Friday, September 16, 2011

Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Tý và Dư Âm Tuổi Già

Tôi ghé thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào buổi chiều cùng ngày trước khi trở lại Hoa Kỳ.  Đối với hầu hết người Việt tại hải ngoại, họ chỉ nghe đến tên ông qua tuyệt phẩm Dư Âm. Họ không biết ông có những tác phẩm khác.

Riêng tôi, nhiều năm về trước muốn biết tác giả Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ, Một Khúc Tâm Tình..., Dáng Đứng Bến Tre.   Không ngờ ông cũng chính là tác giả Dư Âm!   

Lần đầu biết đến nhạc của ông, giữa đêm khuya trên sân vườn hoang vắng, người bạn hát bài Kẻ Gỗ.  Ba chúng tôi đứa bắc, đứa nam, đứa trung.  Cả ba là dân vượt biên lại xúc động cực cùng trước lời ca nặng âm hưởng Nghệ Tĩnh.   Chúng tôi ngưỡng mộ người nhạc sĩ tải được giọng điạ phương vào nốt nhạc của mình. Lời ca, lời nhạc thắm đượm tuổi trẻ, tình người dành cho quê hương.

Tôi tới thăm ông, không hẹn trước để biết cuộc sống thường nhật như thế nào.  Trong căn nhà nhỏ 94/19 Trần Khắc Chân, Q1, HCM, cuộc sống ông rất khó khăn nghèo nàn.  Ông đã trải qua hai cơn tai biến, đi đứng cần có dụng cụ hỗ trợ.  Đã trên 80, tai ông không còn nghe rõ âm thanh nên không còn sáng tác, tuy nhiên giọng nói ông vẫn còn trầm mạnh, trí tuệ minh mẫn.  

Trong suốt hơn một giờ chuyện trò cùng ông, qua nhiều đề tài, điều làm tôi buồn chính là vấn đề tác quyền mà các trung tâm nhạc hải ngoại không đoái hoài  tới.  Những trung tâm lớn như Thúy Nga, Asia đã xử dụng nhạc của ông rất nhiều trong mấy mươi năm qua.  Nhất là cuốn Asia 55, bên cạnh hát nhạc còn đăng cả phóng vấn, hiệu đính theo chủ trương chính trị của họ.  Thế nhưng theo lời ông:  các trung tâm này chẳng đoái hoài đến ông.

Tôi thật sự không hiểu các trung tâm tại hải ngoại chi tiền triệu usd để sản xuất những chương trình vĩ đại như thế, o bế phỏng vấn ông như thế lại phủ phàng với ông đến thế!  

Hiện ông sống nhờ vào tiền  do một hội bảo vệ tác quyền thu được từ các chương trình trong nước, ngoài ra là sự giúp đỡ khi có khi không  từ người mến mộ, các cơ quan, hội thiện nguyện.  Tuổi già ông hiện sống trong bịnh tật, nghèo khó.

Nghe ông kể về cảnh ngộ, tôi xin phép ông quay phim bằng máy chụp hình.  Đoạn phim chi có 3 phút sẽ cho chúng ta biết rõ những phi lý, bất công như thế nào, và ông nghèo khó cần giúp đỡ ra saọ.  Hy vọng sẽ có nhiều người biết về hoàn cảnh và giúp đỡ thêm cho ông.

Gởi tặng ông món quà nho nhỏ, chút ít tịnh tài. Chia tay ông, tôi rời VN với lòng nặng chĩu.  Định công việc đầu tiên là tải đoạn phim lên mạng nhưng máy computer dùng để hiệu đính phim bị hư nên mãi đên 1 tháng sau tôi mới thực hiện được.  Xin thành thật tạ lỗi cùng ông.


Huyền Lam
Chuyến đi VN - tháng 7-2011

Đường link đến một số nhạc phẩm của Nguyễn Văn Tý:

Dư Âm
Người đi xây hồ Kẻ Gỗ
Mẹ Yêu Con
Cô Nuôi Dạy Trẻ
Một Khúc Tâm Tình Của Người Hà Tĩnh
Dáng Đứng Bến Tre






Wednesday, September 14, 2011

Nha Trang Ba Lon Kỷ Niệm

Người bạn thưở ấu thơ tiễn tôi lên tàu lửa SE3 xuôi nam về Nha Trang.  Sau này có ghé lại Đà nẵng, tôi sẽ ở lâu hơn.   Thời gian quá ít dành cho hai người bạn thân vừa gặp lại, một người bạn mới quen tưởng chừng đã thân lâu...

Tàu SE3 đến ga Nha Trang lúc 10 giờ đêm, khung cảnh nhà ga vắng vẻ, mờ ảo dưới ánh đèn, xa xa những đoàn tàu ẩn mình trong bóng tối chờ chuyển bánh.  Tôi cảm thấy thích thú nét hoang liêu đầy chất trinh thám của nhà ga Việt Nam về đêm.

Sau những ngày dong duỗi, tôi chọn Nha Trang làm nơi nghĩ dưỡng một tuần để tiếp tục tuyến đường còn lại.  Nếu ở Huế tôi vào nhà nghĩ-khách sạn không sao, ở Đà Nẵng khách sạn bình dân thì ở Nha Trang tôi vào Sheraton như Hà Nội vì có đứa em đặt phòng trước với phiếu điểm giảm 65% giá phòng.  

Bảy ngày ở Nha Trang tôi đi mọi nơi, mọi chốn xa gần.  Đêm về tôi có tật rất xấu là uống hai lon bia trước khi đi ngủ.  Tôi không thích ngồi bar sang trọng tại Sheraton dù ngoài trời hay ở bên trong.   Mỗi đêm khoảng 9 giờ, tôi  ra bãi biển bên kia đường, ngồi uống bia trên chiếc ghế nhựa nhỏ xíu, thấp như cái đòn  tại quán di động của hai mẹ con.   Chị Tư tuổi trạc ngũ tuần, có chồng chạy xe ôm.  Người con trai tuổi chưa tới ba mươi có cậu nhóc 8 tuổi và chị vợ chạy lui chạy tới lấy hàng phục vụ cho khách. Quán hàng được họ chở gọn trên 2 chiếc xe máy rất bệ rạc.  Họ chỉ đến bãi biển đối diện Sheraton sau 8 giờ đêm vì công an không cho phép.

Tôi ngồi nhâm nhi lon bia 333, nhìn trời, nhìn sao, nhìn họ buôn bán.  Họ cho thuê bạt ni-lon, bán nước ngọt, bán bia, khô mực, khô bò, xoài xanh, cóc xanh chấm ruốc v.v. .   Nhờ có hai mẹ con, người dân chuyện trò nhâm nhi không cần phải vào quán xá tù túng, giá cả nặng nề.   Tiếng cười nói rộn rã từ hơn mười tấm bạt vọng về, thỉnh thoảng vài cô gái, anh trai  tới xin thêm chút ruốc, chút nước mắm đường hoặc chẻ thêm vài trái cốc, xoài xanh.  Tôi thấy vui vui ngồi tán gẫu với hai mẹ con, thỉnh thoảng ngứa tay phụ thằng bé quạt thang nướng mực cho khách hàng.  

Nét mặt thằng bé thông minh, nhí nhảnh dễ thương làm tôi nhớ đến thằng bé An trong phim Đất Phương Nam mà 10 năm trước tôi rất thích.  Tôi khen nó:

- con giỏi quá, mới chừng này mà biết giúp bà nội, ba mẹ rồi.

Chị Tư khen:  - Nó học giỏi lắm, thích học lắm, nhưng cứ xin ra đây.  Ba nó chỉ cho ra mùa hè, cuối tuần.

Tôi xoa đầu, hỏi nó:  - thế con giúp ba mẹ ngoài này, gặp bạn học ở trường có mắc cỡ không?

Thằng bé bẽn lẽn, cười như muốn trốn.  Ba nó cười oà, chêm vào:  Nó mắc cỡ lắm bác ơi!  Gặp bạn là nó dấu mặt, trốn mất tiêu. Nó sợ bạn cười nhà nghèo.  

Cầm bàn tay nhỏ xíu, tôi chân tình nói:  - con đừng có mắc cỡ mà phải vui được góp phần cho ba cho mẹ.  Bạn bè gặp sẽ rất khâm phục con, không có ai chê con đâu.  Những bạn nào chê con thi chắc mấy bạn ấy chỉ biết vòi quà cha mẹ chứ không biết giúp gì cho cha mẹ.  Ngày xưa bác lớn hơn con 1, 2 tuổi cũng đi bán kem, bán kẹo dạo, gặp bạn cũng trốn, cũng mắc cỡ như vậy.  Nhưng rồi có một người cũng nói với bác như bác nói với con hôm nay, rồi bác hết mắc cỡ.  Gặp bạn, bác còn khoe việc mình làm nữa.

Thằng bé nhìn tôi, cười hóm hỉnh.

Tôi đưa ngón tay trỏ ra:  - bây giờ con nghéo tay với bác, hứa là gặp bạn không trốn, không mắc cỡ nữa nha!

Thằng bé đưa ngón tay vừa nghéo vừa dạ thật to.  Bà nội, ba nó, tôi cũng cười thật to.

Đêm ấy vui, tôi phá lệ uống hết 3 lon 333 mới về.

Cứ thế mỗi đêm tôi ra bãi biển thành bợm uống 3 lon bia.  Đến đêm thứ 4 thằng bé vừa thấy bóng dáng tôi băng qua đường tiến về hướng biển đã la to:  - Bà nội ơi!, bác 3 lon tới kìa!

Chị Tư có lẽ nhìn theo hướng nên biết tôi ở đâu.  Chị mời tôi ngồi, khui lon bia 333 như thường lệ rồi chỉ qua bên kia đường, nơi quán bar ngoài trời sang trọng của Sheraton:  "sao anh không ở bên kia cho lịch sự, thoải mái mà chui ra đây ngồi chẹt bẹt không giống ai như thế này?"

Tôi cười:  -ở bên ấy cũng thoải mái, nhưng không bằng bên này.  Ở đây gần biển, gần nước, gần người.  Bên kia đâu có bán cóc bán xoài chấm ruốc đâu chị?  Bia họ bán mắc gấp 10 lần.  Cho dù không có mắc, em cũng chui qua đây ngồi nhìn mẹ con chị buôn bán cho vui.


Đêm thứ 5, khi vừa bước tới quán, chị Tư giới thiệu người đàn ông da nám đen: - chồng em đây anh, thằng cháu nội kể chuyện về anh, nên ổng muốn gặp  cho vui.  

Tôi đưa tay ra bắt:  - xin chào anh, anh có một gia đình ấm cúng, gắn kết quá.

Anh Tư cười xoà:  Nghe nói đêm nào anh cũng ra đây uống bia, hết ăn  mực, đến cóc, hết cóc đến xoài nên tui đem cái này ra uống với anh cho vui.  

Anh Tư rủ tôi ra ngồi ngoài bãi biển, bên lò than nho nhỏ, anh lấy đồ hải sản được ướp trong hộp nhựa nướng mời tôi ăn. Tôi gắp một miếng, nhai chậm rãi, rồi  thốt lên: -"Thứ gì mà ngon quá vậy anh Tư? vừa xực xực giòn giòn, vừa thẩm thấu không khô, cay cay mặn mặn, ngon bá cháy luôn!"

Anh Tư nốc ngụm bia rồi trả lời:  - món đó là bạch tuộc, tôi cắt khúc ướp đó, phải mua tươi từ thợ lặn  mới ngon.  Giờ anh dùng món này còn độc chiêu hơn.

Tôi ăn thử món anh Tư vừa gắp cho và thực tình tôi chưa bao giờ thấy món hải sản nào ngon như vậy.  Cá không ra cá, tôm không ra tôm, gà không ra gà, rắn không ra rắn nhưng lại có tất cả.  Tôi khen tíu tít rồi được anh Tư cho biết đó là loại cá Kỳ Bông không có bán ở chợ, chỉ những dân lặn sâu thỉnh thoảng mới bắt được.

Anh Tư nói với tôi:  "Bà xã với con tui ngày đầu là biết anh ở nước ngoài nhưng muốn anh tự nhiên..."

Tôi chân thành  kể với anh chuyện ngày xưa.  Anh Tư kể tôi nghe nhiều chuyện đời thường chỉ giới xe ôm mới biết được.    Đêm ấy tôi học được nhìều điều trên quê hương tôi, được ăn những món ăn mà hương vị không có ở nhà hàng, được trò truyện với người thâm nhập sâu trong đời sống ngày thường của xã hội.  Gần 1 giờ đêm tôi  mới mò về khách sạn.

Ngày cuối cùng tại Nha Trang, sáng sớm tôi chuẩn bị mấy bịt bánh kẹo nhỏ đem từ Mỹ để tặng  gia đình anh chị Tư và đứa cháu nội dễ thương.  Tôi không cho họ biết ngày rời Nha Trang, định bụng ngày cuối cùng tặng quà rồi giã từ cho tình cảm hơn. 

Buổi chiều tối hôm ấy, cơn dông lớn, gió mạnh đổ về.  Bãi biển hoang vu không một bóng người.  Đã gần 9 giờ đêm, mưa vẫn như trút nước.  Tôi dõi mắt tìm hai mẹ con chị Tư dù biết rằng thời tiết như thế này họ sẽ không buôn bán.  Ngồi trên taxi chở ra ga cho kịp chuyến tàu khuya, tôi day dứt, thầm  trách mình sao không cho quà ngày hôm trước và nói lời giã từ.


Ga Nha Trang về đêm


Tháp bà trong nắng chiều

Hòn chồng
Cáp treo qua Vinpearl
Chợ đêm Nha Trang rất vui nhộn
Từ phòng khách sạn Sheraton nhìn ra biển.  Con đường Trần Phú chạy ngang.  Kế bên  rặng dừa là nơi mỗi tối tôi ra uống bia
Quán di động đơn giản để di chuyển cho dễ.  Hầu hết hàng đều để trên xe.  Tôi thường ngồi trên cái ghế màu xanh.


Huyền Lam
Chuyến đi VN tháng 7-2011

Monday, September 5, 2011

Đà Nẵng thành phố đẹp và lạ

Giã từ bãi biển đẹp hoang sơ Cảnh Dương và cảng Chân Mây dưới chân đèo Hải Vân, tôi tiếp tục hành trình về thăm Đà Nẵng nơi đã sống, lớn lên từ 1 tuổi cho đến ngày vượt biên.  Nếu Huế là nơi sinh ra thì Đà Nẵng là nơi nuôi tôi khôn lớn.

Về lại miền đất hơn 20 năm xa cách đã cho tôi rất nhiều cảm xúc:  Trường tiểu học ngày xưa giờ hình dáng ra sao?  Ngôi chùa mình  sinh hoạt mỗi tuần trong Gia Đình Phật Tử có còn không?  căn nhà sát thành Điện Hải chắc đã được phá xuống xây lên 2, 3 lần.

Khác với Hà Nội, Sài Gòn, Huế dù thay đổi bao nhiêu, khi trở về tôi vẫn còn kết nối dược hình ảnh xa xưa do những nét căn bản biểu trưng vẫn còn tồn tại.  Đà Nẵng cho tôi cảm giác như đang đi một nơi chưa bao giờ biết đến.  Vừa qua khỏi đèo Hải Vân, trên đường vào thành phố, mọi nơi, mọi chốn được thay đổi to lớn, sạch đẹp lạ kỳ.  Nét hoang sơ ngày nào của Liên Chiểu, Nam Ô, Hoà Khánh, Thank Khê không còn nữa.  Bãi biển Thanh Bình  tắm mỗi ngày biến mất không còn dấu vết.  

Vùng An-Hải bên kia sông Hàn ngày xưa nghèo nàn cách trở, ngày nay nhờ 2, 3 cây cầu đã biến thành đô thị biển sạch đẹp.  Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng một vùng đất có biển chạy dài, có con sông lớn chảy ngang, có núi Sơn Trà án ngữ, có dãy trường sơn cận kề.  Giới lãnh đạo thành phố đã biết dưạ vào điểm mạnh này để tạo nên thành phố đẹp, hiện đại, sạch và an ninh.  

Nếu như ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, trẻ em thèm một chỗ chơi nhưng thiếu thốn, phải vào các công trình đền đài, thờ tự để có chút không gian, thì ở Đà Nẵng  hàng chục cây số dọc sông Hàn, dọc bờ biển được tạo thành công viên tha hồ cho mọi tầng lớp tận hưởng vui chơi thoả thích.

Mấy ngày đi lui, đi tới quanh Đà Nẵng, tôi cứ thốt lên:  Ôi sao Đà Nẵng bây giờ đẹp quá! đường rộng quá!  Biển sạch quá!   

Đii trên thành phố đẹp nhất nước (ý kiến riêng của tôi),  trong niềm vui to lớn, rạng rỡ!  Tưởng mình lọt vào đất nước nào chứ không phải Việt Nam.  Có đôi khi tôi bỡ ngỡ:  Không biết đây có phải là thành phố mình đã lớn lên?   có phải Đà Nẵng đây không?  Cái Đà Nẵng của mình ngày trước hình như mất tiêu rồi!

Mái trường xưa, ngôi nhà cũ đã được xây mới, chia lô san sát.  Khu vực thành Điện Hải rộng lớn, nhiều ao hồ lau sậy, đầy vịt trời thưở ấy, giờ  thay đổi khá nhiều.  Hồi xưa nơi chốn hoang vu này, tuổi thơ tôi kéo bạn bè tập trận giả, mơ làm Nguyễn Tri Phương quánh nhau với quân Tây.  Những thanh kiếm gãy, những cây đao, súng hoả mai sỉ rét dưới chân thành đã  cho tuổi thơ tôi đầy hình tượng oai hùng của quân ta quyết tử giữ thành.  Ngày nay đứng trước những bức tường thành ấy, bóng dáng nhà cao tầng tuyệt đẹp,  che chiếm không gian,  không biết tuổi thơ bây giờ  có còn mơ như tôi ngày xưa?


Bên lề:   Ghé thăm Đà Nẵng vài ngày, tôi có đi thăm chùa Bãi Bụt dưới chân núi Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn và Hội An.    Tôi rất thích phố cổ Hội An được giữ gìn rất tinh tế:  Từ màu sắc, bảng hiệu, quán hàng cho đến cột đèn được bảo quản kỹ lưỡng.  Xe động cơ không được vào trong này.  Đi trên phố cổ Hội An ta có cảm tưởng lạc vào một thành phố xa xưa, thời gian như lui lại cả trăm năm.  Có lẽ đây là lý do người nước ngoài rất thích Hội An.  Họ đến Đà Nẵng nhưng hầu hết chui vào Hội An ở để thưởng thức không gian cổ tại đây.  Nếu 36 phố phường Hà Nội được gìn giữ theo mô thức này thì tuyệt đẹp vì khu phố cổ Hà Nội khá phong phú.

Điều làm tôi hạnh phúc nhất trong chuyến đi  là gặp lại được gia đình người cán bộ tập kết.  Sau 1975  họ hồi hương sống cạnh căn nhà cũ của tôi.   Gia đình này đã giúp đỡ gia đình tôi (vốn là sĩ quan chế độ miền nam) rất nhiều trong buổi giao thời đầy khốn khó, sai lầm  sau cuộc chiến.   Họ đã  giúp tôi có phương tiện đi vào nam nhiều lần vì không có giấy tờ do bị bắt vì tội vượt biên (dạo ấy đi qua tỉnh khác rất khó khăn).    

Tới thăm vợ chồng người cán bộ đã về hưu, cầm được bàn tay nhăn nheo, nói lên lời cám ơn khắc sâu mấy mươi năm, những ân tình giữa con người trong cơn hoạn nạn: tôi được sống trong niềm hạnh phúc tràn ngập, tuôn xả, vỡ bờ!

Nơi nhà cũ, tôi gặp lại 2 người bạn thân thưở bé dù không hẹn trước, rồi ồn ào ôn chuyện ngày xưa suốt buổi chiều, rồi lại khít khao như thưở bé.  Cả hai người bạn rất thành đạt trong sự nghiệp.

Cũng tại Đà Nẵng, tôi lần đầu tiên quyết định đi thăm những người bạn quen biết trên mạng.  Ngoại trừ bà con, chưa có ai trên mạng gặp mặt tôi ngoài đời ở VN.  Gia đình chị bạn này có anh chồng và bé gái rất dễ thương, nhiều điểm rất đáng qúy.  Chị không biết tôi đang có mặt tại VN, cứ tưởng tôi đang ngồi viết blog, tán dốc ở nước ngoài.  Hôm tới thăm đột xuất, nhìn nét mặt sửng sốt, nụ cười ngạc nhiên, phúc hậu của chị, tôi thấy vui chi lạ. 

Bãi biển Cảnh Dương - xa xa cảng Chân Mây


Đường lên Bà Nà
Cầu Thuận Phước - qua sông Hàn đến bán đảo Sơn Trà

Bãi biển Cửa Đại - Hội An

Hội An phố cổ - không xe, không máy móc ồn ào 
Ngũ Hành Sơn - Đường lên động Huyền Không

Ngôi chùa Tân Ninh nơi tôi đến mỗi tuần- diện tích chùa giờ chỉ còn 1/4 ngày xưa

Trường tiểu học Bồ Đề trực thuộc chùa Tân Ninh ngày xưa,  nay được xây mới hiện đại, đẹp hơn nhưng sân trường đầy cỏ cây hoa dại không còn.

Đường Quang Trung, nơi nhà cũ sát chân thành Điện Hải, khoảng đất trống mấy trăm mét dẫn đến chân thành, giờ đây là các toà nhà đẹp.  Thành Điện Hải được trùng tu nhưng không gian không còn để trùng tu

Căn nhà cũ đã được xây mới và chia thành nhiều lô, đây là một lô

Nhìn lên chùa Linh Ứng - bãi bụt dưới chân núi Sơn Trà.  Ngày xưa đi vượt biên ở  đây (Mân Thái, Thọ Quang) bị bắt đưa về Kho Đạn (Ông Ích Khiêm) Đà Nẵng, nằm tù 4 tháng.
Đà Nẵng có nhiều sân chơi rộng lớn dài hàng chục cây số dẫn ra biển, ra sông



Huyền Lam
Chuyến thăm VN - tháng 7-2011