tăng ni, Phật tử  được thụt lùi đằng sau.....
Đã về đến Yên Tử, nhưng quanh thầy nào có bóng áo tràng
Dẫu thế nào đi nữa, người con Phật vẫn nhận ra được hạnh nguyện thầy, để hàng hàng, lớp lớp lên non thiêng Yên Tử thành kính chào đón thầy, dù phải đứng sau xa.
Huyền Lam

Lập Đông - mùa mưa bão 2012

Shanti = thanh tịnh (sanskrit)


Thursday, November 15, 2012

Tản mạn - chuyện tấm lòng

Hồi nhỏ tôi được các anh chị trưởng trong Gia Đình Phật Tử kể câu chuyện:  Thưở Đức Phật còn tại thế, có người nông dân nghèo nhưng khi biết tin làng kế cạnh đói kém đã đem lu gạo nhỏ duy nhất của mình cứu giúp.  Ông trưởng giả cùng làng cũng mở kho ra cứu nhiều người.  Đức Phật đi qua làng biết chuyện nên ghé thăm ca ngợi công đức bác nông dân trước rồi mới đến thăm ông trưởng giả.  Dân chúng trong làng và ông trưởng giả không vui vì kho gạo của ông trưởng giả đã cứu cả trăm nhân mạng.  Trong buổi nói chuyện cùng dân làng:  Đức Phật ca ngợi công đức tất cả mọi người và ngài giải thích rằng ngài đặc biệt ngưỡng mộ người nông phu nghèo vì người ấy cho tất cả những gì ông ta có.  

Câu chuyện  này không ghi đậm vào trí nhớ tuổi thơ của tôi, mãi cho đến mấy mươi năm sống ở nước ngoài tình cờ nhớ lại mới thẹn chính mình, thẹn với đấng sinh thành và khâm phục nghĩa tình của bao thế hệ trước, dù khó khăn, nghèo khốn nhưng tấm lòng vô cùng rộng lượng bao dung.  

Trước 1975, gia đình tôi sống tại Đà Nẵng, tất cả bà con nội ngoại đều sinh sống tại Huế. Căn nhà trệt ba mẹ tôi xây không có gì lớn lắm, nhưng cứ mỗi đợt “chiến dịch” lại đón 30 đến 40 người bà con từ Huế chạy trốn bom đạn về sống chung mấy tháng trời.  Mấy cái giường của chúng tôi nhường hết cho ôn mệ, chú bác lớn tuổi.  Chúng tôi nằm xếp cá dưới nền xi măng chung với các anh chị em họ.  Ba mẹ tôi bao giờ cũng vui vẻ nhiệt tình, chúng tôi cũng thế, không hề thấy khó chịu mà lại cảm thấy vui vì đông người.   Và cứ thế, hết chiến dịch Mậu Thân, đến Mùa Hè Đỏ Lửa rồi chiến dịch cuối cùng 1975.  Khi miền trung thất thủ, gia đình tôi di tản vào Sài Gòn cũng được người quen dù không là bà con bảo bọc cả tháng trời.  

Tôi không sống ở miền bắc nhưng nghe nói tình người lúc khốn khó cũng rất đậm đà.  Người dân quê nghèo nàn đã đón, cưu mang biết bao dân thành phố sơ tán về để tránh các đợt thả bom của không quân Mỹ.  Con người lúc khốn khó hình như trải lòng hơn, bao dung hơn.  Tôi nhớ không lầm trong kinh thánh chúa Jesus hình như nói:  Người giàu lên thiên đường khó như con lạc đà chui vào lỗ kim.  Có lẽ ngụ ý ngài nói rằng:  người nghèo rộng lượng hơn người giàu.

Cuộc sống tôi bây giờ khá hơn xưa, tôi cũng góp này góp kia cho các chương trình từ thiện, nhưng những cái tôi góp không hề ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi, cũng như Bill Gate dù cho bạc tỷ USD cũng không hề ảnh hưởng đến sinh hoạt ngày thường của ông ta.   Dĩ nhiên nhân loại vô cùng biết ơn ông đã cứu giúp hằng triệu sinh linh.  

Ngày nay bà con, bạn bè từ xa đến thăm, ở trong nhà vài tuần trong tâm đã phát sinh “gò bó”.  Đi du lịch tham quan đâu đó, dẫn người thân theo lắm lúc thấy phiền phiền làm sao... Thấy xe phiá trước đèn xanh chưa kịp chạy đã bực mình muốn bóp còi.  Chỉ mới đụng sơ sơ vào thứ ảnh hưởng đến ta mà đã như thế thì mới thấy người xưa, người khốn khó họ rộng lượng bao dung đến ngường nào.

Huyền Lam

Mùa con gà lôi tội nghiệp bị lên đoạn đầu đài - 2012

Tuesday, November 6, 2012

Vote - The Game: Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2012

Ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ đã đến.   Năm nay tôi bầu tiếp cho Obama tuy không còn hào hứng đặt nhiều hy vọng vào ông ta như 4 năm trước.  Hồi ấy tôi viết về chiến thắng Obama như cuộc cách mạng.  Thế nhưng thực tế đã không cho phép Obama làm cách mạng triệt để, bởi ông ta cũng phải cân bằng các khối quyền lực, những nhóm lợi ích thì mới hy vọng được bầu lại, nếu không lấy ai cho cả tỉ usd làm vốn vận động bầu cử.  Ít tiền thì ít quảng cáo, tuy là không phải yếu tố quyết định hoàn toàn, nhưng cũng là yếu tố chính để phân định thắng thua. 

Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thực chất đôi khi cũng phi dân chủ vì họ tính theo số điểm cử tri đoàn.  Thua một người ở Cali có nghĩa là thua 55 điểm, trong khi đó thua 1 triệu người ở bang Oregon chỉ thua có 7 điểm.  Đó cũng là lý do thời Al Gore thắng Bush gần 2 triệu lá phiếu nhưng không làm tổng thống vì thua điểm.  Số điểm mỗi tiểu bang có được tùy thuộc vào dân số cư ngụ trong tiểu bang mình.

Nói bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cho vui, chứ thực chất chỉ có 6, 7 tiểu bang bầu.  Hầu hết 50 tiểu bang Hoa Kỳ đã phân định đảng cộng hoà hay dân chủ.  Như tiểu bang tôi, đã mấy mươi năm nay, bao giờ cũng theo đảng dân chủ, thiểu số theo cộng hoà dù có nổ lực cách mấy cũng chẳng thay đổi được chi.  Trừ khi Hoa Kỳ bỏ đi cách bầu theo điểm mà bầu theo số phiếu (phổ thông đầu phiếu).  

Do đó các ứng cử viên bao giờ cũng bận rộn ở 6, 7 tiểu bang không theo phe nào.  Bao nhiều tiền  đổ về các tiểu bang này vận động ráo riết, trong khi ấy hơn 70% dân chúng Hoa Kỳ không hề thấy các ứng cử viên tới thăm tiểu bang mình, thậm chí không thấy cả quảng cáo.  Tới thăm, tới vận động làm chi cho tốn tiền mà kết quả đã được biết trước.

Tổng thống nào lên cũng phải đặt quyền lợi Hoa Kỳ trên tất cả.  Quyền lợi Hoa Kỳ đồng nghiã với quyền lợi quốc gia, người dân, kinh tế, quốc phòng, chi phối điều hành thế giới.  Bất cứ nước nào vào điạ vị Hoa Kỳ cũng sẽ làm như thế.  Điều này không có gì sai cả, nếu không muốn nói là tự hào cho nước Mỹ. 

Là cường quốc duy nhất còn sót lại, Hoa Kỳ hầu như nắm quyền sinh sát trong tay.  Tuyên bố nước nào đó là kẻ thù hay nguy hại đến quyền lợi Mỹ thì nước đó khốn đốn ngay.  Obama khôn khéo, không quyết định bất đồng và tôi cũng sợ cái máu cao-bồi diều hâu của cộng hoà, nên dù thất vọng ở Obama nhiều điều nhưng bỏ phiếu cho ông ta dù chỉ mang tính tượng trưng (có bỏ phiếu hay không, tiểu bang tôi đã theo đảng dân chủ mấy mươi năm nay rồi).

Huyền Lam

Muà bầu cử 2012

Những bài tôi viết về bầu cử Obama năm 2008:



Thursday, November 1, 2012

Khi con trăng hỏi mẹ đất

 Chiều thu lang thang đỉnh núi, xa xa rừng lá vàng đỏ lấp lánh hồ nước hữu tình.  Tiết thu lành lạnh xen kẻ nắng ấm cuối ngày.  Ngồi dựa lưng tảng đá, hít thở khí trời, dim dim đôi mắt, tâm thân thanh tịnh lạc chốn thiên nhiên.  Chợt nhè nhẹ bên tai:

- Mẹ đất ơi! mẹ bảo bọc bao loài trên thân thể mình, có loài nào mẹ không muốn cưu mang?

-Con trăng ơi! loài nào mẹ cũng yêu thương bảo bọc.  Nhưng thỉnh thoảng mẹ lại mong không có một loài.  

- Loài nào thế hả mẹ đất?

- Loài người đấy con trăng!

- Con thấy loài người vô cùng thông minh, hơn mọi loại khác gấp triệu lần, sao mẹ đất lại nói thế?

- Loài người biết làm nhiều thứ hơn mọi loại, biết nghĩ ra nhiều việc.  Họ rất có tài, nhưng hầu hết không thông minh đâu con ạ.  Thậm chí khi so ra kết quả, họ lại thua muôn loài.

- Mẹ đất nói chi khó hiểu quá!

- Này con trăng:  Nếu loài người biến mất trong 1 giờ, thế giới sẽ yên lặng hơn, sẽ không có những thứ âm thanh kỳ quái, ồn ào.  Nếu biến mất trong 1 ngày, không khí sẽ trong lành dễ thở cho muôn loài.  Nếu biến mất trong 1 năm, dòng sông ao hồ sẽ sạch.  Trong10 năm, biển sẽ đầy cá, rừng sẽ đầy thú và bao loài sẽ thoát nguy cơ tuyệt chủng, cây sẽ xanh tươi bao phủ khắp nơi.  

- Thiệt tình như thế hả mẹ đất?

- Đúng thế con trăng ạ!  Không có loài nào khi biến mất lại đem đến môi trường sống tốt lành mãnh liệt như thế.  Bởi vì thế mà ta mới nói hầu hết loài người không thông minh.  Họ chỉ biết làm nhiều thứ, hiểu nhiều thứ, nghĩ ra nhiều thứ.  

- Bên cạnh không thông minh về môi trường sống, mẹ đất có thấy loài người không thông minh chuyện gì khác, những thứ muôn loài đều không đến nổi thiếu trí tuệ mà làm?

- Con trăng ơi! nhiều lắm con ạ, đếm không xuể đâu. Họ là loài duy nhất có thể giết chết đồng loại hàng ngàn, hàng triệu  mà không phải vì miếng ăn hoặc sự sinh tồn.  

- Mẹ đất phải giải thích thêm con mới hiểu được.

- Con trăng nhìn thấy ngôi sao hướng bắc và hướng nam kia không?  Một số trong bọn họ sẽ cho rằng ngôi sao hướng bắc là ngôi sao đẹp nhất, toàn vẹn nhất, đáng ngưỡng mộ tôn kính nhất.  Một số khác cho rằng ngôi sao hướng nam là như thế.  Và rồi họ không ngần ngại giết những người không cùng thích ngôi sao giống mình.

- Ôi sao họ thiếu trí tuệ thế hở mẹ? Muôn loài nào có như thế!  Mà mẹ ơi! họ mới liệng lên thân con cái cục gì đen đen, sáng sáng, nhột nhạt quá!

- Con tập quen đi, vài năm họ mới xả trên con một lần.  Còn mẹ đây, suốt ngày họ đục, khoan, đào, ủi, chồng chất trên hình hài mẹ vô số cục đá khổng lồ quái dị.  Đó là chưa kể họ làm ra muôn tỷ phương tiện chạy rần rần trên da mẹ, ngứa ngáy kinh hoàng. Thỉnh thoảng họ còn cho nổ kinh thiên động điạ như muốn xé tan mẹ thành muôn mảnh nhỏ...


Huyền Lam

Mùa Halloween 2012

Monday, October 15, 2012

Nổi Buồn Con Chốt Thí

Cách đây 2 hôm, người bạn giới thiệu  tôi xem  phóng sự "So Far, So Close" do tập đoàn truyền thông quốc tế Al Jazzeera thực hiện.  Phim dài 49 phút được chiếu trên TV nhiều nước và Youtube ngày 11 tháng 10 năm 2012.  Nội dung phim nói về nữ phóng viên Cath Turner người Úc gốc Việt được đem ra nước ngoài trong chiến dịch Babylift vào cuối cuộc chiến 1975.   Đây là chiến dịch lên tin hằng đầu thế giới thời bấy giờ, một chiếc máy bay không may bị rơi làm tử nạn hằng trăm em bé... Cath là phóng viên quốc tế, hiện công tác cho Al Jazzeera - New York.

Cath kể về cuộc sống tại Úc trong gia đình cha mẹ nuôi đầy ấp thương yêu, những nổi niềm riêng khi chung quanh toàn “màu trắng”, hành trình khó khăn đi tìm lại cha mẹ ruột, cũng như tìm hiểu thêm chiến dịch Babylift đưa trẻ sơ sinh mồ côi ra nước ngoài...

Phóng sự đầy cảm động, có vài đoạn làm tôi ướt đôi mắt.  Phim lôi cuốn từ phút đầu đến phút cuối.  Tuy nhiên ở phút 25.30 giây, cảm xúc tôi  ngỡ ngàng, chấn động....dù phần nào đã từng trải nghiệm chiến tranh chính trị có bao trò ảo thuật khó biết đâu điểm đâu diện.  “Nổi buồn nhược tiểu” len lỏi trong tôI.

Giọng Cath:  “Hoa Kỳ cho rằng Cộng Sản sẽ làm hại 3000 cô nhi để giải thích kế hoạch đem các em ra nước ngoài”

“Tôi và hơn 3000 ngàn  bé sơ sinh được di tản, vô cùng biết ơn những người đà cứu giúp, do đó tôi muốn gặp người lên kế hoạch di tản để hiểu thêm vì sao tôi rời Việt Nam.”

“Và tôi tìm gặp Fran Smith, trưởng phòng phân tích tình báo CIA tại Sài Gòn, người trực tiếp thực hiện chiến dịch babylift.  Những gì ông ta nói làm tôi thật sự choáng!  Chuyện các em bé sẽ bị cộng sản giết hại là chuyện dối trá mà mục đích là để chính quyền Hoa Kỳ thuyết phục các chính trị gia  viện trợ chế độ miền nam được tồn tại. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra.  Trước các ống kính truyền thông tthế giới, tổng thống Ford đã phù phép hình ảnh ông bồng em bé xuống phi cơ như một chiến thắng trước sự sụp đổ tắt yếu của miền nam VN”


Fran nói:  “các em bé sơ sanh chẳng có gì nguy hại cả!  Theo tin tình báo thì những người hợp tác với chúng tôi mới có nguy cơ bị Cộng Sản làm hại....chúng tôi dùng hình ảnh các em  sơ sanh mủm mỉm dễ thương để thuyết phục thế giới rằng miền nam VN cần được cứu...  Thật sự thì những em bé như cô, chúng tôi coi là “bụi đời”, cô nhi chiến tranh, là thành phần không mấy quan tâm”

Cẩm Tú nghẹn ngào: “...tôi không biết phải nghĩ làm sao, không biết mình đang tức giận, hay đau buồn...”

Franc:  “Hãy trực diện với vấn đề này:  Việt Nam luôn là con chốt thí  của các thế lực chính trị thế giới trong suốt cuộc chiến.  Người Mỹ đến VN không phải vì quan tâm cho người VN, mà là để nhập cuộc chơi trong cán cân chính trị thế giới!  Người Hoa Kỳ không ngại dùng ng
ười VN trẻ hay già để thực hiện những mục tiêu  thầm kín, và việc dùng trẻ mồ côi là cách duy nhất”

Cath khóc nức nở:  “...những gì ông nói thật sự làm vỡ tan niềm tin của tôi bấy lâu.  Tôi cứ tưởng mục đích chiến dịch babylift là vì sự tốt lành cho các em sơ sinh..là chiến dịch nhân đạo.  Bố mẹ nuôi người Úc của tôi cũng tưởng như thế vì cơ quan thiện nguyện nói như thế...”


"Việt Nam là con chốt thí để các thế lực chính trị thế giới chơi trò”  đã cướp đi bao triệu sinh mạng đồng bào tôi, bao sinh lực, đem đến bao niềm đau nổi khổ trong tận cùng.  Dư âm trò chơi này vẫn còn tác động dai dẵng đến ngày nay, nơi chất độc da cam, nơi hận thù, chuyên quyền, tham nhũng, chia rẻ, đố kị, xách động... vẫn là đám mây mù phất phưởng chung quanh có nguy cơ kéo đất nước vào cảnh máu đổ thịt rơi một lần nữa.   


Ước mong mọi người xem, cùng cảm nghiệm để thương đồng bào, thương quê hương hơn, cùng trải lòng tha thứ, chăm lo nhau, để xoá tan đám mây mù lảng vảng....

Huyền Lam
Ngày 15 tháng 10 năm 2012




Monday, October 8, 2012

Hạnh Nguẩy Đuôi

Giọng người phụ nữ ngọt ngào, trìu mến, chan chứa tình thương:

- ui, Kiki cưng quá!  yêu, yêu quá!  Thưởng Kiki một miếng bánh ngon nhé.

Người đàn ông ngưng đọc sách, gở gọng kiếng, ngoái nhìn theo, than phiền:  

- Anh ước chi em cũng nói với anh bằng ngôn ngữ ngọt ngào ấy.  Đã lâu rồi anh không còn nghe những tầng âm thanh như thế nữa!

Người phụ nữ, giọng trở lại bình thường: 

 - Thì anh mỗi lần đi ra, đi vào gặp em mừng  như con kiki đi!  Anh thấy không, nó lúc nào cũng nguẩy đuôi mừng ríu rít.  Còn anh, anh chỉ mừng em một, hai năm....mà đã lâu lắm rồi!

Người đàn ông:  - Thì em cũng thế thôi!  Có bao giờ “nguẩy đuôi”  mừng anh muốn chết như ngày xưa đâu!

Bé gái, 6 tuổi, ngồi học góc xa xa:  - Ba mẹ bắt chước kiki cùng nguẩy đuôi đi!

Người đàn ông, người phụ nữ phì cười:  - Ba mẹ nguẩy đuôi như thế này nè, nè, được không?

Nhiều tiếng cười nắc nẻ, vài tiếng sủa gâu gâu...  h
ạnh phúc lan toả không gian.
.


Huyền Lam
Mùa thu - lá vàng, lá đỏ - 8 tháng 10 2012

Tuesday, October 2, 2012

Tái Sinh

Chiều hè,  ngủ chốn thảo nguyên.
Nửa khuya thức giấc, mấy giờ trôi qua?
Tưởng chừng chỉ một sát na.
Đêm thu, thế giới quay xa trăm ngày!

Huyền Lam



Wednesday, May 30, 2012

Lính nơi nào cũng thiệt thòi

Ngày kia, buổi chiều đi làm về ghé thăm Tod, người bạn Hoa Kỳ  trong tennis club mới quen hai năm nay.  Tod là sĩ quan tác chiến chuyên nghiệp được chuyển đi Iraq, Afghanistan liên miên trong gần 10 năm qua, tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây hắn được đóng quân gần nhà...để vợ hắn lên đường đi phục vụ tại Afghan.   Vợ hắn là y tá trong lực lượng trừ bị, hắn quen cô ta trong lúc bị thương điều trị tại Iraq trong thời đầu cuộc chiến.  

Lấy nhau 7 năm, mỗi năm gặp nhau 1, 2 lần, mỗi lần vài tuần, đôi tháng nhưng hai vợ chồng có 3 đứa con trai rất kháu khỉnh.   Dù chồng bận đi hành quân nơi xứ xa, Vợ hắn rất đảm đang vừa đi làm, vừa chăm sóc con chu đáo.   

Một năm trở lại đây hắn làm Mr. mom thay vợ, hắn huấn luyện con rất giỏi như mấy ông lính tí hon.  Dù đứa lớn nhất mới 5 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa lên 2 nhưng tự làm được nhiều thứ, nhanh nhẹn ngăn nắp không mè nheo, cà rề như con cái người dân bình thường.   

Buổi sáng cho con ăn, hắn chỉ cần chế sửa ra ly, nướng một đống bánh mì lát để trên bàn là tụi nhỏ có thể tự trét mứt, trét bơ đậu phụng.  Ăn xong, ly dĩa được các con xếp sẵn vào máy rửa chén, khi nào đầy máy thì hắn chỉ có nhiệm vụ bấm nút.

Áo quần dơ các con cũng tự bỏ vào máy.  Bố giặt sấy xong, tụi nhỏ lại tự lựa đem bỏ vào tủ của mình.  Đứa bé  2 tuổi thì được thằng anh lên 5 giúp dùm.  

Tôi hỏI bí quyết gì dạy con hay thế?  

Hắn cười:  - Chẳng có bí quyết gì cả, mệt quá tớ cứ sai tụi nhỏ làm,  dù lúc đầu sẽ làm hư, nhưng rồi từ từ tụi nhỏ biết đó là nhiệm vụ.  Tớ thương con nhưng đâu có thời giờ cù cưa.  Sáng sớm phải chở đi nhà trẻ, rồi vào căn cứ làm việc, chiều đón con về, biết bao là việc... Muốn khỏi stress mà chết hoặc muốn đánh tennis mỗi tuần 1 lần với cậu thì phải thế thôi.

Lúc tôi đến thăm, hắn đang giúp 3 đứa con bôi sơn vào bàn tay để in vào thùng đồ gởi qua Afghan cho mẹ.  Hắn nâng niu từng bàn tay nhỏ bé,nhúng vào sơn,  thỏ thẻ với con:  Bàn tay này mẹ sẽ nhìn, sẽ ôm vào lòng nhiều lần trong một ngày, mỗi lần nhìn mẹ sẽ quên đi bao khó nhọc, sẽ hạnh phúc vô cùng.  

Tôi len lén lấy điện thoại cầm tay chụp vài bô hình.  Khi trở lại nhà, tôi email hắn: Gởi bạn mấy tấm hình, hôm đến thăm tôi rất cảm động, hy vọng vợ bạn sẽ vui khi nhìn những tấm hình này.

Hôm nay gọi điện thoại cho hắn đã gởi hình cho vợ chưa?

- Tớ thích mấy tấm hình cậu chụp lắm, vợ tớ chắc sẽ khóc khi nhìn mấy tấm hình, nhưng tớ chưa gởi, khi nào thùng quà tới tay vợ thì lúc đó tớ sẽ email để cô nàng ngập chìm hạnh phúc mà quên đi bao đau khổ, khốn khó nơi cái xứ bom tự sát nổ tung tơi bời....

Tod và 3 đứa con in bàn tay vào thùng quà

Tod giúp con in tay - mỗi đứa mỗi màu

Những thùg giấy đã in - chờ bỏ quà vào.


Huyền Lam
Ngày lễ Memorial - Hoa Kỳ - 2012

Chợt nhớ đến những người lính hiện đóng quân trên quần đảo Trường Sa, có nhiều nơi vỏn vẹn toà lô cốt vài chục mét vuông, bốn bề biển vây quanh.  Cô đơn, khốn khó từng phút từng giờ, ngày tháng trôi qua....



Thursday, May 3, 2012

Ngày Phật Sinh - Khẽ gọi tên Thầy

Còn vài hôm nữa đến ngày sinh của Thầy.  Trong sách xưa người ta nói Thầy sinh vào mùa sen nở, tháng tư trăng tròn, lịch ta.  Mùa này miền Bắc Mỹ vẫn còn lạnh giá, cây sen, cây súng chỉ mới nhoi lên vài lá.  Theo năm tháng những lá sen non đầu mùa  báo tôi biết sắp đến ngày sinh của Thầy.  Đó cũng là lúc tôi dành chút thời giờ giữa đêm khuya chiêm nghiệm về Thầy.

Nhân gian đến với Thầy bằng nhiều cách khác nhau.  Có người nhìn Thầy như đấng tối cao có thể che chở thể xác, tâm hồn yếu đuối.  Có người cảm được  khả năng ban  phước lộc trên cõi đời.   Có người học hạnh Thầy dấn thân, nguyện làm việc thiện giúp người bất hạnh.  Giới khoa bảng không thiếu người đến với Thầy như một triết gia, nhà cách mạng, nhà khoa học.

Nhiệm mầu thay, dẫu đến với Thầy bằng cách nào đi nữa, mỗi lần nghĩ đến Thầy, nhìn hình Thầy:  tất cả đều cảm được sự an tâm, thánh thiện, hạnh phúc nhẹ nhàng, làm tiêu đi muộn phiền lo âu.   Không phải ngẫu nhiên nhiều người trên thế giới, đông lẫn tây ngày nay trình bày hình tượng Thầy trong nhà, trong vườn như một yếu tố đem lại tươi mát, rũ bỏ căng thẳng, thăng bằng cuộc sống.  

Lật vài trang sách xưa, ghi  lời Thầy dạy cách đây trên hai ngàn năm,  tôi hiểu được vì sao
gìới khoa học gia hiện đại rất lấy làm ngạc nhiên, khâm phục trí tuệ siêu việt  của Thầy.  Thưở xa xưa ấy, Thầy đã thấy rõ những tương quan trong vũ trụ, giữa con người với thiên nhiên, giữa cá thể trong tập thể, vạn vật tương tác vô thường, không gì mất đi, tất cả chỉ là sự hoán đổi.  Trí tuệ thông thái của Thầy là tấm gương học tập không ngưng nghỉ,  từ nhỏ đến trưởng thành, học từ vô số giáo sư lỗi lạc làm nền tảng cho sự tự học sau này, tự nghiên cứu nhiều năm để khám phá, phát hiện cái thâm sâu, bừng tỉnh cuối cùng.  

Tuy nhiên điều làm tôi tôn kính chính là tình thương vô tận Thầy dành cho con người và muôn loài.  Thầy rũ bỏ quyền lực, cuộc sống giàu sang vua chúa,  vượt qua được tất cả khó khăn, gian khổ, thậm chí có lúc bên bờ sinh tử mong manh,  chỉ duy nhất  tìm phương pháp giúp con người có cuộc sống hướng thiện,  an lành hạnh phúc trong sự tôn trọng môi trường sống muôn loài.   

Giữa đêm khuya thanh vắng trong mùa Phật Đản, tôi xúc động, rung cảm  bàng bạc trước nhân cách khiêm tốn của bậc đã đạt được thấu hiểu xuyên suốt mà chúng ta thường gọi là giác ngộ hay thành đạo.   Trong mấy mươi năm hướng dẫn loài người hướng thiện,  Thầy chưa bắt ai phải nghe lời, đi theo, thậm chí còn khuyên người nghe thực hành, kiểm chứng để biết đúng sai.  Thầy tôn trọng tất cả, bất kể giàu nghèo, vua chuá, thường dân, nam nữ.  Thầy nhìn mọi người cũng như chính mình, khuyên mọi người hãy sống như Thầy thì sẽ vượt qua được khổ đau, bất an.  Chất liệu yêu thương, tỉnh thức sẽ đến như đã đến với Thầy.  

Cuộc đời Thầy tràn ấp năng lượng tình thương, an nhiên, tự tại không giây phút hư hao.  Ngay cả khi rời bỏ cõi trần Thầy nằm thư thái mỉm cười, nhìn nhân gian thương yêu vời vợi.  Chính năng lượng không thể diễn tả bằng lời này đã cảm hoá tất cả người đến hãm hại Thầy, trở thành những học trò thánh thiện.  Năng lượng tình thương vô úy, vô bờ ấy mạnh đến nỗi  đã trên 2500  năm Thầy từ giã cõi trần, chưa một học trò dám nhân danh Thầy làm tổn hại sinh mạng của bất cứ ai.

Đêm khuya thanh tịnh, tôi nhìn Thầy thật lâu, mỉm cười cùng Thầy, trong tâm an ổn nhẹ nhàng chi lạ.  Đốt nét hương trầm, tưởng nhớ đến ngày Thầy đến cùng nhân gian, tôi khẽ gọi tên Thầy trong niềm xúc cảm vô biên:

- Đức Phật Thích Ca ơi, con xin cố gắng học hạnh khiêm tốn, làm người tỉnh thức mang chất liệu yêu thương đến với cuộc đời.

Cung kính nương tựa Đức Thầy  Thích Ca Mâu Ni, bậc giác ngộ yêu thương.


(Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật)
(Namyo Sakya Muni Buddha)




Huyền Lam
Mùa Phật Đản lần thứ 2556 - năm 2012


Đăng tại: http://www.phattuvietnam.net/9/41/18929.html

Thursday, March 29, 2012

Vé Số 540 triệu USD

 Cả tuần nay, nước Mỹ lên cơn sốt giải độc đắc xổ số liên bang đã lên đến 540 triệu USD.  Tức là hơn nửa tỷ đô-la.  Xổ số ở Mỹ, mỗi lần không có ai trúng lô độc đắc thì được dồn cho tuần kế tiếp.  Trãi qua nhiều tuần không người trúng, lô độc đắc đã lên đến con số khổng lồ.  

Vào trong công sở ta đều nghe nhân viên  hứng thú bàn chuyện vé số Mega Loto này.  Đi đến bắt cứ tụ điểm bán số nào, ngoài trừ những khu dân giàu sinh sống, người người hớn hở đứng xếp hàng mua vé số, dù cơ hội trúng khó hơn gấp trăm lần bị xe đụng chết, bị sét đánh chết.  Có người bỏ ra hàng ngàn đô để mua, có người chỉ bỏ ra 1 đô để có cơ hội ngồi say mê tưởng tượng mình sẽ làm gì với số tiền khổng lồ như thế.  Ở công sở thì không ít người lập nhóm mua chung để lỡ trúng thì hưởng chung.   Nếu may mắn trúng thì cũng thật xui xẻo cho ông xếp vì biết lấy ai thế chỗ cho mấy chục nhân viên đồng bỏ việc.  

Tôi vốn không thích mua vé số Mỹ, có lẽ cũng hơn 10 năm rồi chưa mua một tấm.  Tuy nhiên tôi mua rất nhiều vé số tại VN dù giải trúng khiêm tốn.  Ở VN mua một tấm vé số ta đang giúp cho một người nghèo có lòng tự trọng dùng sức lao động để kiếm tiền.  Thà bán vé số còn hơn đi ăn xin dù sẽ kiếm tiền gắp nhiều lần.  Thà bán vé số còn hơn đi trộm cắp, bán ma túy, bán thân, bán người.  Trong mắt tôi, người bán vé số là người đáng kính.

Một trong lý do  tôi không mua vé số ở Mỹ vì tôi đã chứng kiến hai người thân trúng vé số độc đắc nhưng sau 10 năm lại thua xa thời điểm khi chưa trúng.  Ông bác của tôi từng trúng lô độc đắc tương đương với 1000 cây vàng thời bây giờ.  Người bạn học của tôi trúng vé số Mỹ 4 triệu USD.  Có tiền, con người thưởng ỷ lại,  sanh tật.  Sau một thời gian thì vợ chồng ly dị, con cái hư đốn còn bản thân đã quen xài sang khó nhịn cho đến khi không còn gì.  Truyền hình Mỹ có làm phóng sự những người trúng vé số, đa số họ lâm vào cảnh túng quẫn sau 5, 10 năm và rất cô đơn vì đã cắt bỏ nhiều mối liên hệ trong thời gian đầu.

Nói như thế không có nghĩa  rằng trúng vé số  sẽ không mang lại lợi ích gì.  Đối với những người nghèo khó, trúng vé số là cơ hội vượt thoát đổi đời.  Nếu khéo léo, biết kiểm soát sẽ thành công không bến bờ.   Ở Hoa Kỳ, ngay cả chính quyền điạ phương cũng được hưởng ké nếu người điạ phương trúng giải này.  Giải trúng 540 triệu USD, sau khi trừ thuế thu nhập liên bang, điạ phương, người lãnh giải được hưởng khoảng 340 triệu.  Con số 200 triệu tiền thuế kia, chính quyền liên bang hưởng đa phần, điạ phương hưởng một phần vài chục triệu vốn rất qúy báu trong thời buổi ngân sách thâm thủng này, đủ tiền tài trợ cho trường học, cô giáo, thư viện v.v.

Còn đúng 24 giờ nữa sẽ xổ số, tôi đang phân vân không biết mình nên hoà vào cuộc vui bằng cách mua tấm vé số chỉ tốn có 1 USD.  Đi đâu ai cũng hỏi, mua vé số chưa?  Sao chưa mua?  

Nghĩ đến cảnh trúng vé số mình có còn được tự do như bây giờ.  Có còn những người bạn thân Mỹ lẫn Việt lang thang uống bia cà khiạ ở chốn bình dân?  Có còn tự do lên chùa hút bụi, quét lá sân chùa.  Có còn tự nhiên, đứng lớp dạy tiếng Việt hằng tuần, có còn bình thường như bao người.   

Tôi đang có cuộc sống giản dị, không giàu nhưng công ăn việc làm ổn định.  Ban đêm ngủ rất ngon, sáng sớm thở rất nhẹ, trái tim đập rất nhịp nhàng.  Những điều này sẽ biến mất ngay lập tức nếu tôi có tờ vé số trúng!

Có nên mua một tờ không nhỉ? 


Huyền Lam
Ngày 29 tháng 3 - 2012 - Mega Loto lên tới 540 triệu đô


Cập Nhật ngày 30 tháng 3 - 2012:
Sáng nay đi làm, ngang qua cây xăng, thấy khoảng 10 người đứng xếp hàng mua vé số, cười nói hớn hở, con số 540 triệu USD đèn chớp chớp, tay lái tự nhiên quẹo zô và rồi đứng xếp hàng mua một tấm và cũng bàn tán loạn xị, cười hô hố với những người xếp hàng chung quanh là nên làm gì với số tiền nếu trúng...


Buổi chiều đi làm về, ngang qua cây xăng, giải thưởng đã lên đến 640 triệu USD.  Hơn 1 tỷ 500 triệu vé số được bán ra.  Gần 200 triệu vé được bán chưa đầy trong ngày hôm nay.




Xếp hàng mua vé số ngày 29 tháng 3 năm 2012



Xếp hàng mua vé số ngày 29 tháng 3 năm 2012




Monday, March 26, 2012

Những Người Bạn Trên Mạng

Bài viết này nhớ những người bạn trên mạng trong chuyến về VN tháng 8 năm 2011

Sáng sớm Sài Gòn, đứng lơ ngơ trên sân thượng, nhìn dãy nhà nhấp nhô nhiều màu sắc, những thùng đựng nước làm bằng thép-inox sáng loáng, tôi nhớ cách đây nhiều năm khi về VN  chụp vài tấm hình.  Mấy đứa Mỹ coi cứ tưởng thùng đựng bia, đựng rượu, rồi thắc mắc hỏi loại bia rượu gì phải phơi ngoài trời như thế!  

Tôi nghiêm nghị trả lời:  - loại rượu này chôn ngầm trong lòng đất cho đủ độ mát, được bơm lên bồn lớn, rồi được hút từ  bồn lớn ủ men dưới tầng hầm, cuối cùng bơm lên tầng cao phơi nắng phơi sương như trong hình.  Loại rượu này uống rất đã, nhờ công nghệ cầu kỳ như vừa nói, uống rất hiếm khi say.

Mấy đứa Mỹ trầm trồ:  -Độc đáo quá!  Vietnamese Vodka!

Sáng sớm Sài Gòn yên tĩnh, ráng hít thở chút không khí trước khi nhuộm mùi khói bụi của giờ đi làm.  Về đây uống bia hơi nhiều, nên cúng ráng tập chút xíu thể dục, nhảy ton ton, để bụng không thon thì cũng không tròn.  Đang hì hục hít đất, điện thoại di động reng!  À, thì ra chị Mai, người bạn quen trên mạng. Chị Mai từng sống ở Canada, sinh hoạt trong tổ chức Gia Đình Phật Tử VN như tôi dù khác quốc gia.    Tình cờ quen  khi chị phát động chiến dịch cứu lụt bằng phương pháp may bao gối bán gây qũy.   

Đầu giây giọng miền trung xứ Quảng Bình, pha bắc, pha nam đậm đà chi lạ:

- Pác Lam ơi!  trưa ni em hẹn mọi người ăn trưa ở quán... để mọi người biết mặt.

Hầu hết bạn bè trên mạng của tôi sống tại VN, tuy nhiên tôi chưa bao giờ gặp ai cho đến cách đây vài hôm gặp chị Vi nhân hậu đầu tiên tại Đà Nẵng.  

Cảm giác vui vui, hớn hở, nôn nôn lại trở về dù không phải hẹn người yêu.  Tiếng Anh có từ blind date, hẹn hò người không biết mặt để tính chuyện yêu đương.    Tôi chưa bao giờ blind date ai, nên không biết cảm giác giống như thế này không?

Buổi trưa sợ kẹt xe, mang khẩu trang, đi xe thồ tới địa chỉ gần công viên Con Rùa.  Nhà hàng thiết kế tao nhã, có nhiều cây kiểng.  Bước vào bên trong, gặp nhân viên tiếp khách, hỏi lui hỏi tới, không ai biết có nhóm người đã đặt bàn.  Nhìn đồng hồ, trễ đã hơn năm phút, nhân viên bảo đi vòng vòng, biết đâu ngồi trong góc nào đó.   Nhà hàng có nhiều phòng, góc.  Giờ ăn cũng đông người, thôi thì ráng đi nhận diện người chưa găp mặt.  Thực khách thỉnh thoảng nhìn tôi làm thêm bối rối ngượng nghịu.  Có lẽ họ thắc mắc trước cử chỉ rụt rè của người đi không ra đi, đứng không ra đứng, cứ nhìn chăm chăm vào những bàn có khách.

- Hay là mình mượn tờ giấy viết hai chữ Huyền Lam, đi vòng vòng như mấy người đón thân nhân ở phi trường.  Đâu có thể nào một khối “nhân tình” dễ thương như thế lại cho mình leo cây!

Đang phân vân, điện thoại reng, chị Mai gọi! Hú viá! mừng quá!

- Chị Mai ơi, mọi người ở góc mô.  Nãy giờ đứng lơ ngơ ở nhà hàng ngượng quá!
- Em đổi điểm hẹn rồi anh ơi, chỗ này mát hơn, cũng gần đây thôi.
- Sao đổi chi mà sát nút vậy nè!  Mà giờ thì làm sao tới đó?
- Anh nhìn có thấy building màu... anh đi về hướng đó, quẹo qua đó, gặp building đó, quẹo...,đối diện...
- Nhiều buildinq quá làm sao biết cái nào, cái gì nhìn cũng lạ, thôi cho địa chỉ đi taxi cho khỏi lạc.
- thôi anh đứng đó, em qua chở, gần xịt mà taxi cái chi.

Ra lề đường đứng chờ chị Mai, nhìn mấy cô chạy xe hai bánh người nào cũng giống người nào, mặt mang khẩu trang, tay mang găng phủ kín giống Ninja.   Vài phút sau chiếc xe trườn tới, người phụ nữ trẻ, dáng mảnh khảnh, xinh xắn, cười đầm thắm: - Em Mai đây, anh Lam có thấy khác trong hình không?
-          ờ!  thấy cũng hơi lạ lạ, trong hình không có cảnh chạy xe máy nên….
-          Hahaha.... Anh leo lên em chở qua, mấy người tới rồi.

Quán cơm trưa nằm trong khu vườn rộng có nhiều cây to bóng mát.  Nhìn theo hướng chị Mai chỉ, nhóm người ngợ ngợ, lạ lạ, quen quen đang đưa tay vẫy cười.  “Phe địch có lợi thế chỉ nhận dạng một mục tiêu, phe ta lại phải ráng nhận rõ nhiều mục tiêu nên khá lúng túng vụng về… đành xả tiếng cười liên thanh áp đảo đối phương cho lẹ cho nhanh...”

Thật tình tôi rất ngỡ ngàng.  Hình ảnh các bạn trên internet không thể nào cho tôi cảm giác đa chiều về mỗi nhân vật:

Chị Du vui tính, có duyên từ Nhật về, cứ tưởng phụ nữ xứ sushi hoàn toàn.  
Chị Oanh, trong mạng nhìn có vẻ nhỏ con, ai ngờ cao, khoẻ, thon thả duyên dáng như vận động viên bơi lội - xứng đáng là hình ảnh nữ hải quân VN.  
Quang, chàng trẻ tuổi đẹp trai vốn dòng Đà Lạt, có dáng dấp thư sinh, nói năng nhẹ nhàng ở thế giới thật hơn thế giới ảo.  
Huy – chàng IT bảo quản mạng quân cảng VN,  hiếu khách, chuyện trò tếu lâm.  
Riêng cô bạn xinh xắn nickname  “Chuột Còi” của Huy thì cứ hỏi tại sao,  rồi cuối cùng,  bật mí  ba bốn tháng nữa sẽ lên xe bông làm buổi ăn trưa thêm nhiều tiếng cười....

Gặp các bạn lần đầu tiên, tôi cảm nghiệm cuộc sống muôn màu, muôn sắc, dù ảo hay thật, dù mạng hay trực diện, cuộc sống thêm niềm vui, cho tôi gặp những con người rất tốt, rất đáng yêu trên trái đất này.

Những ngày ít oi còn lại tại VN, tôi gặp thêm vài người quen đã 5, 6 năm - trong đó có cô thạc sĩ Hoá từ Đan Mạch rất thật thà, mặn mà như vùng đất Kiên Giang, nay lấy chồng sắp sửa có em bé.  

Rất nhiều người tôi mong gặp nhưng do điạ dư cách trở không gặp được:

Na-Can / Vợ Thằng Đậu:  Người đầu tiên dẫn tôi vào thế giới mạng VN cách đây 7 năm, từ Opera, sang Yahoo360, rồi bò qua.....  Na Can vừa lấy chồng và giờ là vợ ông Táo..  Không có Na-Can tôi không gặp được nhiều người dễ thương tại VN như hôm nay.

Nhóm thân hữu Đà Lạt của Na-Can: gồm Tân, Nhi, Tường....đành khất món gỏi đu đủ bờ hồ Xuân Hương, cà phê đen Đà Lạt,  chai ba-xi-đế núi rừng của lãng tử đại ca Tường.

Lết-Đê-Tê:  Cô bé dí dỏm, chân tình, thường gọi tôi là xư-fu và mỗi lần giận thì làm mặt không nguôi, dù trong lòng đã nguôi từ thưở nào...

Bí Đỏ - cô giáo sư - thạc sĩ chuyên hoá khác từ Đan Mạch.  Một nhà khoa khọc gia nhưng lại ẩn mình trong nghệ thuật.  Tài ba trong nhiếp ảnh, trang trí, thiết kế mỹ thuật.

Tâm Bảo Hướng -  Cô sinh viên trẻ sắp ra trường từ cao nguyên  Daklak, góp nhiều năng lực tuổi trẻ vào các chương trình thiện nguyện, dù rất trẻ nhưng có nhiều trãi nghiệm đời lẫn đạo.

…. nhiều người bạn thân thương khác....và tôi tin một ngày sẽ gặp.
 

Huyền Lam
Mùa xuân 2012 - Hoa Đào vừa chớm nở