Friday, December 24, 2010

Một Ngàn Lẻ Một Ông Già Noel

Hình ảnh ông già tròn trịa, râu trắng, áo mũ đỏ, nụ cười rạng rỡ phúc hậu đi phát quà cho trẻ em là biểu tượng của mùa Noel. Ông này có nguồn gốc xâu xa từ lễ hội trao qùa đầu năm của người Hy Lạp và người Đức. Khi Thiên Chúa Giáo truyền đến những xứ này, lễ hội trao qùa-ông già Noel đã được thích nghi và hoà nhập do giàu tính nhân sinh.  Ngày nay ông già Noel có mặt hầu hết trên mọi quốc gia.  Bên cạnh những ông già truyền thống vui nhộn làm niềm vui cho trẻ em và bao người,  cũng có những ông già khác biệt như đời sống con người vốn bao giờ cũng muôn mặt...

Ông Già Noel truyền thống  phát quà cho trẻ em
Ông Già Noel phúc hậu làm phông chụp hình


Ông Già Noel xuất quân đầy đủ trang thiết bị
Tiểu đội ông già Noel cơ động tại VN
  
Ông Già Noel khi thất nghiệp
Khi nghèo hết qùa cho mình và cho người....
Khi hứng khởi quá bến....

...để rồi vô tình phạm luật
Khi già noel chán trượt tuyết, chán nai tuần lộc
Khi trời lạnh, ông tắm nước nóng
Khi trời nóng, ổng phê....
Chúc tất cả bạn bè một mùa Noel, tết Tây tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.

Huyền Lam 
Ngày 24 tháng 12 Năm 2010

Monday, November 8, 2010

Một mai về lại cố hương

Nếu một ngày nào đó về VN sinh sống thì sẽ ra sao nhỉ?  Tôi đã sống ở nước ngoài gần gấp đôi số năm tại VN.  Tôi cũng về VN nhiều lần thăm họ hàng, du lịch hoặc trong các đoàn từ thiện.  Bao giờ cũng còn vài nơi muốn đến, nhiều người muốn gặp và khi niềm vui chưa trọn thì đã khăn gói trở về.  Bốn, năm tuần ngắn ngủi ấy không đủ cho tôi cảm nghiệm thật sự nếp sống trên quê cha đất tổ.

Có lẽ cảm giác ấy phần nào cũng giống như cảm giác ngày tôi đến Mỹ.  Sau tháng đầu niềm vui từ khung cảnh lạ, bận rộn với mớ giấy tờ, luật lệ, tôi nhớ VN da diết. Ngủ nằm mơ cứ thấy mình như đang ở VN, đến khi tỉnh giấc cứ tiếc sao giấc mơ không kéo dài thêm chút xíu.  Cảm giác bơ vơ trên xứ lạ quê người làm buốt cả con tim, làm rũ rượi mọi tế bào thân thể.  Nhưng rồi năm tháng qua đi, tôi dần dà thích nghi đời sống mới.   Tôi có một nhóm bạn thân thích để chơi, có ngôi chùa để tâm linh, có công việc để làm, có cộng đồng VN để tôi góp phần gìn giữ văn hoá Việt.  Tuy nhiên  tôi cũng như bạn bè cùng trang lứa, khi có ai hỏi:  Mai mốt chết ở nơi nào?  Chúng tôi hầu như bối rối và không nghĩ rằng nơi ấy là đất khách quê người, dù rằng mỗi năm chúng tôi chứng kiến không biết bao người Việt ra đi nơi chốn ly hương.

Ngày về VN sinh sống, sau vài tháng  tràn ngập niềm vui được đi thăm nhiều nơi trên quê hương, được tiệc tùng, tâm giao cùng bà con, bằng hữu, một hôm nào đó, tôi sẽ cảm thấy hụt hẩng, nhớ về bên kia.

Giữa ngày nóng oi bức, tôi sẽ thèm buổi sáng mùa đông, tuyết phủ trắng xoá. Khoát chiếc áo ấm dày, đi lang thang quanh bìa rừng, một chút cô đơn, một chút thanh thoát trong  không gian tĩnh mịch, tinh khiết.

Giữa tiếng bóp kèn inh ỏi, tiếng hàng xóm cãi nhau, tôi thèm một mảnh vườn nho nhỏ, chiều chiều hái rau, tưới hoa giữa tiếng chim kêu rộn ràng, và mấy con thỏ nhởn nhơ ăn cỏ.

Tôi sẽ thèm bao điều:  Mùa hè đi cắm trại giữa núi rừng hùng vĩ, hay biển lạ ít dấu chân người. Mùa thu lá đỏ, lá vàng đan chéo như bức tranh rực màu.  Mùa xuân hoa tulip, hoa anh đào nở rộ tràn đầy sức sống.  Tôi sẽ nhớ đến các học trò, các em trong tổ chức Gia Đình Phật Tử ở hải ngoại. Những khuôn mặt ngây thơ sinh đẻ ở nước người, bập bẹ nói tiếng Việt làm tôi yêu, tôi thương vô cùng:  Ông nội em, nó hay cho em kẹo.  Cái tờ giấy nó té!

Tết đến tôi không biết mình có ấm áp trong không khí tết tại VN, hay tôi nhớ đến đàn em nhỏ bên kia mừng rỡ được mặc chiếc áo dài, áo tứ thân để đi múa Tết cho người Hoa Kỳ thưởng thức giữa tiếng vỗ tay như sấm rền. Riêng tôi chắc sẽ thèm được hò lô tô chêm ít tiếng Mỹ như tôi đã làm hơn 10 năm qua để bà con cười, mua ủng hộ gây qũy cho chùa hoặc làm từ thiện:

Bụng anh hơi bự hơi tròn
Anh mau sit up cho mòn cho xinh ....là con số chín

Trở về cố hương, tôi biết nếu không làm việc gì đó có ý nghĩa,  tôi sẽ thấy cuộc sống mình cô đơn, buồn tẻ, mệt mỏi ngay trên đất nước sinh ra mình.  Tôi sẽ tìm trại mồ côi hay trung tâm khuyết tật nào đó để chăm sóc các em bất hạnh.  Nơi đây sẽ cho tôi niềm hạnh phúc vô biên trong tình nhân loại. Tình thương các em dành cho tôi sẽ giúp tôi  có nhiều niềm vui trong cuộc sống mới nơi mái nhà xưa.

Huyền Lam
Cuối Thu - Ngày 8 tháng 11 năm 2010


* Mến về chị Hoàng Mai - người bạn áo lam tình cờ.

Friday, October 1, 2010

Tượng Phật từ tờ di chúc của người đàn bà Pháp



Buổi chiều đi làm về, điện thoại nhà reo, người đàn bà Mỹ muốn gặp mẹ tôi.  Bà đưa điạ chỉ, ngày giờ  gặp bà để trao cho mẹ món đồ có người để lại trong di chúc.   Mẹ nhìn điạ chỉ rồi lẩm bẩm: chẳng lẽ người đàn bà Mỹ gốc Pháp mà hơn 10 năm trước mẹ giúp việc đã qua đời.  

Bà Suzanne chúng tôi thường gọi là bà Pháp, là người thân duy nhất không phải gốc Việt của mẹ tôi trong suốt hơn 20 năm sinh sống ở xứ người.  Sau thế chiến thứ 2, cả gia đình mất hết chỉ còn bà và người mẹ được một viên sĩ quan Hoa Kỳ đem qua Mỹ sinh sống.  Lớn lên bà lập gia đình, người chồng là chủ nhân nhà máy luyện thép.  Hai ông bà không có con, nên tiền bạc thời giờ dư thừa dành vào việc du lịch và sưu tầm đồ cổ.  Chồng bà không may mất đi để lại một sản nghiệp to lớn và mẹ tôi đến giúp việc cho bà. Bà rất kén chọn người làm. Bà khoái mẹ tôi vì nói được chút ít tiếng Pháp và cùng thế hệ như bà.  Công việc làm khá đơn giản, chỉ có nhiệm vụ hằng ngày cẩn thận lau chùi từng món đồ cổ trong toà biệt thự rộng lớn, làm càng chậm, tỉ mỉ bà càng khoái.  Trước đây bà đã mướn nhiều người nhưng chẳng vừa ý ai.  Mẹ tôi làm cho bà  hơn 10 năm rồi xin nghỉ do tuổi đã già.  Trong quá trình làm việc, bà Pháp ngày càng thương mẹ hơn, bớt khó tính với người chung quanh.  Bà tìm hiểu thêm đạo Phật rồi tập thiền.  Những năm sau này do tuổi tác, không tiện đi lại nên mẹ tôi và bà ít gặp nhau, chỉ còn thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm hỏi.   

Ngày cuối tuần, đúng theo hẹn, tôi chở mẹ đến ngôi biệt thự.  Gần đến nơi, đường xưa lối cũ, mẹ tôi bồi hồi ứa nước mắt.  Bà quản gia đồng thời là luật sư ra đón chúng tôi.  Cầm tay mẹ  bà nói:  Tuy chưa bao giờ gặp, nhưng bà biết rõ mẹ từng ly từng tí qua lời kể lui kể tới của bà Pháp trong nhiều năm qua.  Bà Pháp qua đời trong cơn trụy tim cách đây 2 tháng, âm thầm lặng lẽ không mấy ai hay biết ngoại trừ vài người làm việc tại biệt thự.  

Trong căn nhà rộng lớn, đồ đạt ngổn ngang như sắp dọn đi.  Nhiều thùng giấy chứa đồ cổ được niêm yết cẩn thận.  Bà luật sư cho biết:  Trong di chúc bà Pháp để lại:  toàn bộ tài sản bạc triệu sẽ cho các hội  từ thiện, toàn bộ đồ cổ cả mấy trăm món từ nhiều nền văn hoá khác nhau sẽ biếu tặng viện bảo tàng tiểu bang Oregon.  Bà để lại vài món đồ lưu niệm cho vài người thân thiết, trong đó có mẹ tôi. Lá thư riêng bà viết cho mẹ kèm trong hộp đựng tờ di chúc có đoạn:

"...Chị để lại cho em bức tượng amber Buddha dù không cổ xưa như những món đồ khác mà chị sở hữu, nhưng chị yêu qúy nhất vì trong amber Buddha có chị có em.  Hơn mười năm qua, mỗi ngày chị nhìn bức tượng lại nghĩ đến em.  

Ngày ấy, em tới làm cho chị, khi đi ngang bức tượng em đều dừng lại mỉm cười, khuôn mặt em thoát ra nét an lạc lạ lùng.  Mỗi lần em lau chùi bức tượng, em chấp tay thành kính rồi lau chùi trong niềm hạnh phúc.  Chị nhìn em làm việc, thầm tự hỏi mình đang sở hữu tài sản lớn lao, nhưng chị có được nét bình thản như em?  

Cũng từ đó chị tò mò nhìn bức tượng, dần dần khám phá ra được giá trị đạo Phật....đã giúp chị sống vui hơn, ý nghĩa hơn, bớt cô đơn hiu quanh trong tuổi già.

Chị nhớ mãi những chén cháo em nấu, đút cho chị ăn trong những lần bị cúm.  Dù không phải việc của em nhưng em gởi trọn tình thương chăm sóc cho chị...  Những lúc ấy chị muốn làm trẻ con và em là bà mẹ với khuôn mặt dịu dàng từ ái..."

Bà luật sư trao cho mẹ một thùng đựng nhiều món đồ được bao bọc kỹ lưỡng, trong đó có tượng Phật làm bằng amber màu đỏ.  Mẹ tôi mân miu, ôm bức tượng to lớn vào lòng và sống trong những giây phút đầy cảm xúc và hạnh phúc nhất.  Nước mắt mẹ tuôn tràn và bà luật sư cũng sướt mướt khóc.  

Mẹ tôi đặt tượng Phật vào nơi cao qúy nhất trong nhà.  Tượng có năng lực lạ kỳ.  Mỗi lần nhìn vào, hơi ấm như toả ra ban cho ta niềm an lạc, ấm áp.  Bà Pháp tuy qua đời, nhưng một phần năng lực của bà được tái sinh, luân hồi qua bức tượng.  Nhìn đến tượng Phật, mẹ tôi nghĩ đến con người tốt của bà Pháp đã cống hiến toàn bộ tài sản cho hội từ thiện.  Đàn con của mẹ tôi, bạn bè đến nhà trầm trồ khen bức tượng lại được dịp biết về bà Pháp.  Và hôm nay tôi kể câu chuyện bức tượng cho các bạn nghe, "năng lượng tái sinh" của bà Pháp sẽ lan rộng bao xa khó nào ai biết được.   Chết không có nghĩa là mất tất cả, luân hồi, tái sinh là điều có thật.

Tượng Phật làm bằng amber lúc mới đem về nhà mẹ



Cận cảnh tượng Phật

*Amber là kết tinh của nhựa cây qua hằng triệu năm dưới lòng đất.  Tiếng Việt hình như được gọi là hổ phách.

Huyền Lam

Tháng 10 đã đến - mùa đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội

Monday, August 23, 2010

Dư Âm một chuyến đi

Định viết tiếp chuyến đi thăm miền đông Hoa Kỳ và Canada, nhưng xin đành thất hứa với các bạn bên VN.  Những nơi tôi đến các bạn có thể vào Google tìm thêm chi tiết hoặc hình ảnh. Một chuyến đi nhiều cảnh đẹp đầy lý thú, tuy nhiên khắc khoải trong tâm tôi là một hình ảnh vô cùng nhỏ nhoi. Hình ảnh này tạo vấn đề lớn làm nhiều người thuộc thế hệ qua Mỹ từ hồi trẻ như tôi thường nhắm mắt làm ngơ, hoặc tìm mọi cách tránh né  để khỏi bị phiền...  xin được đi vào câu chuyện

Sau mấy ngày tham quan thủ đô Hoa Kỳ, trước khi rời Washington DC để đi Atlantic city,  người bạn quen từ hồi trại tị nạn mà thỉnh thoảng cả năm mới liên lạc một lần, mời về nhà thăm.  Những ngày qua P thỉnh thoảng đến khách sạn thăm tôi hoặc ra ngoài ăn tối chung. 

P cũng chỉ mới chuyển đến DC từ tiểu bang khác vài năm thôi.  P lập gia đình nhưng người bạn đời đã ra đi, có hai con Lisa và Kevin 11, 9 tuổi.  P làm một bữa ăn VN đơn giản đãi tôi.   Hai con P sinh ở đây nhưng nói được tiếng Việt dù không trôi chảy cho lắm.  

Sau bữa ăn, tôi ngồi nói chuyện vui đùa cùng P và hai cháu  Lisa, Kevin, hỏi chuyện học hành.  Tôi hỏi Lisa có làm đề án nào đặc biệt cho lớp học không? (any special, interesting school project?)  Lisa ngập ngừng nửa muốn nói, nửa không, rồi trả lời là có làm bản nghiên cứu về nhạc cụ Việt Nam.   Tôi khen em,  xin em cho xem.  Nét mặt Lisa bối rồi nhìn P chờ sự cho phép.  Tôi hơi ngạc nhiên, vì  trẻ em  thường khoe đồ mình làm.   P nhìn con mỉm cười, gật đầu.

Lisa chạy vào phòng lấy ra tấm bìa cứng đã hơi nhoè nhoẹt vì không còn xử dụng, khổ 1.5 mét x 1 mét,  
Hai lá cờ...làm tôi sửng sờ, choáng váng. 
P nhìn tôi ánh mắt tìm sự đồng cảm.  Nhiều năm lưu vong ở xứ Hoa Kỳ, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một hình ảnh như thế:  Lá cờ Việt Nam  được toàn thế giới công nhận và lá cờ miền nam trước 1975 cùng có mặt trên bản nghiên cứu nhạc cụ VN của em bé sinh ra tại nước ngoài.  

Lisa và người bạn cùng lớp làm chung bản nghiên cứu để trưng bày tại nhà trường cho các học sinh khác xem.  Chuyện một em sinh ra ở nước ngoài, chịu khó nghiên cứu đề tài này giữa nền văn hoá nghệ thuật Hoa Kỳ hấp dẫn cả thế giới là chuyện đáng khen, đáng nể, nhất là ngay cả nhiều trẻ em, người lớn bên VN còn không quan tâm.  Bản nghiên cứu đơn giản nhưng so với số tuổi của em là sự vượt bậc.

Thế nhưng tâm hồn trong trắng Lisa phải đối mặt với bao rối rắm.  Em sinh ra ở đất nước được mệnh danh là tiền đồ dân chủ tự do tuyệt đối, thế nhưng em không thể nào hoàn toàn thoát ra được vòng kim-cô vô hình do một số bậc cha ông còn cưu mang từ quá  khứ xa xôi.

P kể lúc đầu Lisa đem tấm bảng ra khoe.  Khi nhìn thấy lá cờ, P hoảng hốt, sợ run dù năm nào cũng về VN...  P liên tưởng đến những cuộc biểu tình, chống đối, chụp mũ.  Rồi người ta sẽ kéo đến nhà, đến trường đã đảo con mình, gọi tên con bằng từ  ngữ hận thù.  P thuyết phục con và người bạn làm chung bỏ lá cờ đi thay vào đó là lá cờ miền nam trước 1975 để khỏi phiền phức. Hai em không chịu vì thầy cô bạn bè trong trường chỉ biết đến VN qua lá cờ hiện tại.  Cuối cùng P thuyết phục hai đứa thêm vào lá cờ bên dưới, lỡ có ai chống đối thì bảo rằng người bạn Lisa (không phải gốc Việt) cùng làm chung nên phải tôn trọng ý kiến riêng.  Còn riêng với trường học thì Lisa có thể giải thích rằng đây là lá cờ của miền nam ngày xưa nơi mẹ Lisa xin ra, cũng giống như lá cờ miền nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến (Civil war) mà nay đã được thay thế bằng lá cờ hiện tại của lực lượng chiến thắng, thống nhất đất nước hơn 1 thế kỷ qua.

Rất nhiều bậc phụ huynh người Việt tại Hoa Kỳ, Úc phải nhức đầu, trăn trở vấn đề này.  Biết bao người đem con em về thăm quê hương xứ sở cho biết đất nước cha mẹ mình ra sao.  Rất nhiều em, qua chuyến đi, cảm kích yêu thương VN và hằng năm trong các chương trình văn hoá nghệ thuật tại trường, các em muốn trình bày về VN.  Nhưng  khi các em dùng lá cờ để biểu tượng cho công trình của mình thì được cha mẹ "tư vấn" cấm triệt....


"chuyện người lớn, phức tạp lắm, con đừng hỏi nữa, để lá cờ này lên thì con và ba mẹ không yên với mấy ông ấy ..."

Không những chỉ chuyện học đường, biết bao chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc công trình văn hoá do thành phố tài trợ chi phí phải hủy bỏ vì chuyện biểu tình.  Tiêu biểu là tại khu công viên nổi tiếng thế giới Balboa Park tại thành phố San-Diego.  Cách đây trên 10 năm, thành phố chi tiền xây nhà văn hoá cho các quốc gia có nền văn hoá nổi bật.  Việt Nam là một trong 36 quốc gia được chọn.  Vì là trung tâm du lịch quốc tế, tại mỗi nhà văn hoá thành phố sẽ treo cờ quốc gia đó.  Tuy nhiên một số người Việt đã biểu tình rùm beng vì không chấp nhận lá cờ.  Kết quả là ủy ban thành phố San Diego đã chọn quốc gia khác.  Việt Nam mất đi một trung tâm giới thiệu nền văn hoá đến thế giới.  Con em người Việt hải ngoại mất đi nơi chốn học hỏi, tìm hiểu về nguồn gốc quê hương  của cha mẹ...

Rời nhà P, tôi tiếp tục chuyến du hành theo chương trình định sẵn.  Hình ảnh tấm poster thỉnh thoảng làm tôi suy nghĩ.  Đêm cuối cùng ở thác Niagara - Canada, vào internet đọc được tin và xem video clip:  Cách đây một hôm, Lý Tống giả gái lên tặng hoa rồi xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.  Bên cạnh đó tin tức bà ngoại trưởng Clinton tuyên bố đồng hành cùng Việt Nam trên mặt trận biển đông làm Trung Quốc nổi giận.  Đây là thành quả ngoại giao khôn khéo của VN trong vấn đề quốc tế hoá Hoàng Sa, Trường Sa nhằm bảo vệ tổ quốc.  Một tuần sau, phái đoàn chuyên gia đa ngành Việt Nam đáp máy bay hạ cánh xuống siêu mẫu hạm, tàu sân bay lớn nhất thế giới George Washington đậu ngoài khơi Đà Nẵng, kế cận Hoàng Sa để tham quan và học hỏi.  Ít hôm sau, khu trục hạm (Destroyer)  McCain cập cảng Tiên Sa-Đà Nẵng vừa thăm viếng vừa tập trận.  Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam lộng gió bay song song cùng lá cờ hoa nước Mỹ trên đỉnh cao chiến hạm.

Sau 3 tuần lang thang, trở vào công ty làm, gặp người bạn Hoa Kỳ vừa đi du lịch VN mặc chiếc áo "I love VN" với lá cờ đỏ sao vàng to lớn.  Tôi thử lửa anh ta bằng cách rủ anh đi ăn trưa ở tiệm phở.  Người Việt nhìn anh ngạc nhiên, đa số tủm tỉm cười.  Không  một ai có thái độ chống đối anh.  Cũng là người Hoa Kỳ sinh đẻ tại đây, nhưng con em gốc Việt chắc chắn không có được cảm giác "tự do" để bày tỏ như vậy!






Trải qua một chuyến chơi xa
Tấm hình trông thấy làm ta xoay vòng....


Huyền Lam - Mùa Báo Hiếu Vu Lan 2010


*Tên nhân vật đã được thay đổi và xoá...

Saturday, August 14, 2010

Về Miền Đông - Phần 3 - Virgina Beach

(phần 1..)
(phần 2..)


Qua khỏi cây cầu vĩ đại, chạy vài mươi cây số đến thành phố biển Virginia Beach.   Dù thành phố rất hiện đại, được người Miền Đông khen rối rít, Virginia Beach không thể nào so sánh với Hawaii được.  Tất nhiên Nha Trang, Mũi Né, Đại Lãnh và vô số biển khác của VN đẹp hơn nhiều.  Sự thiếu sót của những cây dừa hoặc rặng núi dọc theo bờ, làm bãi biển thô cứng mất đi nét thiên nhiên trữ tình.








Biển là bãi cát dài khá rộng, người ta cho xây đường đi bộ dọc theo bờ để du khác có thể vừa đi bộ vừa đi xe đạp.  







Loại xe đạp 4 đến 6 người đạp được thiên hạ thuê rất nhiều.  


Tôi đặt trước một khách sạn xa khu du lịch 15 cây số để tránh đông đúc ồn ào.  Nơi đây hoang vắng chỉ có một khách sạn duy nhất trên bờ biển với nhiều lau sậy, cỏ dại mọc gần bờ.  Tôi thích như vậy hơn, nếu có buồn thì lái xe đi Virginia Beach chơi cũng không xa rồi về lại chốn thiên nhiên tịnh dưỡng.


Nước biển mùa hè ở đây ấm mát không khác chi VN, nếu mang theo mắt kiếng bơi, bạn sẽ thấy nhiều con cua-ghẹ màu xanh thỉnh thoảng chạy lăng tăng dưới nước.  
Cách vài chục km từ Virginia Beach là căn cứ Hải Quân Norfolk.  Ở xa xa nhìn vào thấy 3, 4 chiếc tàu sân bay khổng lồ đang bỏ neo, thầm nghĩ tiền đâu, người đâu quốc gia này có thể tạo được những công trình vĩ đại như vậy.


Ở Virgina Beach 4 ngày, ăn lui ăn tới đồ Mỹ ớn tới não.  Thèm một dĩa cơm, tô phở, tô bún VN nhưng lái xe vòng vòng trong khu du lịch không thấy.  Nhờ cụ google, kiếm một hồi gặp được nhà hàng Vietnam Garden, cả lũ mừng như bắt được vàng.   Lái xe tới nơi, thấy nhà hàng khang trang, nột thất đẹp đẽ đượm chất Việt Nam.Tờ menu tiếng Việt được trang trọng in trước tiếng Anh, ai cũng vui.






Người hầu bàn châu á cầm sổ niềm nở ra ghi món ăn khách chọn.  Chúng tôi, người kêu món cơm này, kẻ kêu món bún, món phở kia một cách hứng khởi.  Người hầu bạn nhỏ nhẹ nói:  "Tôi không biết tiếng Việt, muốn ăn gì thì nói tiếng Anh hoặc chỉ cái số."


Hỏi ra thì mới biết nhà hàng của cặp vợ chồng trẻ người Hoa sinh quán ở Singaphore.  Tại nhà hàng không có ma nào biết nói tiếng Việt dù hầu hết toàn nấu đồ ăn Việt.  


Nói chung nếu theo tiêu chuẩn người Việt thì họ nấu không ngon.  Tuy nhiên so với 4 ngày ăn đồ Mỹ, mãi đến hôm nay mới có dĩa cơm vô bụng thì thật tuyệt vời.  Ngồi nghe mấy ông Tây ăn khen rối rít mình cũng thầm cười, chắc mấy ông không thể ngờ rằng toàn bộ nhân viên nhà hàng không phải là người Việt Nam.   


Rời nhà hàng chúng tôi không lấy làm thất vọng.  Trên xe cả bọn cười đùa bàn thảo:  Sao mình là VN lại không mở nhà hàng để người Hoa họ làm.  Tôi nói rằng: "Đây là điểm đáng mừng.  Chứng tỏ ẩm thực VN lan rộng.  Điểm đáng khen là dù họ người Hoa nhưng khi họ mở nhà hàng VN, mọi thứ hoàn toàn VN.  Chứng tỏ họ trân qúy nền văn hoá Việt."


...còn tiếp ...Đi Washington DC

Saturday, August 7, 2010

Về Miền Đông - Phần 2 - Trên Đường Đến Virgina Beach






Cộng đồng người Việt tại Boston không đông bằng Cali, Texas hay Washington, có lẽ cũng được 40, 50 ngàn người.  Chợ, nhà hàng Việt Nam nhiều nhưng không tập trung thành khu phố như các tiểu bang khác.   Chợ VN bán nhiều hải sản tươi sống, nhất là tôm hùm được chứa trong các hồ kiếng.  Tôm hùm là đặc sản của miền này.   Người Việt đến chơi Boston, khi ra về thường mua đóng thùng đem theo.   Tôm hùm Boston không đẹp như tôm hùm Việt Nam.  Tôm Boston có 2 càng to tướng, trông rất dữ dằn.  Tôm VN không có càng, có nhiều râu, thân hình hoa văn đẹp mắt, sau khi hy sinh cho miếng ăn con người, vỏ tôm còn được làm đồ trang hoàng.
Tôm Hùm Boston (hoặc Maine)

Tôm Hùm Việt Nam


Boston cũng có nhiều chùa, hoạt động khá hữu hiệu, nhất là những ngôi chùa thực tập theo thiền phái Trúc Lâm của thầy Thanh Từ.

Ở chơi Boston được 3 hôm, chúng tôi thuê xe lái đi thăm các điểm du lịch như dự tính ban đầu.   Khởi điểm sẽ xuất phát từ Boston đi xuống phiá nam đến Virgina Beach (A-B) Từ Virgina Beach sẽ đi ngược lên phía bắc đến Washington DC (B-C), Atlantic (C-D), New York (D-E), Connecticut (E-F), Canada-Niagara Fall (F-G), trước khi xuôi nam trở về lại Boston (G-A) để bay về tiểu bang nhà.  Tổng cộng tất cả là 3339 ki-lô mét lái xe(2075 Miles) cho chuyến đi 14 ngày.

Đoạn đường từ Boston đi Virgina Beach dài gần một ngàn cây số, lái xe ngồi ê cả mông.  Tôi muốn đi nơi đây vì nghe nói biển, khung cảnh như Waikiki Hawaii.  Không giống như miền tây Hoa Kỳ, chạy xe từ cực bắc biên giới Canada đến cực nam Mexico không tốn phí cầu đường.  Ở miền đông, chạy trên xa lộ cứ vài tiếng phải trả tiền.  Có nơi thu 50 xu (1/2 đô), có nơi thu 5, 10 đô la.

Chạy được nửa đoạn đường, tôi tách khỏi xa lộ liên bang, đi vào tỉnh lộ vài trăm cây, tuy chậm một hai giờ nhưng biết được thực tế khung cảnh, đời sống hơn.  Xe chạy qua nhiều cánh đồng bắp bạt ngàn.  Người ta trồng bắp không để ăn nhưng để làm cồn trộn xăng.  Rau quả màu xanh thẳng tấp  tới tận chân trời như không bao giờ ngừng.  Thỉnh thoảng vài biệt thự cổ xưa trơ trọi trên các cánh đồng mênh mông ấy.  Có lẽ đây là trang gia của các điền chủ ngày xưa hành xác nô lệ người da đen trên các cánh đồng này để tạo nên giàu mạnh cho bản thân mình.


Cũng trên cánh đồng ấy, ngày nay người Mễ (châu mỹ La-Tinh), từng đoàn đi thu hoạch hoa màu.  Vợ chồng con cái, kẻ hái người khiêng, lúp xúp dưới ánh nắng oi bức mùa hè.  Nước Mỹ nếu không có người Mễ qua đây làm lậu, hoặc làm tạm thì một trái táo, bó hành, bó rau, miếng thịt sẽ mắc gấp 3, 4 lần.  Đã qua rồi thời nô-lệ ép buộc.  Ngày nay do sự bất công trong giá trị đồng tiền giữa các quốc gia, cộng thêm hoàn cảnh kinh tế tại cái nước kém mở mang đã đem lại nguồn nô lệ mới tự nguyện.   Đến mùa thu hoạch, người Mễ kéo qua Mỹ vô số, từng vài chục người nhét chung trong căn nhà bẩn thỉu chật hẹp. Họ làm từ sáng đến nắng tắt chỉ để kiếm 1/3, 1/2 mức lương tối thiểu của người Hoa Kỳ.  Luật lao động của nước Mỹ cho phép trẻ em làm nông nghiệp là nhằm để thu hút thêm nguồn nhân lực từ giới lao động này vì người Mễ họ làm chung cả gia đình.   Ngày nay hầu hết các nhà hàng, chợ buá của người Việt đều mướn người Mễ vì rẻ hơn mướn người Mỹ hay người Việt!

Sau hơn 10 tiếng lái xe cho đoạn đường 900 cây số, chúng tôi đến trạm thu phí qua cầu Cheaspeake Bay trước khi chạy thêm 50 cây số để đến Virgina Beach.  Tôi chuẩn bị vài đô La và khi nhìn vào tẩm biển thu phí 12 đô la để qua cầu, tôi giật mình, không ngờ qua cây cầu này mắc như vậy.   Thế nhưng khi lái xe trên cầu, chạy giữa biển cả mênh mông không bến không bờ, mới thấy 12 đô la quả tình quá nhỏ bé cho kỳ quan có một không hai trên thế giới này.  


Cây cầu dài 37 cây số bắc qua eo biển Cheaspeake Bay.  Do cầu quá dài nên không thể làm cầu treo, người ta cho đóng trụ bê tông làm cầu gần mực nước biển.  Cảm giác chạy trên cầu vừa sợ sợ vừa thích thú.  Ta thấy mình như lái xe trên biển, sóng nước kề cận dưới chân, nhìn phiá trước không thấy đâu bến bờ, chạy hoài, chạy mãi vẫn chưa thấy qua hết cây cầu.  Đang chạy bổng nhiên thấy mình chui tụt vô hầm, rồi trồi lên giữa biển cả một cách lạ kỳ.


Vì không là cầu treo, để tàu lớn có thể qua lại eo biển, người ta cho làm 2 hòn đảo nhân tạo nhằm tạo  2 đường hầm mỗi bên dài 2 cây số để xe chạy dưới lòng biển và để tàu lớn có thể đi qua eo biển.  Cây cầu Cheaspeake Bay Bridge-Tunnel là một trong 7 kỳ quan kỹ thuật do con người tạo dựng (Seven Engineering Wonders of the Modern World).  Có lái xe qua cầu mới thấy được sức mạnh của con người.

...còn tiếp

Huyền Lam

Ngày 7 tháng 8 năm 2010

Tuesday, August 3, 2010

Về Miền Đông - Phần 1 - Boston

Đi nghĩ hè ba tuần về, làm biếng chi lạ.  Công việc ứ đọng, ngỗn ngang, nhìn phát ngán muốn đi tiếp...nếu có ai cho tiền.  Mấy người bạn bên nhà muốn tôi kể về chuyến đi, phần này tôi cũng lười nên mãi đến hôm nay.


Mỗi lần đáp hay cất cánh từ phi trường Boston, tôi luôn có một cảm giác rờn rợn.  Nơi đây, cách đây vài năm vào ngày 11 tháng 9, máy bay hành khách bị khống chế thành những qủa tên lửa khổng lồ lao vào các toà nhà...gây âm vang chấn động điạ cầu.   Bước ra khỏi sân ga, gặp bà con, bạn bè đến đón tràn ngập niềm vui, cảm giác ấy mới tan biến.


Người bà con tên Quang chở tôi về kể chuyện cộng  đồng người Việt chịu khó, chịu cực, ăn nên làm ra, nhất là trong lãnh vực ngành nail dù kinh tế Mỹ đi xuống.  Vợ Quang tốt nghiệp 4 năm đại học ngành quản trị kinh doanh nhưng thấy bạn bè, hàng xóm làm nail "hơn" hẵn làm chuyên gia nên bỏ ra làm nail...vài năm sau làm chủ một tiệm nail lớn ngay phố chính Boston.  Tiệm có tới 7 người thợ, trong đó vài người từ VN mới qua theo diện "du học", "du lịch".   Ở chơi vài hôm mới thấy cái "hơn" của ngành nail cũng có cái giá phải trả.  Vợ Quang làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6, 7 ngày một tuần.  Một buổi cơm ấm cúng đầy đủ vợ chồng con cái thật hiếm hoi, ngay cả khi tôi qua thăm, dù tạo được căn nhà sang trọng, rộng lớn.  


Boston là thành phố cổ có cảng biển, nơi khởi đầu cuộc đấu tranh thoát khỏi thuộc điạ Anh để trở thành quốc gia Hoa Kỳ độc lập.  Boston còn giữ được vài khu phố cổ như ở Hội An, có nhiều điểm lạ nhằm thu hút du khách, một số điểm bắt chước từ các nơi khác mà mấy năm trước đây khi tôi ghé thành phố này chưa thấy.  




Khu Quincy Market bán đủ loại đồ ăn, nơi đây bạn có thể gặp người hoá trang  (có lẽ bắt chước từ Waikiki - Hawaii).  Đây là nghề kiếm tiền khá dễ dàng.  Khách du lịch thấy lạ, đứng chụp hình..và không quên bỏ 1 đô la vào thùng đựng tiền.  






Có một người hoá trang làm thánh tiên tri, ai bỏ vào 1 đô la, ông ta cho 1 quẻ sâm.  Đứng nhìn ông chưa được 5 phút đã thấy ông kiếm không dưới 5 đô la, tôi bảo người bạn đi cùng: "kiểu này làm cái bang đi lang thang, tới đâu hoá trang tới đó như ông này chắc kiếm cũng khẩm tiền, vừa được đi chơi vừa có tiền xài..."


Lang thang ở khu phố cổ Boston đến trưa thì đói bụng, người bạn dẫn đến ăn tại quán ăn  Eat at Dick's có phong cách phục vụ lạ lùng.  Ở đây tiếp viên phục vụ khách theo kiểu "mất dạy" nhất thế giới.  Bước vào nhà hàng, họ trừng mắt nhìn mình như muốn ăn tươi nuốt sống và kéo mình đi tới bàn, ấn xuống cái ghế ngồi như công an bắt tội phạm ngồi xuống hỏi cung.  Khăn, giấy, muỗng nĩa, thực đơn được quăng tung toé trên bàn.  Có điều mỗi lẫn họ đối xử tệ bạc như thế thì ai cũng cười oà.  Khách du lịch đông như nấm, họ đến đây để được phục vụ "dã man, tàn nhẫn".  Trong khi ăn, tiếp viên sẽ làm mũ giấy đội lên đầu ghi những câu tức cười như: "Tôi hôn bồ bằng cùi tay",  "Tôi khoái móc mũi giữa chợ...", "Tôi chôm tình nhân của bạn" v.v...




Ăn xong, vào nhà vệ sinh truớc khi đi tiếp.  Phòng vệ sinh cửa khoá kín mít, đứng chờ một lâu không thấy ai chui ra, miệng tôi lầm bầm "cha nào làm gì lâu thế!".  Phút sau có người khác tới, hắn ta nhìn tôi với cặp mắt ngạc nhiên, rồi tới cửa phòng vệ sinh, nhét đồng tiền 25 xu vào ổ khoá, cửa mở.   Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy phòng vệ sinh xài tiền như thế.....






Ghé thăm hai trường đại học nổi tiếng thế giới Harvard và MIT.  Trường mang đậm nét cổ xưa.  Toà nhà cây cảnh hài hoà.  


Harvard ảnh hưởng của lối kiến trúc bằng gạch người Anh 




Trong khi đó MIT là trường chuyên về kỷ thuật lại có kiến trúc theo dạng Hy Lạp.  


Đang vào mùa hè, sân trường vắng vẻ.  Thỉnh thoảng từng đoàn tân sinh viên cho khoá học đầu tiên vào mùa thu tới đây được hướng dẫn viên dẫn đi giới thiệu về trường.  Người ngoại quốc không phải công dân Mỹ có mặt rất nhiều trong các phái đoàn này:  Người Hàn, người Trung Hoa, người Ấn, người Mễ, người Phi, người Thái....  là chất xám, là của qúy của quốc gia tốn bao công sức mới có được.  Họ đến đây phát huy thêm chất xám ấy và không ít người ở lại để làm giàu thêm cho đất nước Hoa Kỳ, một quốc gia tạo mọi điều kiện thu thập nhân tài.   Cuộc sống vốn nhiều khập khễnh, lắm lúc bất công cho số phận các nước thua kém.   Nhìn về VN tuy có nhiều mặt khiếm khuyết nhưng mười mấy năm qua, dẫu chảy máu chất xám, dẫu chịu nhiều thiệt thòi nhưng đất nước vẫn phát triển vững mạnh trong ổn định hoà bình... ghi nhận sự cảm phục là điều có thật!


...còn tiếp...


Huyền Lam  - Ngày 3 tháng 8 năm 2010

Friday, July 2, 2010

Trái Tim Hai Hệ

Hôm thứ 6 vừa qua, tôi cùng bè bạn đi camping 3 ngày tại khu rừng nằm sát bờ vịnh thiên nhiên xinh đẹp.  Do biết có đội Mỹ sẽ đá với  Ghana ở vòng knock-out, nên trong chương trình trại, chúng tôi có chi ra 2 tiếng để theo dõi trận thi tài.  Máy móc đem theo gồm một máy phát điện cầm tay và tv nhỏ 19".  Đài truyền hình quốc gia (dạng như VTV của VN) sẽ chiếu trực tiếp trận đấu và trên lý thuyết thì ở đâu cũng bắt được 3 đài quốc gia.

Thế nhưng khi đến nơi, sóng truyền hình đã bị các ngọn núi ngặn chặn.   Chúng tôi buồn đôi chút nhưng rồi 20 người nam (phụ nữ, trẻ em ở lại trại đi ngắm cảnh) bèn chia làm 2 nhóm đi vào hai siêu thị khác nhau ở một thị trấn cách nơi cắm trại khoảng 10 dậm để coi ké.  Một nhóm đi vào Walmart, một đi vào Costco.  Thật tình người Mỹ không có máu bóng đá,  giữa mấy mươi cái tv 50", 60" chẳng có ai đứng coi.  Chúng tôi lựa một chỗ tế nhị không làm phiền siêu thị cho lắm và đứng coi say mê, ráng giữ âm thanh cổ vũ vừa đủ.  Người Mỹ đi qua đi lại, thấy nhóm VN cổ động cho đội nhà thích thú, cũng lây cái không khí hào hứng ấy đứng lại coi chung, mỗi lúc mỗi đông, mỗi lúc mỗi ồn.  Người manager siêu thị cũng vui ra mặt vì chưa bao giờ ông ta thấy siêu thị mình có cảnh như vậy.  Tôi hăng say theo dõi,  trầm trồ, xuýt xoa, hồi hộp cho đội Mỹ chẳng khác nào cổ võ cho đội VN mỗi khi thi đấu ở Seagame.  Chúng tôi buồn khi đội Mỹ thua nhưng chấp nhân kết quả vì những pha ghi bàn của Ghana không thể nào chê được.

Đêm về chúng tôi ngồi quanh lửa hồng, đờn ca hát xướng, bàn đủ chuyện trên đời, kể cả chuyện đá banh, đoán xem đội nào sẽ vào được vòng bán kết.  Nửa đêm nằm trong lều, giữa cái lạnh núi rừng, tôi mơ thấy Việt Nam thi đấu ở world cup.  Tôi cổ động nhiệt tình, có cả cây kèn ruồi inh ỏi.   Nhưng sao có lúc tôi la USA, USA, có lúc lại Viet Nam, Viet Nam.  Trên sân cỏ đội Mỹ và đội Việt Nam thi đấu nhiệt tình, với những pha giao bóng, sút bóng tuyệt hảo.  Hình ảnh trong giấc mơ khi thì tôi cầm cờ Mỹ, khi cờ Việt Nam, la hét loạn cào cào, rối bung, hỗn loạn.  Tôi giật mình thức giấc, thấy trán mình lấm bấm mồ hôi hột và thầm tự hỏi nếu có chuyện đó xảy ra, tôi sẽ ủng hộ đội nào.  Loay quay đến sáng khi gà rừng, chim rừng kêu inh ỏi vẫn thấy lòng mình không trả lời được câu hỏi.

Một tôi quốc tịch nước ngoài sống xa quê hương nhiều gần gấp đôi số năm sinh sống ở quê nhà.  Một tôi lúc nào cũng yêu cả 2 quốc gia  - hạnh phúc, đau buồn theo sự lên xuống của nó và mong mỏi cả 2 nước luôn thành tựu trong mọi lãnh vực, kể cả ....bóng đá :)  .  Tuy nhiên tôi sẽ ủng hộ ai đây, lòng tôi cũng không tìm được câu trả lời đích thực?

Huyền Lam

Boston Phố cổ - chu du ký sự
ngày 1 tháng 7 năm 2010

huyenlam@yahoo.com

Sunday, June 13, 2010

Bà Tiên Bóng Đá

Có lẽ Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên trái đất này lạnh nhạt với giải world cup 4 năm một lần.  Trong khi cả thế giới cuồng nhiệt hướng về Nam Phi theo dõi từng trận đấu bóng đá, thì tại Hoa Kỳ các kênh truyền hình, báo chí, internet media hầu như im bặt dù năm nay Hoa Kỳ may mắn vượt qua vòng sơ tuyển khu vực.   Trong các kỳ thi thể thao thế giới gồm cả Olympic, Word cup bao giờ cũng dẫn đầu số lượng người xem với bầu nhiệt huyết nóng bỏng từng ngày,  bởi lẽ bóng đá là môn thể thao chính của hầu hết quốc gia trên thế giới.

Suốt hai ngày qua tôi muốn tìm kênh truyền hình Mỹ chiếu lễ khai mạc và các trận đấu vòng loại nhưng kiếm không ra.  Cuối cùng phải nhảy qua kênh Canada nơi đang phát sóng 24/24 về world cup như hầu hết các quốc gia khác.  Rủ bạn bè về nhà xem vài trận trầm trồ cổ vũ cho vui nhưng không ai hứng thú.  Bóng bầu dục, bóng rỗ, bóng chày...đã nuốt chửng bóng đá.    Dù nhà trường có câu lạc bộ bóng đá tại cấp 2, cấp 3, đại học, nhưng mọi nổ lực đều dành cho bóng bầu dục, khiến vận động viên môn thể thao này thành thần tượng, điểm thu hút mọi người.  Các cô gái đẹp, múa hay nhảy giỏi được tuyển vào đội cheer leaders, giàn trống kèn inh ỏi được tập dượt thổi thêm hào khí cho môn thể thao này.  Bóng đá trở thành môn thể thao bên lề và không có "cool" nên không mấy ai chơi, không mấy ai mê ngoại trừ dân nhập cư.

Đối với tôi, bóng đá là bà tiên của tuổi thơ thế giới, là Phật là Chúa là Các-Mác đem đến một phần hạnh phúc cho nhân loại trong tinh thần bình đẵng giàu nghèo đều được "hưởng" giống nhau.  Chưa có môn thể thao nào đơn giản, hấp dẫn, tạo ra tinh thần đồng đội, tính hợp đồng như bóng đá.  Ai cũng có thể chơi, chơi hầu hết bất cứ nơi nào và không tốn tiền để mua trang thiết bị.  Muốn chơi bóng bầu dục, giàn đồ nghề bảo vệ thân thể tốn cả ngàn USD, bóng rổ phải có sân xi măng, có rổ...trẻ em quốc gia nghèo chỉ có mơ để chơi.

Tôi nhớ mãi hồi còn bé, mỗi mùa hè thường được về quê nội ở Huế.  Buổi chiều tôi thường theo các bạn trong làng ra cánh đồng vừa gặt xong để chia phe đá bóng.  Dạo ấy đất nước còn chiến tranh, có tiền mua một trái banh không phải là điều dễ làm.  Trẻ em quê tôi dùng rơm bện thành banh, chúng tôi đá hăng say thích thú bằng đôi chân trần trên cánh đồng gió thổi hiu hiu mát. 

Những năm sau ngày thống nhất đất nước, VN rất nghèo, tôi vẫn còn cậu bé nhỏ tuổi thỉnh thoảng xách thùng đi bán dạo sau giờ học kiếm thêm chút tiền giúp gia đình.  Ban đêm khi bán buôn đã ế ẩm, chúng tôi kết nhau lại đá bóng bên lề  các con đường lớn dưới ánh đèn vàng èo uột.  Trái banh được bện bằng bao ni lông thiên hạ vứt bỏ.  Chúng tôi đứa thì bán vé số, đứa bán thuốc lá, bánh kẹo, đứa đi lượm ve chai, phế liệu...say mê đá.  Bao nỗi cơ cực, nhọc nhằn lắm lúc chua cay đè nặng trên vai tuổi thơ, phút chốc được bà tiên bóng đá xua tan, đem đến cho chúng tôi những giây phút hân hoan, sung sướng, hạnh phúc có thật. 

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, mạnh được yếu thua, nước Mỹ bá chủ nhiều lãnh vực, ảnh hưởng sâu đậm đến thế giới.  Đồng tiền Mỹ trở thành đồng tiền quốc tế.  Phim, nhạc Mỹ đè bẹp phim ảnh thế giới.  Cách sống, văn hoá Mỹ từ từ làm lu mờ, xoá sổ bản sắc văn hoá nhiều quốc gia.   May mắn thay, kỷ nghệ bóng bầu dục dù bao nổ lực lan ra bên ngoài, vẫn không ảnh hưởng đến thế giới bóng đá.  

Kênh truyền hình Canada ghi lại hình ảnh thế giới đón nhận world cup:  Trẻ em nghèo lượm rác ở Mexico, trẻ em giàu ở Đức, trẻ em nơi rừng rú hoang dã phi châu, trẻ em dưới kinh đô ánh sáng Paris vui thích đá bóng và sôi nổi luận bàn world cup, lòng tôi sung sướng hoà nhịp.  Bóng đá đã đem đến phần nào hạnh phúc, công bình bất kể giàu nghèo, bất hạnh hoặc may mắn,có điều kiện hay vô vọng.  Mong rằng bóng đá mãi là bà tiên hạnh phúc của tuổi thơ và nhân loại thế giới.





Huyền Lam
Tháng Sáu - Mùa World Cup 2010

Friday, May 28, 2010

Mừng Phật Đản Sanh


Saturday, May 22, 2010

Mấy đoạn thăng trầm

Đọc lá thư chứa đầy chán chường, tuyệt vọng, tôi bâng khuâng mãi không biết nên viết thế nào để khuyên em đây.   Mất một công việc tốt đúng với sở thích, lương cao  mà em hằng gắn bó bấy lâu là điều dễ nản lòng.  Nhất là việc làm đầu đời của mình sau khi tốt nghiệp.  Người Việt Nam chúng ta thường biết chuyện ngụ ngôn "Tái ông mất ngựa" để nói về hên xui, may rủi không biết đâu thật giả.  Tôi kể cho em chuyện này có nội dung tương tự, đây là câu chuyện thật mà thế hệ cha ông chúng ta nhiều người trải qua.  Tôi xin gác bỏ yếu tố chính trị trong câu chuyện mà chỉ nói đến tính chất nhân sinh.  Mong rằng khi em đọc xong, nổi tuyệt vọng sẽ tan đi...


Bác Nam và bác Nghĩa là hai người bạn thân thiết sinh ra lớn lên trong một ngôi làng miền trung.  Sau khi đất nước bị chia đôi, hai bác đến tuổi đi lính nên phải gia nhập quân đội miền nam.   Vì có bằng cấp nên cả hai được vào trường sĩ quan.  Ra trường cả hai lấy vợ và cùng sống gần nhau trong khu cư xá sĩ quan tại thành phố Đà Nẵng.   Bác Nghĩa do được cấp chỉ huy nâng đỡ, xuất quân ra trận ít khi bị "nạn" nên được thăng cấp nhanh chóng.  Cả khu cư xá người nào cũng cho bác Nghĩa may mắn, sự nghiệp hanh thông.  Bác Nam thì binh nghiệp trầy vây tróc vẩy, khi bạn ở cấp Đại tá thì mình chỉ là Thiếu tá dù những trận bác Nam tham gia toàn những trận có tính quyết định.  Ai cũng cho là Bác Nam xui, làm nhiều hưởng ít, bị thương mấy trận, xém chết mấy lần!


Sau khi thống nhất đất nước, sĩ quan cấp úy trở lên phải đi học tập cải tạo.  Cấp tá thường bị đi cải tạo 5 năm.  Bác Nam do có bà con bên vợ làm cách mạng bảo lãnh nên chỉ đi học tập đúng 2 năm được về.    Mọi người ai cũng mừng cho bác Nam may mắn được về sớm.  Trong khi đó bác Nghĩa đi học tập năm này qua năm nọ, vợ con bạn bè ngóng trông.  Hết người này được thả đến người khác, nhưng bác Nghĩa "xui xẻo"  7 năm sau mới được trở về.


Đầu năm 1990, Mỹ và VN ký lộ trình bang giao, trong đó có sĩ quan cải tạo từ 3 năm trở lên qua định cư tại Mỹ.  Bà con bên bác Nam to nhỏ rằng:  bác xui xẻo có bà con bên vợ làm cách mạng làm chi để không được đi Mỹ.  Bác Nam chấp nhận cuộc sống của mình, bao giờ cũng mang ơn người vợ và người bà con bảo lãnh.  Trong khi bác Nghĩa chờ đợi đi Mỹ, bác Nam cùng vợ con tiếp tục canh tác khu vườn trái cây rộng lớn tại Bình Dương mà gia đình bác khai khẩn sau khi đi học tập về.   Những người sĩ quan chế độ cũ  sống gần bác Nam cũng năn nỉ bác mua lại ruộng vườn của mình để có tí tiền làm giấy tờ ra đi.  Dạo ấy đất vườn rẻ như bèo nhưng bác Nam thương các chiến hữu ngày xưa nên cũng ráng góp nhặt mua giùm cho nhiều người.  


Bác Nghĩa qua Mỹ tuổi đã gần lục tuần, việc làm khó khăn, bác chỉ có thể làm công việc không đòi hỏi chuyên môn. Tuy nhiên bác cũng may mắn kiếm được việc dọn dẹp phòng ốc tại khách sạn với đồng lương đủ sống.  


Nhiều năm sau, kinh tế VN phát triển, vùng đất Bình Dương trở thành đất bạc, đất vàng.  Với hàng chục mẫu vườn rộng lớn, bác Nam trở thành triệu phú USD.  Bác khôn khéo chỉ bán một nửa làm vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất đồ gồ xuất khẩu, còn lại bác dùng đất ấy xây dựng quán hàng, du lịch vườn.  Con cháu bác đi ký giao kèo thương mại, tu học, đi du lịch ngoại quốc hằng năm.


Một hôm bác Nghĩa về VN ghé thăm người bạn nối khổ.  Hai bác ngồi uống trà, kể chuyện đời của mình qua chặng đường hên xui.  Cả hai bác cùng kết luận rằng may mắn hên xui không biết đâu thật giả, trong bối cảnh nào cũng phải cố gắng vươn lên, sống chân thật bằng tấm lòng và lương tâm mình.  Điều thật cao qúy nhất giữa hai người là tình bằng hữu trải qua bao năm tháng lên xuống mãi còn đó trong tim.   

Huyền Lam
Ngày ghé miền Đất Cảng - Oregon 5/2010

Friday, May 14, 2010

Khi phà ngưng rời bến

Trong tháng qua, cây cầu treo vĩ đại Cần Thơ sau mấy năm xây dựng đã khánh thành. Hành trình xuyên Việt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau giờ đây được thông suốt không còn phải chờ phà qua sông.  Cây cầu rút ngắn thời gian di chuyển, giúp sản phẩm dồi dào từ vùng châu thổ Cửu Long nhanh chóng chuyển đi khắp mọi miền, góp phần đẩy mạnh kinh tế đất nước đi lên.

Cây cầu hoạt động cũng có nghĩa những chiếc phà sang sông đi vào quá khứ.  Cảm giác đi phà giữa dòng sông Hậu mênh mông, đứng trên boong nhìn lục bình trôi, gió thổi mát đượm mùi phù sa...chỉ còn trong ký ức phai mờ theo năm tháng.  Riêng tôi, trên những chuyến phà này có một kỷ niệm nhỏ, mỗi lần nghĩ đến xúc cảm lại tràn về.

Cách đây 20 năm, tôi, một người thanh niên trẻ trở về thăm quê hương lần đầu tiên sau 10 năm xa cách mà lần bỏ nước ra đi tưởng không bao giờ  gặp lại.  Đất nước dạo ấy rất nghèo, cơ chế bao cấp đè nặng xã hội.  Kinh tế thị trường chỉ là bán buôn cá thể như ngoài chợ hoặc những bước đi dọ dẫm nhỏ nhoi.  Hoa Kỳ vẫn còn bao vây cấm vận VN khắt nghiệt vòng trong, vòng ngoài.  Đường phố Sài Gòn thời điểm đó vắng vẻ, xe đạp chiếm đa phần.  Một ngôi nhà mặt tiền trên đường Nguyễn Đình Chiểu bán 50 cây vàng không ai mua.  Người ăn xin, kẻ chân trần áo rách cũng không ít.  Ra phố mua đồ, người dân biết mình ở nước ngoài sẽ bao quanh mời mọc, nếu không cẩn thận, cái ví trong túi sẽ có cánh mà bay.

Ở sài gòn vài ngày, tôi đạp xe vòng vòng khắp nơi, thương cho quê hương mình còn nghèo nhưng cũng vui khi thấy chính sách đổi mới  bắt đầu có hiệu quả, khai mở cho VN từng bước phát triển tốt đẹp.  Ít hôm sau tôi thuê xe về Cần Thơ, khi lên phà bắc Mỹ Thuận, người tài xế dặn: "ở yên trong xe, không được quay kiếng xuống, không được mua bất cứ gì, vì mua một sẽ có hàng chục người vây quanh mời gọi phiền phức, không khéo mất đồ, chiếc ô tô bị trầy!"

Nghe lời người tài xế, tôi đóng cửa kín mít, ngồi nhìn chiếc phà nhộn nhịp người đi đường lẫn kẻ bán hàng rong.  Thỉnh thoảng vài bàn tay gỏ cửa kiếng mời mua hàng, Ánh mắt nài nỉ làm tôi xót dạ.  Có mấy lần định kéo cửa kiếng xuống, nhưng người tài xế dọa làm tôi chùng lòng.  Khi phà cập bến, tôi thầm tiếc không có dịp bước ra ngoài ngắm nhìn sông nước Cửu Long.

Xe chạy một đỗi xuyên qua đồng lúa phì nhiêu, vườn cây xum xuê nặng trĩu trái rồi đến bến phà Cần Thơ cũng đông người buôn kẻ bán.  Trong lúc ngồi chờ lên phà, tôi động lòng kéo kiếng xuống mua chôm chôm bà cụ bán. Chỉ trong phút chốc, hàng chục người khác vây quanh mời gọi.  Mặc cho tài xế càm nhàm, tôi ráng mua giúp người này đến người kia cho đến khi phà rời bến.  Lên trên phà cũng nhiều người bán hàng chen lấn vây quanh mời mọc:

"...mua giúp bác đi, mua giúp chị đi, mua cho em đi...sáng giờ ế quá, làm phước đi anh, cho em có miếng cơm.."

Tôi mua thêm vài người rồi ngưng vì băng ghế sau cũng đã ngỗn ngang mấy chục bịt trái cây.  Người bán cũng biết tôi không thể mua được nữa nên bỏ đi mời người khác.   Tôi mở cửa xe bước ra ngoài hóng gió thì có cậu bé khoảng 10 tuổi đến mời mua bánh ú.  Thấy em non nớt, giống mình đi bán dạo ngày xưa, tôi mua một xâu bánh ú.  Trả tiền xong, tôi cầm xâu bánh ú đưa lại cho em và chỉ vào ghế sau:

"...anh mua cho em, nhưng anh có nhiều quá rồi, không dùng hết. Anh cho em lại xâu bánh ú để đi bán cho người khác!"

Cậu bé cầm xâu bánh ú nhoẻn miệng cười thật dễ thương, xò tay vào túi:  "em trả tiền lại cho anh, em cám ơn anh đã mua giúp..."

Tôi sửng sờ, điếng cả người!  Lại đến phiên mình lấp bấp năn nỉ cậu bé:  "anh mua thiệt tình mà, nhưng vì không dùng nên cho lại em, em giữ tiền đi"

Cậu bé vẫn cười hồn nhiên:  "em không lấy đâu anh!  Em đi bán hàng mà.  Mai mốt qua phà nếu thấy em bán ế quá phải đi ăn xin, anh hãy cho..."

Cậu bé nhét tiền vào tay tôi, chạy vút đi mời người khác.  Tôi đứng trên boong, nhìn dòng sông Hậu đục màu phù sa, lòng ngập tràn niềm vui cảm phục xen lẫn niềm đau như có ai đánh thốn vào tim.  Ngày xưa tôi đi bán dạo, ai đó cho tiền chắc chắn tôi sẽ mừng rỡ nhận lấy!  Với mớ kiến thức học được từ nước ngoài, với chút ít tài chánh là thiên đường của cậu bé, thế nhưng bản lĩnh sống, chất liệu sống làm nên cốt cách con người, tôi thật thua xa cậu bé ốm nghèo rách mướt!  Những ông quan tham nhũng giàu nứt vách nhưng không ngừng vơ vét, những cậu ấm cô chiêu cả đời ăn bám bố mẹ khoe nhau mua hàng hiệu bạc ngàn USD, chắc chắn không hiểu được bản lĩnh sống làm người!

Khi phà cập bến, tôi kiếm cậu bé, xoa xoa bờ vai gầy ốm:  "anh cám ơn em thật nhiều...em giỏi lắm!...Em cho anh bài học rất cảm động, rất dễ thương ..."

Cậu bé hồn nhiên, mỉm cười bối rối như không hiểu tôi nói gì.  Em chạy nhanh xuống bãi mời đoàn xe chuẩn bị lên phà qua bờ bên kia...

Về thăm quê hương lần đầu tiên, đây là kỷ niệm tôi qúy nhất, nhớ mãi.   Những chuyến về sau này dù tệ nạn xã hội tràn đầy, nhưng mỗi lần về tôi lại gặp thêm nhiều em như thế khi bán vé số, bán hàng dạo.  Số người làm việc thiện mỗi năm mỗi đông thêm.  Tổ chức thiện nguyện ngày càng nhiều góp phần chăm lo người bất hạnh.  Dù báo chí đăng nhiều tin tức tội phạm, dù nhiều người than phiền xã hội đạo đức ngày càng suy đồi,  nhưng tôi biết rõ đất nước ở tương lai không chỉ giàu đẹp vật chất mà còn vững mạnh tinh thần, bản lĩnh sống làm người.  Cậu bé ngày xưa giờ đây đã ba mươi...đang góp phần tạo dựng!

Huyền Lam
Nắng ấm tháng 5 - 2010

Wednesday, April 28, 2010

Khi đàn chim về

Tôi vốn người miệt quê. Thưở nằm nôi đã vùi trong rơm rạ, quen mùi luá chín cỏ đồng.  Khi lớn lên ra trường trên xứ người, tôi vẫn tìm về tỉnh lẻ, kiếm miếng đất vườn ở ngoại ô làm nơi cư trú.  Làm người miệt quê, có người cho rằng thiệt thòi nhiều mặt so với thị thành, tuy nhiên cũng có nhiều điều hay:  nhà đất rẻ gấp mấy lần, thoát nạn kẹt xe, nhất là được hít thở không khí trong lành.  Tôi thích buổi sáng sớm mùa xuân lành lạnh, giữa tiếng chim hót líu lo, làm đất, tỉa cây, trồng hoa, gieo hạt, những lúc ấy bao lo lắng, căng thẳng tan hết để lại trong tôi cảm giác an lạc hạnh phúc vô cùng.


Vì không ai săn bắn nên nhiều loài chim chọn làm nhà trên mảnh đất vườn.  Có loài sống quanh năm, có loài đến vào mùa xuân, ra đi khi đông giá về. Mùa này chim bắt đầu làm tổ, mỗi loài chọn cho mình một nơi thích hợp. Tuy nhiên có một loại tiếng Anh gọi là động vật phá hoại "pest".   Đây là loài chim có màu sắc, kích thước giống con sáo đen bên Việt Nam nhưng dữ,  thông minh hơn rất nhiều và sống theo bầy đàn.  Những năm đầu do không để ý, loài sáo đen chỉ chừng 10 con, nhưng giờ đây lên cả trăm con.  Chúng đến vào mùa xuân, sanh con đẻ cái rồi ra đi khi lá vàng rơi.   Tuy nhiên bất cứ loài chim nào làm tổ trong khu vực, chúng đều canh cho đến khi trứng vừa nở là gắp chim con đem đi liệng.  Vì thế loài chim hót hay như Sơn Ca vàng, Sơn Ca cổ đỏ luôn sống trong phập phòng lo sợ: sinh rất nhiều nhưng tồn tại chẳng bao nhiêu, vì chim ác... đem con liệng hết!    Ngay cả diều hâu, đại-bàng  to gấp mấy chục lần, chuyên bắt thỏ và loài chim khác để ăn cũng sợ loài sáo đen này.  Mỗi khi thấy bóng diều hâu, đại bàng, quạ đen là chúng dẫn cả đàn bay lên mổ hội đồng như chúng ta bị đàn ong nhỏ bé đốt.  Đại bàng chỉ còn cách bay thục mạng trước khi bị chúng vặt không còn cọng lông, rớt xuống nghe cái bịch...thành đại bàng..trụi cánh!


Mấy nông trại hàng xóm xúi tôi mua súng hơi bắn bi về trị đám sáo đen như họ làm, nhưng tôi không dám ra tay như thế!  Thấy ác làm sao!  Tôi cũng động lòng mỗi sáng sớm  thấy chim sơn-ca con bị chúng đem thả chết trong ao cá ngoài vườn.   Suy nghĩ mãi không biết làm sao thoả mãn đôi bên cho hợp tình hợp lý.  Một đêm  đang nằm mơ thấy mình chạy te te rượt đàn sáo đen đang tấn công loài chim Robin hiền hoà  thì bị trượt chân té "đau quá" tỉnh giấc!    Giận loài sáo đen, đến nổi ngủ cũng không được giấc mơ cho đẹp!  Bật đèn bò xuống bếp uống ly nước cho qua cơn "giận", cầm tờ báo trên bàn nghía cho vui bỗng để ý có hàng tít tiếng Anh:  "Kế hoạch hoá gia đình tại Trung Quốc."  À, thì ra ta đã có giải pháp vẹn toạn rồi.  Ta sẽ theo chính sách của Mao Chủ Tịch:


Hai  vợ chồng chim sáo đen tụi bây chỉ có 1 con thôi, cho đến khi số lượng hoà hợp cùng các loài chim khác trong vườn!


Thế là từ năm ngoái khi xuân đến sáo đen về, tôi kiểm soát từng cành cây trong vườn, làm dấu những nơi chúng làm tổ.  Mỗi chiều về đi lượm trứng chim sáo đen, chỉ để lại trong tổ 1 trứng.  Mỗi con thường đẻ 5, 6 trứng, khi nào cầm trứng ấm là tôi biết trứng đã được ấp và không lấy trứng ở tổ đó nữa.  Cách làm này tôi thấy tội tội sao đó nhưng chẳng biết cách nào khác hơn.  Trứng gom về cũng chẳng biết làm chi, hết mùa lại đem đi chôn.  Kế hoạch hoá gia đình cho chim tương đối thành công vì bầy sáo đen tuy còn đông nhưng không đông như năm ngoái.  Chỉ cần vài năm nữa là đàn sáo đen được giảm thiểu xuống để quân bình, hết hiếp đáp các loài chim hiền lành yếu ớt khác.  Trong giấc ngủ thế nào tôi cũng mơ thấy mình được bầy chim đủ loại hót vui khắp vườn, rồi thầm cám ơn chính sách dân số của Mao Chủ Tịch vĩ đại.  :)


Huyền Lam
Mùa Chim Đẻ - 2010


Đất vườn nhà gồm nhiều cây tùng diệp phiá sau ao cá




Tổ chim được đánh dấu




Loài sáo đen giống quạ nhưng nhỏ hơn quạ, bằng sáo đen VN


Loài sáo đen hung dữ tấn công chim đại bàng




Loài sơn-ca vàng (đầu trang) và cổ đỏ, nhỏ bằng chim sẻ, hót rất hay.




Chim Robin to bằng chim cu, chim cút.




Trứng chim Robin có màu ngọc xanh rất đẹp. Có lẽ trứng robin đẹp nhất, to bằng trứng chim cút.




Trứng chim sáo đen




Trứng chim sơn ca cổ đỏ




Kích thước trứng chim robin, sáo đen và nhỏ nhất là sơn ca




Trứng sáo đen thu được trong chương trình kế hoạch hoá gia đình :)