Wednesday, September 25, 2013

Khi học bổng khó nuốt cho con nhà nghèo


Có đứa em nhận được học bổng Lửa Việt do tiến sĩ Alan (Góc Nhìn Alan) và các cộng  sự viên chủ trương.  Em hỏi tôi có nên nhận món quà học bổng 12000USD hay không?   Tôi rất ngạc nhiên vì em đã bỏ khá nhiều thời gian chuẩn bị cho khâu nộp đơn, phỏng vấn, rồi hy vọng từng ngày, nay em lại nhờ tôi nghiên cứu và tư vấn dùm.


Thì ra học bổng tài trợ ⅔ tiền học, giai đoạn 1 học 8 môn, mỗi môn phải đóng thêm 600 USD.  Giai đoạn 2 sẽ trải qua thêm một đợt  xét duyệt khác, nếu được tuyển chọn sẽ được tài trợ học tiếp, nếu không sẽ tiếp tục đóng thêm 2 lần 600 USD nữa cho đủ phần thiếu là 6000 USD.  Toàn bộ quá trình học là dạng online chứ không đến lớp, có nghĩa là học tại VN. Em sợ nếu đến đợt thứ 2 mà không được tuyển chọn thì toàn bộ số tiền phải chi ra là khoảng 6000 USD, một con số quá lớn em khó kham nổi.  

Một môn học khoảng 1 tháng - 600 USD phải bỏ ra mỗi tháng dù đã được học bổng là điều không tưởng cho nhiều gia đình VN khi bình quân thu nhập GDP hằng tháng chỉ 300 USD.


Để tránh là nạn nhân của những màn kinh doanh giáo dục, mà dạng học online khá nhiều và bằng cấp ít nơi coi trọng, tôi nói với em rằng nếu là học bổng của trường trong top 100 đại học Hoa Kỳ thì tôi sẽ nhận. Em khoe là trường Bristol.


Nhưng trường Bristol nổi tiếng ở Anh, là 1 trong 30 trường lớn nhất thế giới, có chi nhánh Hoa kỳ chăng?  tôi Google tên trường thì tòan thông tin của trường bên Anh rất hòang tráng, ấn tượng.  Sau nhiều đợt google đủ kiểu và đào sâu thì  mò ra một trường đại học tư nhân có tên Bristol tại Anaheim - Orange County - California. Tiêu chuẩn được nhận vào trường khá dễ. Theo CampusExplore.com (trang mạng chuyên cung cấp thông tin trường học) thì chỉ cần điểm trung bình GPA 2.0 (A = 4.0, B=3.0, C=2.0).   


Hầu hết các trường đại học công và tư trong top 200 trường của Hoa Kỳ, rất khó kiếm trường nào nhận học sinh có điểm C. Cũng theo CampusExplore thì trường thuộc diện nhỏ, thành lập năm 1991 có tên Kensington College trước khi đổi qua tên Bristol University trong vài năm trở lại. Vì sao đổi trùng tên với trường danh tiếng toàn cầu ở Anh, có lẽ là ngẫu nhiên?  


Được biết học bổng Lửa Việt mà tiến sĩ Alan là một thành viên trong ban tuyển khảo đã trao 55 học bổng. Nếu là tôi, tôi sẽ giảm số học bổng xuống còn 35, 40 và tài trợ 100% vì một đất nước như VN, người giàu thì đã cho con đi du học, học sinh nghèo lấy đâu ra 4, 5 ngàn USD để học dù đã được học bổng kiểu ⅔ này, nhất là với dạng học online có xứng đáng với các chương trình học tại VN do các giáo sư ngoại quốc đảm nhận trực tiếp và có thể rẻ hơn không?


Tôi không dám khuyên em nhận hay không nhận, tuy nhiên em nên nghiên cứu thêm và hỏi tiến sĩ Alan trước khi chính em quyết định:

  • Làm sao nhận được tài trợ phần 2, quota là bao nhiêu sinh viên?
  • Trường này được xếp hạng thứ mấy ở Hoa Kỳ?  bằng tốt nghiệp có giá trị không?  có được coi trọng như các trường công lập thuộc hệ thống University of California của chính quyền tiểu bang California?
  • Ở VN các trường đại học có tiếng, đánh giá trường này ra sao?
  • Với số tiền sẽ chi ra 6000 USD, có trường nào khác dù không cho học bổng nhưng cung cấp cách học khá hơn không?

Không hiểu sao khi vào 2 websites chuyên thẩm định trường học, lại không thấy có tên Bristol trong số hơn trăm trường tại California.

http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/best-colleges/search?name=&x=25&y=13&CA=y&enrollment-min=0&enrollment-max=14000&tuition-min=5000&tuition-max=50000




Các bạn muốn theo dõi thông tin và những comment liên quan đến blog này xin vào trực tiếp facebook qua đường link:

Huyền Lam

Cập nhật ngày 20 tháng 5 - 2014:  Bài viết mới nói về tình trạng kinh doanh học bổng và vấn đề tuyển sinh của BU trong nằm 2014:  
http://huyenlamblog.blogspot.com/2014/05/kinhdoanhhocbong.html

Friday, September 20, 2013

Google Tìm Về Trí Tuệ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Trong tháng 9 năm nay, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ và đã được nhiều tập đoàn quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ thỉnh mời hướng dẫn khóa tu. Những tập đoàn này đang kết nối sức mạnh của chánh niệm và thiền định để phát triển doanh nghiệp bền vững trong sự an lạc lành mạnh cho nhân viên, người tiêu dùng và môi trường. Chúng tôi xin được tổng hợp và chuyển ngữ bài viết dưới đây của phóng viên quốc tế Jo Confino - tạp chí Guardian, số ra ngày 5-9-2013 vừa qua. Bài viết cung cấp thêm những giá trị quý báu mà Phật giáo đã và đang góp phần vào các nước văn minh, tiên tiến bậc nhất trên thế giới.

Tại sao những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm cả Google, lại đặc biệt trân trọng quan tâm đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh - vị tu sĩ Phật giáo người Việt đã 87 tuổi?

Câu trả lời là: Tất cả tập đoàn này quan tâm đến giáo lý thiền sư giảng dạy để áp dụng cải thiện công ty trở nên từ bi, hiệu quả hơn. Hàng trăm ngàn đệ tử trên thế giới tuy dùng ngôn ngữ khác nhau nhưng đã dùng chung chữ “Thầy” để gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Như một dấu ấn “thực hành chánh niệm” đã bắt đầu đi vào dòng chảy xã hội, Google đã mời thầy đến hướng dẫn khóa tu trọn ngày cho nhân viên sẽ tổ chức vào cuối tháng 9 năm 2013 tại thung lũng điện tử - bang California. Ngoài ra, hơn 20 Tổng giám đốc (CEOs) của các tập đoàn công nghệ lớn sẽ gặp thầy nhằm được khai mở trí tuệ về nghệ thuật sống trong giây phút hiện tại. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, sách của thầy đã bán trên 2 triệu cuốn. 

Thầy dự tính sẽ pháp đàm cùng các tổng giám đốc, giúp họ hiểu sâu xa các mối liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau trong đời sống, đồng thời cung cấp giải pháp chánh niệm vào công việc hàng ngày, trong thiết kế sản phẩm, trong ứng dụng công nghệ để thay đổi thế giới. Sau buổi pháp đàm sẽ là một buổi thiền hành.

Thành quả hoằng pháp của Thiền sư Nhất Hạnh đã được nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu ngưỡng mộ, công nhận trong 50 năm qua. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Jim Yong Kim nhận định: Phương pháp thực hành của thiền sư tạo niềm đam mê sâu rộng về phát triển hạnh từ bi đến người đang đau khổ. 

Trong khi đó, nhà hoạt động nổi tiếng toàn cầu Martin Luther King đã đề cử thiền sư xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1967 cho những nỗ lực chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ông nói khi đề cử: “Trao giải (cho Thiền sư Nhất Hạnh) sẽ đánh thức nhân loại về vẻ đẹp của thực hành yêu thương, đem lại hòa bình. Điều này sẽ giúp làm sống lại niềm hy vọng về một trật tự mới cho công lý và hòa hợp”.

Dù tuổi đã 87, Thiền sư hiện đang hoằng pháp 3 tháng liên tục tại vùng Bắc Mỹ ngay sau chuyến hoằng pháp tại châu Á. Tăng đoàn của Thiền sư là Tăng đoàn phát triển nhanh nhất thế giới. Những khóa tu học tại Toronto (Canada), New York, Mississippi và California, mỗi nơi có sức chứa trên 1.000 người đã hết vé trong vòng vài ngày thông báo.


Nền kinh tế tham lam tiêu thụ
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cảnh báo nền văn minh nhân loại có nguy cơ sụp đổ do guồng máy kinh tế tiêu thụ làm thiệt hại môi trường và nền tảng xã hội. Thầy cung cấp giải pháp đem nguồn hạnh phúc đích thực mà chúng ta đã đánh mất vì quá tôn thờ vật chất. Phương pháp tu học dựa trên chuyển hóa khổ đau bằng cách quên đi những vết thẹo quá khứ, hoặc lo lắng ở tương lai qua việc hành thiền sống trong chánh niệm.
Thầy tin rằng để doanh nghiệp giảm thiểu tốc độ vô định của chủ nghĩa tư bản, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhận ra lỗi cơ bản trong cách nhìn thiển cận: Lợi nhuận đồng nghĩa với thành công.

Doanh nghiệp cần thay đổi về ý thức
Tư duy doanh nghiệp cần phải thay đổi bằng cách nhận ra sự quan trọng của phối hợp đời sống tâm linh vào công việc hàng ngày. Thầy nói:

“Bạn phải xem lại quan niệm về hạnh phúc. Bạn cho rằng, hạnh phúc chỉ khi chiến thắng hoặc đang ở trên đỉnh. Thật ra không phải vậy, vì dù bạn có thành công làm ra nhiều tiền bạn cũng đau khổ. Thực tập thiền giúp bạn giảm bớt đau khổ”.

“Nhiều người trong chúng ta cho rằng sẽ có được hạnh phúc nếu bỏ mọi người vượt lên trước để thành số một. Chúng ta không cần đứng nhất để được hạnh phúc. Phải ứng dụng một phần tâm linh trong đời sống vào doanh nghiệp, nếu không chúng ta sẽ phải đối phó đau khổ tạo ra từ công việc và đời sống”.

“Thực tập thiền định sẽ giúp ích cho doanh nghiệp. Khi nhân viên hạnh phúc thì doanh nghiệp được cải thiện. Nếu doanh nghiệp làm tổn hại môi trường, thì khi hành thiền chúng ta sẽ có sáng kiến để bảo vệ thiên nhiên”.

“Ứng dụng chánh niệm vào doanh nghiệp cũng sẽ giúp nhân viên bớt ngập đầu vì công việc. Các vị lãnh đạo phải làm gương trước. Nếu lãnh đạo quá bận rộn giải quyết công việc, không còn thời gian cho gia đình thì sẽ không mấy hạnh phúc. Doanh nghiệp sẽ thành công hơn khi có những nhà lãnh đạo trầm tĩnh, hạnh phúc, tràn đầy thương yêu hiểu biết”.

Sự bùng nổ cách mạng kỹ thuật điện tử đã góp phần làm đời sống bận rộn hơn, khiến không còn thời gian nhìn lại chính mình hoặc để tạo nguồn sáng tạo. Thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ tiếp:

“Chúng ta phải đảo ngược xu hướng này. Chúng ta phải trở về với chính mình, người thân yêu ta, trở về với thiên nhiên. Những thiết bị điện tử đã làm ta xa cách chính ta. Chúng ta đánh mất mình trong thế giới mạng (internet), kinh doanh, dự án rồi không còn thời gian cho ta. Không còn thời gian chăm sóc người thân yêu, không còn thời gian cho Mẹ Trái đất ấp ủ, chữa lành bịnh cho ta”.

Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp khó mở lòng chia sẻ những áp lực công việc, tuy nhiên nhiều vị đã trải lòng chia sẻ những điều Thiền sư quan tâm. Erin Callan, cựu Giám đốc Ngân hàng Lehman Brothers chia sẻ trên báo New York Times sau khi từ chức:

“Mỗi khi rời công sở, tôi rã rời. Tôi không còn năng lực đi tiếp. Tôi đã không biết giá trị bản thân và những gì mình đã làm. Về nhà dù là cuối tuần, nếu không ráng làm cho hết việc ở công ty thì lo sạc pin để tiếp tục cho tuần tiếp. Công việc bao giờ cũng được ưu tiên trước. Gia đình, bạn bè, hôn nhân luôn đến sau - kết quả là mất tất cả chỉ sau vài năm”.

Tuy thầy quan tâm đến tác động xấu gây ra từ công nghệ, thầy nhận ra bản chất nhị nguyên của nó có sức mạnh làm được điều tốt. Đây là lý do thầy sẽ kêu gọi các Tổng giám đốc (CEO) tập đoàn công nghệ trong buổi hội thảo sắp tới: hãy làm những phần mềm ứng dụng và công cụ giúp con người thăng bằng đời sống. Thầy đưa ra ví dụ như phần mềm giúp thư giãn mỗi khi lên cơn giận, hoặc chiếc đồng hồ đeo tay mà thầy giúp thiết kế: mỗi con số được thay bằng chữ now (hiện tại). Thầy nói:

“Chúng ta cần sự tỉnh thức. Khi nói chuyện với Google và những công ty khác, tôi sẽ kêu gọi họ biết sử dụng trí thông minh và thiện chí có sẵn để chế tạo các thiết bị giúp chúng ta trở về chính mình, chữa lành chính mình. Chúng ta không cần phải liệng bỏ những thiết bị điện tử nhưng phải biết dùng chúng cho đời sống hài hòa an lạc”.

Tập đoàn Google đã thỉnh cầu Thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng về tính sáng tạo, minh mẫn, hướng đi. Thầy nói đây là những điều khi thực tập chánh niệm sẽ mang lại hiệu quả cao. Google đã từng mời thầy vào năm 2011, kể từ đó thực hành chánh niệm đã nở rộ tại tập đoàn khổng lồ này. Rất nhiều người tham gia chương trình tu học chánh niệm “Tìm lại chính mình”. Nhiều phòng thiền đã được lập lên khắp văn phòng tập đoàn.

Thầy mỉm cười an lạc tiếp tục câu chuyện: 

“Nhân viên Google muốn biết làm thế nào để chuyển hóa khổ đau như mọi người. Đa số họ là những người trẻ rất thông minh, hiểu rõ những lời pháp, thực hành rất tốt, giúp truyền bá thực tập chánh niệm, và họ có trong tay phương tiện để làm điều này hữu hiệu.

Họ sẽ được giúp để nhận thức rằng: tất cả mọi người đều muốn làm việc tốt vì mỗi chúng ta có Phật tánh trong tâm. Khi chúng ta nhìn vào con đường không cao quý, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường khác tốt đẹp hơn. Khi chúng ta nhìn vào đau khổ, chúng ta sẽ thấy phương pháp đem đến hạnh phúc. Đó là giáo lý của Bốn sự thật quý báu (Tứ diệu đế) và bạn không cần phải là Phật tử để hiểu điều này.

Xã hội chúng ta cần một sự tỉnh thức tập thể để tự cứu lấy mình trước vấn nạn đang gặp. Vì vậy, phép lạ của sự tỉnh thức cần thể hiện trong mỗi bước đi, mỗi hơi thở. Và khi chúng ta có chất liệu tỉnh thức, ta sẽ biết con đường đem đến hạnh phúc. Ta sẽ chấm dứt khổ đau và giúp người khác cũng làm như ta”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện đang hoằng pháp tại Bắc Mỹ, bao gồm những buổi diễn thuyết tại các thành phố lớn: New York, Boston, Pasadena v.v... Đồng thời thư pháp của thiền sư sẽ được triễn lãm bốn tháng tại phòng thiết kế nổi tiếng ABC Store New York.

(Lược dịch theo Jo Confino: “Google Seeks out Wisdom of Zen Master Thich Nhat Hanh” - The Guardian, ngày 5-9-2013)

*
Huyền Lam (báo Giác Ngộ số 710)

Monday, September 16, 2013

Tiễn Em Đi Học Xa


Đã hơn 20 năm qua, năm nào cũng thế, mỗi độ thu về ngôi chùa tại thị trấn nhỏ miền cực bắc Hoa Kỳ lại tiễn một số em đến những thành phố lớn nội trú đại học.  Mỗi lần như thế, anh chị trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử mở tiệc nhỏ mừng em trưởng thành nhưng lòng buồn man mác, sau  nhiều năm gắn bó ruột thịt, giờ sẽ ít khi gặp lại.


Hầu hết các em bắt đầu đến chùa lúc còn rất nhỏ, tuổi mẫu giáo, lớp 1, lớp 2.  Cha mẹ bắt em đến chùa  mỗi ngày chủ nhật để học tiếng Việt,  học làm người tốt, bớt chơi game điện tử, bớt quên đi nguồn gốc tổ tiên...  Những tuần đầu em đến chùa có đôi chút bỡ ngỡ, bực bội.  Đã quen không gian văn hoá Mỹ, làm sao em không sốc với môi trường chùa chiền khói nhang, kinh kệ của người lớn tuổi.  Lắm lúc anh chị trưởng cười nghẹn ngào trước những câu hỏi ngây thơ bằng tiếng Mỹ của ngày đầu tiên:

  • Ông đó là ai mà được ngồi trên cao? Sao mình phải lạy ông?  Sao lại ngồi trên hoa, tội nghiệp hoa.  Mà hoa gì to vậy?
  • Bác sĩ nói khói (thuốc) làm người chết,  Sao lại đốt khói (hương) cho ông ấy ngửi?

Tuy nhiên dưới sự cưng chiều dẫn dắt của anh chị trưởng và đoàn sinh đi trước, chỉ vài tháng sau em  mong được đến chùa hằng tuần dù phải theo lịch sinh hoạt:

·         Ngồi thiền  5 phút         - Tụng kinh lễ Phật 15 phút
·         Phật pháp hoặc kỷ năng 20 phút        - Sinh họat tự do 15 phút
·         Tiếng Việt 40 phút        - Sinh hoạt tập thể 15 phút

Chẳng bao lâu những ngày lễ lớn như Phật đản, Vu Lan em lại vui mừng được xếp hàng dâng hoa cúng dường chư Phật. Mỗi lần tết đến hãnh diện tung tăng trong tà áo dài, trong đoàn lân,  muá ca chào đón xuân về.  Không những thế, em còn là đoá hoa tươi thắm chia sẻ văn hoá Việt đến người Hoa Kỳ qua những giai điệu muá dân gian trong các kỳ lễ hội đa quốc gia được tổ chức hằng năm tại các trường học, trung tâm văn hoá thành phố.   Mỗi nơi em xuất hiện, những tràn pháo tay lại rộ lên ngợi ca nét đẹp kín đáo truyền thống Việt Nam nhưng dịu dàng tươi thắm. Những chuyến trình diễn như thế đã giúp em tự hào hơn về nguồn gốc tổ tiên, về đạo Phật của mình.  

Điều làm anh chị trưởng hạnh phúc hơn hết thảy là khi chứng kiến sự tăng trưởng lối sống lành mạnh, đạo đức, thánh thiện.  Mỗi lần sinh hoạt ngoài công viên, không cần ai nhắc nhở, em luôn tự động lượm rác sạch sẽ trước khi ra về.   Dù phải xếp hàng dài chờ tham quan bảo tàng hoặc mua vé đi coi thể thao v.v, em luôn nhẫn nại, thong dong, không hề chộn rộn xôn xao.   Những lần cấm trại hái nấm rừng,   nhặt sỏi qúy bờ suối, lượm vỏ ốc bên bờ biển..., dù không ai kiểm soát nhưng luôn không cho phép mình vượt quá  số lượng vườn quốc gia quy định.  

Hằng năm, trong những buổi nấu ăn cho người vô gia cư, chương trình quên góp thực phẩm cho người nghèo, hoặc  rửa xe gây qủy cho người bị thiên tai, các em hết lòng tích cực tham gia và luôn mong được làm nhiều lần hơn nữa.  Mỗi lần như thế, anh chị trưởng rất xúc động khi chứng kiến các em ân cần bưng thức ăn đến từng bàn, lễ phép mời người vô gia cư dùng, thỉnh thoảng lui tới hỏi thăm mời thêm món khác bằng tâm yêu thương trong trắng không phân biệt.

Sống trong môi trường khi người da màu là dân thiểu số dễ nổi bật giữa đám đông, nhân cách sống các em đã góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp cho người gốc Việt, người Phật tử.  Chỉ còn vài tuần nữa, em sẽ đi xa, tản mác khắp quốc gia Hoa Kỳ rộng lớn.   Lâu lâu về thăm phố nhỏ,  em mang tặng mọi người nơi chốn cũ những nụ cười hạnh phúc trong nổi mừng gặp lại.  Một dòng kỷ niệm đầy ấp  thương yêu lại trở về....

Huyền Lam
Mùa nhập học 2013 - Tuần San Giác Ngộ 707