Tuesday, November 19, 2013

Người Cha & Bài Kinh Sám Hối

Buổi chiều sau khi phụ mẹ lặt rau, bé Tâm ngồi học bài chờ ba đi làm về. Anh Trí bước vào nhà căng thẳng khác thường nhưng bé Tâm là đứa con gái 7 tuổi nào có biết chi. Bé lấy bài tập được điểm cao khoe rồi nhân tiện vòi vĩnh ba dẫn đi mua truyện tranh về đọc.

Anh Trí nhìn con bực bội, nói cộc lốc: - Không được!

Bé Tâm đi theo năn nỉ: - Con học giỏi, ba thưởng con nghe.

Anh Trí bỗng giận dữ la to: - Đã nói không được, sao không nghe lời ba!

Anh đưa tay đánh mạnh vào mông con. Bé Tâm đau quá hét một tiếng, nhìn mặt ba đầy thịnh nộ, bé khiếp đảm ôm mặt khóc nức nở. Chị Hoa vợ anh Trí nhìn chồng ngạc nhiên, sững sờ, định bụng chút sẽ hỏi riêng chồng.

Lần đầu tiên bị ba đánh, bé Tâm ấm ức thấy ba rất đáng sợ. Buổi cơm chiều không khí nặng nề dẫu mẹ cố gắng gợi chuyện. Bé Tâm ngồi vừa ráng ăn chút ít cơm vừa thút thít. Anh Trí thỉnh thoảng nhìn con muốn nói chi đó nhưng cứ ngập ngừng.

Sau bữa cơm, dọn dẹp chén bát xong, chị Hoa rót ly trà xanh, lấy miếng kẹo mè mời chồng và rủ ra ngồi trước mái hiên nhà nói chuyện. 

Từ tốn, chị Hoa hỏi anh Trí:
- Hôm nay anh hơi khác thường, con có làm chi đâu mà anh đánh con thế?

Anh Trí ngượng ngùng, ngồi trầm ngâm một lúc lâu mới lên tiếng:
- Hôm nay trong cơ quan có sự cố lớn. Nhân viên của anh đã không chấp hành quy định an toàn, làm hư dây chuyền sản xuất. Vì sự cố này một công nhân bị dây máy quất gãy cánh tay. Anh đã nhắc nhở nhân viên phải kiểm tra máy móc mỗi buổi sáng trước khi vận hành, thế mà... Không tức lên sao được!

Chị Hoa vẫn ôn tồn:
- Vậy là anh đem cái giận từ cơ quan về nhà, anh giận cá chém thớt rồi.

Anh Trí nhìn vợ gật đầu:
- Anh mất kiểm soát. Anh quên lời thầy dạy mỗi khi đi làm về, trước khi bước vào nhà, thở ba hơi dài, mỉm cười như Phật. Anh đánh oan bé Tâm. Tội nghiệp con.

Chị Hoa cầm tay chồng, mân mê an ủi:
- Nếu là em, chắc em cũng không làm chủ bản thân được. Thôi thì ngày mai anh dẫn con đi ăn kem, mua truyện tranh cho con để bù lại.

Anh Trí nhìn vợ, ánh mắt trìu mến, choàng tay ôm bờ vai chị Hoa, thì thầm:
- Việc đó dĩ nhiên sẽ làm, nhưng bù đắp bằng quà anh thấy sao sao em ạ. Không khéo con sẽ hiểu lầm, rồi sau này con lớn lên...
***
Thường mỗi tối sau khi học bài bé Tâm ra phòng khách coi ti-vi với ba mẹ rồi mới đi ngủ. Hôm nay chưa đến giờ, bé đã sớm đánh răng vào phòng. Suốt buổi chiều tối, bé thấy ba ngồi chỗ nào thì lánh xa chỗ khác. Nằm trên giường một đỗi, bé Tâm chưa ngủ được, bỗng nghe tiếng chân dừng trước phòng. Giọng anh Trí chậm rãi vọng vào:
- Tâm ơi, con ngủ chưa? Ba vào nói chuyện với con nghe.

Bé Tâm giật mình, không biết ba sẽ la chuyện gì nữa đây? Sợ sệt, lo lắng, bé lí nhí dạ rồi úp mặt xuống gối. Anh Trí đi vào, ngồi bên mé giường, lần tìm tay con ép giữa hai bàn tay, xoa nhẹ một lúc lâu, nhẹ nhàng lên tiếng:
- Tâm ơi, hồi chiều ba không đúng, đánh oan con. Ba xin lỗi con nghe!

Bé Tâm ngạc nhiên quá đỗi, nó không ngờ những lời nói ấy có thể thoát ra từ bậc cha mẹ. Hàng ngày đi học lắm lúc bạn bè làm sai cũng không chịu xin lỗi huống gì... Bé cuống lên, nhìn ba, nói gấp:
- Ba là người lớn không có sai. Con làm ba bực lên mà.

Vẫn dịu dàng vói con, giọng anh Trí trầm ấm:
- Ba không có lý do gì để đánh con như vậy. Nếu ba là ông vua có lỗi với em bé nghèo khó bán vé số ngoài đường thì cũng thành tâm xin lỗi con à. Huống chi là đứa con gái mà ba hết mực thương yêu. Làm sai thì ba phải có trách nhiệm xin lỗi. Mà con ơi, chưa tới giờ ngủ, con đi tụng bài kinh ngắn với ba được không?

Bé Tâm đã hết sợ ba, vui vẻ đáp ngay:
- Dạ được, nhưng sao vậy ba, hôm nay chưa phải ngày ăn chay mà?
- Thì để ba cảm thấy nhẹ nhàng hơn, nhắc nhở ba đừng làm sai. Tụng bài kinh sám hối mà con tụng mỗi Chủ nhật với Gia đình Phật tử trên chùa nha.

Anh Trí dẫn con gái rượu lên lầu trên, nơi có bàn thờ Phật đơn giản nhưng trang nghiêm. Thắp nén hương trầm dâng Phật, anh thỉnh nhẹ ba tiếng chuông. Trong tiếng ngân lan tỏa, anh ngồi xuống cạnh bé Tâm, thành kính cùng con đọc tụng:
Đệ tử kính lạy
Đức Phật Thích Ca…
Thành tâm sám hối
Thề tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành…

Bé Tâm quên chắp tay búp sen trước Đức Phật tự hồi nào. Bé kéo chiếc gối ngồi sát anh Trí hơn, rồi dựa hẳn vào người anh như những lần nhõng nhẽo. Trong tiếng kinh vang đều, bé cảm được sự cao cả của người cha. Sung sướng tràn trề, bé thấy gần gũi, thương yêu ba quá đỗi.

Nghe chuông ngân, chị Hoa len lén ra ngồi giữa cầu thang, dõi theo tiếng hai cha con tụng kinh. Chị xúc động mãnh liệt, thấy hạnh phúc chi lạ, cảm được mình may mắn có người chồng vĩ đại. Chị mong thời kinh chóng qua để tới ôm sau lưng anh thật chặt, dựa đầu vào vai anh, chân thành nói tiếng thương yêu. Cám ơn anh đã gieo vào con tình thương yêu sâu đậm, nhân cách sống cao cả chân thật. Mắt chị mờ nhạt, mũi sụt sịt. Khói hương trầm cay lắm chăng?

Huyền Lam - Giác Ngộ 719

Friday, November 1, 2013

50 năm ngày chế độ Ngô Đình Diệm Sụp Đổ

50 năm trước, ngày này 1 tháng 11-1963, hình ảnh VN có phần giống ngày các chế độ độc tài ở trung đông sụp đổ gần đây. Hình do các phóng viên ngoại quốc ghi lại phản ứng của người dân khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.











Thiết nghĩ những bức hình cũng đủ nói lên cảm giác người dân vào thời điểm đó mà không cần phải thêm một lời bình luận nào.

Huyền Lam

1/11/2013

Monday, October 21, 2013

Tưởng Niệm 35 năm ngày ra đi của thầy Thích Thiện Minh

Thầy Thích Thiện Minh
Nhân ngày tưởng niệm 35 năm ngày thầy Thích Thiện Minh mất tại trại cải tạo Hàm Tân, xin được đăng lại bài thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết cho người huynh đệ ngay trong đêm nghe tin ra đi của người bạn thắm thiết, người cùng chí hướng cao đẹp. 

Bài thơ làm đúng vào ngày tháng này 35 năm trước, vào thời vô sản cực đoan coi tôn giáo như một chướng ngại xã hội, cũng như coi buôn bán tư nhân (tư bản) là vòi độc hút máu nhân dân. Hùng khí bài thơ mỗi khi tôi đọc lại, dù đọc hằng năm mỗi khi làm lễ tưởng niệm, vẫn dâng trào cảm xúc trong tôi đến nghẹn lời..

Đối với tôi bài Lửa Từ Bi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương cảm tác trước sự hy sinh của bồ tát Quảng Đức cảnh tỉnh chế đô Ngô Đình Diệm và bài Mây Trắng Thong Dong là tuyệt tác hùng ca vô úy, phụng sự nhân sinh trong tinh thần bất bạo động.



-- Mây Trắng Thong Dong --

Nhớ thuở xưa-khi người còn là đám bạch vân bay thong dong

ta theo nguồn múa ca đi về đại dương mênh mông.

Người lưu luyến chốn đỉnh cao, lắng tiếng reo cười ngàn thông

ta nhấp nhô trên sóng bạc, lên xuống vào ra muôn trùng.



Kịp đến khi thấy trần gian quằn quại lệ chảy thành dòng

thì người biến thành mưa, nhỏ giọt tuôn tràn đêm đông

Mây đen mịt mờ một phương chừ, mặt trời hấp hối

Người gọi ta về, cùng nhau giăng tay nổi trận cuồng phong.



Lòng thảnh thơi đâu, khi hoa ngàn cỏ núi còn rên siết hận bất công,

Người đưa hai tay thiên thần, quyết tâm tháo bỏ cùm gông.

Trong khi bóng tối phủ đầy, họng súng đen ngòm bạo lực

Xương dồn thành gò cao chừ, trong khi máu đã chảy dài thành sông

Hai bàn tay ngươi đập nát, thương ôi, xích xiềng vẫn chưa tháo được,

Ta gọi sấm sét về bên ngươi, quyết cùng bạo lực mở cuộc thư hùng.

Gan dạ hơn người, trong đêm háo thành Sư Vương rống lớn

Hàng vạn loài ma quái nghe người, đã cầm cập run trong đêm sương



Hiên ngang không lùi bước chừ, dù phía trước dày đặc hầm chông,

Người thản nhiên đưa mắt nhìn bạo lực chừ, như nhìn vào khoảng không

Sống Chết là chi chừ, ép uổng nhau sao được?

Người gọi tên ta mà cười chừ, không một lời rên siết, dù tra tấn cùm gông



Bây giờ thoát đi, xiềng xích chẳng còn buộc nổi chân thân,

Người trở về kiếp xưa mây trắng, thảnh thơi trên bầu mênh mông;

Đến, đi tự người - đỉnh cao nào thích thú thì người dừng lại,

Cưỡi trên sóng bạc đầu chừ, ta hát ru người khúc hát bi hùng.

** Nhất Hạnh - Ngày 21/10/1978

Sunday, October 13, 2013

Khi bậc lão thành IT Việt Nam hỏi


Hầu hết người VN trong nước, nhất là sinh viên và những người theo học công nghệ thông tin (IT) đều biết đến bậc lão thành  Dương Quang Thiện.  Ông và phu nhân người Thụy S (đã qua đời cách đây một năm rưỡi), từ bỏ cuộc sống và công việc bên trời tây, về nước từ năm 1965, thành lập biết bao qũy học bổng cho học sinh nghèo khắp nước. Không chỉ là một  mạnh thường quân nổi tiếng, kỹ sư Dương Quang Thiện (tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại Đại học Bordeaux năm 1961, là người VN đầu tiên được IBM tuyển vào làm kỹ sư tin học) còn là tác giả nổi tiếng chuyên về sách tin học với số lượng hơn 50 cuốn.  Chúng ta có thể nói rằng ông đã góp phần tạo dựng nền móng công nghệ thông tin (IT) tại VN.


Nay dù đã 80, ông vẫn còn quan tâm đến việc phát triển IT cho quê hương.   Cá nhân tôi vô cùng xúc động  khi biết được những ưu tư của ông và rất cảm động khi  ông hỏi:



Nếu anh biết là ở VN có vào khoảng 500.000 xí nghiệp vừa và nhỏ, có nối mạng, nhưng hệ thống thông tin quản lý chưa được hiệu quả.  Người ta chỉ đào tạo programmer,  không biết analyst, developer và  architect là gì. Nhin chung, người ta xử lý dữ liệu bằng tay, với sự hỗ trợ cua Excel. Có vài nơi sử dụng Access. Bây giờ anh làm gì đây?

Tôi xin được chia sẻ hiểu biết hạn hẹp mình như sau:

Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin (IT) vào điều hành/quản lý xí nghiệp (tư lẫn cơ quan nhà nước) để có hiệu quả cao vẫn là một thách thức ngay cả những nước tiên tiến như  Hoa Kỳ.  Không ít xí nghiệp phài đương đầu với vấn nạn:  xử dụng những phần mềm khác nhau, dùng ngôn ngữ (programming language) và nền tảng khác nhau (framework), không liên kết dữ liệu (data integration), không tạo ra được hình ảnh (dashboard)  tổng thể hoạt đông của xí nghiệp để ban điều hành (CEO) đưa ra những quyết định tối trọng hoặc kế hoạch lâu dài.

Trước khi được góp ý sẽ làm gì, tôi xin lược qua tình hình chung tại Hoa Kỳ, những giải pháp hiện có, từ đó chúng ta có thể rút ra những điểm ứng dụng then chốt cho hoàn cảnh Việt Nam.

Hầu hết các dự án IT cho xí nghiệp tại Hoa Kỳ (nhất là trong lãnh vực công) đều trễ hẹn, chi phí cao hơn dự tính, không ít trong số đó phải hủy bỏ sau khi tốn bạc triệu usd.  Thông thường nguyên nhân thất bại hoặc không đúng dự tính ban đầu:
  • Quy trình hoạt động, quy tắc của xí nghiệp chưa thống nhất và tinh gọn  (need to standardize and streamline business processes and business rules)
  • Không nắm vững và đúc kết rõ ràng các quy tắc/yêu cầu, (need to capture and document the business rules & business requirements)
  • Đội ngũ IT thiếu sự phối hợp chặc chẽ với nhân viên xí nghiệp để kiểm tra các quy tắc nhẳm bảo đảm phần mềm sẽ được tạo ra đúng yêu cầu ban đầu.  (Business team and IT team coordination and verification)
  • Thiếu người đóng vai kiến trúc sư IT (Solution Architect) để nhìn tổng thể bức tranh mà từ đó điều phối lập trình viên (developer/programmer) và nhân viên IT đặc chủng (User interface designer,database designer, application security specialistr..)
  • Thiếu quản lý dự án tài giỏi (project manager) để nắm bắt những nảy sinh mà bất cứ công trình nào cũng gặp và từ đó đưa ra những bước đi thực tế.
  • ….và rất nhiều trở ngại khác

Từ những khó khăn chồng chất trong việc phát triển/duy trì phần mềm và do công nghệ internet/đám mây (cloud computing) ngày càng hiện đại,  các xí nghiệp tại Hoa Kỳ đang có khuynh hướng sử dụng những phần mềm có sẵn và giảm thiểu hạ tầng cơ sở IT tại cơ quan (reduce IT infrastructure foot print).  Có nhiều xí nghiệp mới thành lập hầu như không có hạ tầng IT hoặc nhân viên IT.  

Sử dụng công nghệ internet/cloud giúp xí nghiệp khỏi bảo trì máy chủ (server) như chống mã độc, sao-lưu/phục hồi (backup/recovery) v.v. Ngay cả máy tính cá nhân cũng được tiết giảm chi phí vì không phải cài đặt nhiều phần mềm.  Chỉ cần công cụ trình duyệt (internet browser:  Firefox, Chrome, IE) là người sử dụng có thể chạy những phần mềm đám mây.

Bất cứ xí nghiệp nào cũng có một số cơ cấu căn bản và sau đây là những giải pháp công nghệ đám mây mà các xí nghiệp có khuynh hướng đang tiến đến áp dụng để giảm thiểu chi phí và phiền toái.

  • Phần mềm văn phòng (office suite):  Đây là phần mềm dùng hằng ngày để lập văn bản, spreadsheet, email.v.v  Google Apps For Business (tương tự google doc/drive miễn phí):  Tuy không thể làm những việc phức tạp như Microsoft Office nhưng hầu hết những việc thường làm có thể dùng Google Apps (bao gồm những phần tương tự như word, excel, powerpoint… + email).  Microsoft cũng có sản phẩm đám mây tương tự được gọi là office 365, tuy nhiên chưa mấy trưởng thành bằng giải pháp của Google.     

  • Phần mềm quản lý xí nghiệp (Enterprise Resource Planning ERP):  Phần mềm này là bộ não của xí nghiệp bao gồm nhiệm vụ:  Kế toán, hoạch định ngân sách, quản lý nhân viên (lương, chế độ), quản lý sản xuất.  Một số sản phẩm đám mây về ERP:  Oracle For E-Business, SAP,  Microsoft Dynamic.

  • Phần mềm quản lý khách hàng (Customer Relationship Management CRM):  Phần mềm này dành cho xí nghiệp bán sản phẩm cho khách hàng, bao gồm:  kinh doanh sản phẩm, quản lý và phục vụ khách hàng, tiếp thị.  Một số sản phẩm đám mây về CRM:  SaleForce,  Microsoft CRM


Giải pháp nào cho 500,000 xí nghiệp vừa và nhỏ của VN:  

Việc thuê / mua phần mềm của các công ty nước ngoài hiện tại cũng có nhiều giới hạn:  Giá cả chưa chắc phù hợp với các xí nghiệp vừa và nhỏ trong nước.  Phần hỗ trợ người sử dụng cũng không dễ dàng.

Điểm khó khăn nhất cho VN và cho cả thế giới khi ứng dụng công nghệ thông tin là việc tiêu chuẩn hoá, đơn giản hoá quy trình, quy tắc và nguồn máy vận hành.  Không làm được việc này thì khi tạo phần mềm sẽ rất tốn kém, phức tạp  và khó sử dụng đại trà.  
  1. Tiêu chuẩn hoá cho 500,000 doanh nghiệp là điều không thể: tuy nhiên có thể phân loại xí nghiêp, tiêu chuẩn hoá từng nhóm một, tạo phần mềm cho những quy trình đơn giản nhất:  Ví dụ như phần quản lý nhân viên, lương bổng..rồi từ từ tiến xa hơn.

  2. Chú trọng vào việc phát triển phần mềm có thể chạy trên mạng trước (internet/cloud based application).  Việc này giúp xí nghiệp khỏi tốn chi phí duy trì IT bên trong xí nghiệp, hoặc sử dụng IT cho những phần mềm chỉ cơ quan mình mới sử dụng.

  3. Thành lập trung tâm dữ liệu đám mây (cloud VN), nơi đó những máy chủ đã được ảo hoá (virtualize), khả năng bảo mật, sao lưu, khôi phục được tập trung.  Những phần mềm ở mục 1 sẽ được chạy tại đây. Xí nghiệp sử dụng nó chỉ cần máy tính đơn giản có duyệt trình là được.  Chi phí sử dụng sẽ giống như xài điện, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu.

  4. Để thực hiện mục 1 và 2, VN cần có:
    1. Đội ngũ IT chiến lược:  Giải Pháp Công Nghệ Kiến Trúc Sư (IT Solution Architect), Công Nghệ An Ninh/Bảo Mật KTS (IT Security Architect), Công Nghệ Dữ Liệu KTS (IT Data Architect), Công Nghệ Đám Mây KTS, Server Farm and Network architect…
    2. Đội ngũ IT quản lý công trình (IT Project Manager) và Business Analyst chuyên nghiệp
    3. Highspeed internet connection (đường truyền mạng băng rộng)

Nếu giải pháp IT chưa chín muồi để thực hiện thì việc tiêu chuẩn hoá/ đơn giản hoá vẫn phải tiến hành vì sẽ đem lại lợi ích hiện tại lẫn tương lai.  Làm được điều này sẽ giảm thiểu rất nhiều chi phí và rủi ro khi ứng dụng IT sau này.  Đó là chưa kể đến biết bao tiết kiệm hiện tại dù chưa ứng dụng IT.

Các trường đào tạo IT nên chú trọng đào tạo nhân viên trong mục 4 bên cạnh đào tạo lập trình viên.

Phần mềm nguồn mở miễn phí cho quản lý xí nghiệp (ERP) và quản lý khách hàng (CRM) hiện đang có trên mạng.  Đội ngũ IT VN không cần phải thiết kế từ đầu mà có thể dùng phần mềm mở, tách lọc, thay đổi cho phù hợp với môi trường trong nước.  Hoặc ít ra cũng nắm bắt được những vận hành xung yếu của các phần mềm này.

Thiết nghĩ đây là những ý kiến đơn giản và không tránh phần sai lầm, thiếu sót.  Hy vọng được sự chỉ giáo của độc giả.


Huyền Lam
Mùa thu 2013

Wednesday, September 25, 2013

Khi học bổng khó nuốt cho con nhà nghèo


Có đứa em nhận được học bổng Lửa Việt do tiến sĩ Alan (Góc Nhìn Alan) và các cộng  sự viên chủ trương.  Em hỏi tôi có nên nhận món quà học bổng 12000USD hay không?   Tôi rất ngạc nhiên vì em đã bỏ khá nhiều thời gian chuẩn bị cho khâu nộp đơn, phỏng vấn, rồi hy vọng từng ngày, nay em lại nhờ tôi nghiên cứu và tư vấn dùm.


Thì ra học bổng tài trợ ⅔ tiền học, giai đoạn 1 học 8 môn, mỗi môn phải đóng thêm 600 USD.  Giai đoạn 2 sẽ trải qua thêm một đợt  xét duyệt khác, nếu được tuyển chọn sẽ được tài trợ học tiếp, nếu không sẽ tiếp tục đóng thêm 2 lần 600 USD nữa cho đủ phần thiếu là 6000 USD.  Toàn bộ quá trình học là dạng online chứ không đến lớp, có nghĩa là học tại VN. Em sợ nếu đến đợt thứ 2 mà không được tuyển chọn thì toàn bộ số tiền phải chi ra là khoảng 6000 USD, một con số quá lớn em khó kham nổi.  

Một môn học khoảng 1 tháng - 600 USD phải bỏ ra mỗi tháng dù đã được học bổng là điều không tưởng cho nhiều gia đình VN khi bình quân thu nhập GDP hằng tháng chỉ 300 USD.


Để tránh là nạn nhân của những màn kinh doanh giáo dục, mà dạng học online khá nhiều và bằng cấp ít nơi coi trọng, tôi nói với em rằng nếu là học bổng của trường trong top 100 đại học Hoa Kỳ thì tôi sẽ nhận. Em khoe là trường Bristol.


Nhưng trường Bristol nổi tiếng ở Anh, là 1 trong 30 trường lớn nhất thế giới, có chi nhánh Hoa kỳ chăng?  tôi Google tên trường thì tòan thông tin của trường bên Anh rất hòang tráng, ấn tượng.  Sau nhiều đợt google đủ kiểu và đào sâu thì  mò ra một trường đại học tư nhân có tên Bristol tại Anaheim - Orange County - California. Tiêu chuẩn được nhận vào trường khá dễ. Theo CampusExplore.com (trang mạng chuyên cung cấp thông tin trường học) thì chỉ cần điểm trung bình GPA 2.0 (A = 4.0, B=3.0, C=2.0).   


Hầu hết các trường đại học công và tư trong top 200 trường của Hoa Kỳ, rất khó kiếm trường nào nhận học sinh có điểm C. Cũng theo CampusExplore thì trường thuộc diện nhỏ, thành lập năm 1991 có tên Kensington College trước khi đổi qua tên Bristol University trong vài năm trở lại. Vì sao đổi trùng tên với trường danh tiếng toàn cầu ở Anh, có lẽ là ngẫu nhiên?  


Được biết học bổng Lửa Việt mà tiến sĩ Alan là một thành viên trong ban tuyển khảo đã trao 55 học bổng. Nếu là tôi, tôi sẽ giảm số học bổng xuống còn 35, 40 và tài trợ 100% vì một đất nước như VN, người giàu thì đã cho con đi du học, học sinh nghèo lấy đâu ra 4, 5 ngàn USD để học dù đã được học bổng kiểu ⅔ này, nhất là với dạng học online có xứng đáng với các chương trình học tại VN do các giáo sư ngoại quốc đảm nhận trực tiếp và có thể rẻ hơn không?


Tôi không dám khuyên em nhận hay không nhận, tuy nhiên em nên nghiên cứu thêm và hỏi tiến sĩ Alan trước khi chính em quyết định:

  • Làm sao nhận được tài trợ phần 2, quota là bao nhiêu sinh viên?
  • Trường này được xếp hạng thứ mấy ở Hoa Kỳ?  bằng tốt nghiệp có giá trị không?  có được coi trọng như các trường công lập thuộc hệ thống University of California của chính quyền tiểu bang California?
  • Ở VN các trường đại học có tiếng, đánh giá trường này ra sao?
  • Với số tiền sẽ chi ra 6000 USD, có trường nào khác dù không cho học bổng nhưng cung cấp cách học khá hơn không?

Không hiểu sao khi vào 2 websites chuyên thẩm định trường học, lại không thấy có tên Bristol trong số hơn trăm trường tại California.

http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/best-colleges/search?name=&x=25&y=13&CA=y&enrollment-min=0&enrollment-max=14000&tuition-min=5000&tuition-max=50000




Các bạn muốn theo dõi thông tin và những comment liên quan đến blog này xin vào trực tiếp facebook qua đường link:

Huyền Lam

Cập nhật ngày 20 tháng 5 - 2014:  Bài viết mới nói về tình trạng kinh doanh học bổng và vấn đề tuyển sinh của BU trong nằm 2014:  
http://huyenlamblog.blogspot.com/2014/05/kinhdoanhhocbong.html

Friday, September 20, 2013

Google Tìm Về Trí Tuệ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Trong tháng 9 năm nay, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ và đã được nhiều tập đoàn quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ thỉnh mời hướng dẫn khóa tu. Những tập đoàn này đang kết nối sức mạnh của chánh niệm và thiền định để phát triển doanh nghiệp bền vững trong sự an lạc lành mạnh cho nhân viên, người tiêu dùng và môi trường. Chúng tôi xin được tổng hợp và chuyển ngữ bài viết dưới đây của phóng viên quốc tế Jo Confino - tạp chí Guardian, số ra ngày 5-9-2013 vừa qua. Bài viết cung cấp thêm những giá trị quý báu mà Phật giáo đã và đang góp phần vào các nước văn minh, tiên tiến bậc nhất trên thế giới.

Tại sao những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm cả Google, lại đặc biệt trân trọng quan tâm đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh - vị tu sĩ Phật giáo người Việt đã 87 tuổi?

Câu trả lời là: Tất cả tập đoàn này quan tâm đến giáo lý thiền sư giảng dạy để áp dụng cải thiện công ty trở nên từ bi, hiệu quả hơn. Hàng trăm ngàn đệ tử trên thế giới tuy dùng ngôn ngữ khác nhau nhưng đã dùng chung chữ “Thầy” để gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Như một dấu ấn “thực hành chánh niệm” đã bắt đầu đi vào dòng chảy xã hội, Google đã mời thầy đến hướng dẫn khóa tu trọn ngày cho nhân viên sẽ tổ chức vào cuối tháng 9 năm 2013 tại thung lũng điện tử - bang California. Ngoài ra, hơn 20 Tổng giám đốc (CEOs) của các tập đoàn công nghệ lớn sẽ gặp thầy nhằm được khai mở trí tuệ về nghệ thuật sống trong giây phút hiện tại. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, sách của thầy đã bán trên 2 triệu cuốn. 

Thầy dự tính sẽ pháp đàm cùng các tổng giám đốc, giúp họ hiểu sâu xa các mối liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau trong đời sống, đồng thời cung cấp giải pháp chánh niệm vào công việc hàng ngày, trong thiết kế sản phẩm, trong ứng dụng công nghệ để thay đổi thế giới. Sau buổi pháp đàm sẽ là một buổi thiền hành.

Thành quả hoằng pháp của Thiền sư Nhất Hạnh đã được nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu ngưỡng mộ, công nhận trong 50 năm qua. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Jim Yong Kim nhận định: Phương pháp thực hành của thiền sư tạo niềm đam mê sâu rộng về phát triển hạnh từ bi đến người đang đau khổ. 

Trong khi đó, nhà hoạt động nổi tiếng toàn cầu Martin Luther King đã đề cử thiền sư xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1967 cho những nỗ lực chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ông nói khi đề cử: “Trao giải (cho Thiền sư Nhất Hạnh) sẽ đánh thức nhân loại về vẻ đẹp của thực hành yêu thương, đem lại hòa bình. Điều này sẽ giúp làm sống lại niềm hy vọng về một trật tự mới cho công lý và hòa hợp”.

Dù tuổi đã 87, Thiền sư hiện đang hoằng pháp 3 tháng liên tục tại vùng Bắc Mỹ ngay sau chuyến hoằng pháp tại châu Á. Tăng đoàn của Thiền sư là Tăng đoàn phát triển nhanh nhất thế giới. Những khóa tu học tại Toronto (Canada), New York, Mississippi và California, mỗi nơi có sức chứa trên 1.000 người đã hết vé trong vòng vài ngày thông báo.


Nền kinh tế tham lam tiêu thụ
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cảnh báo nền văn minh nhân loại có nguy cơ sụp đổ do guồng máy kinh tế tiêu thụ làm thiệt hại môi trường và nền tảng xã hội. Thầy cung cấp giải pháp đem nguồn hạnh phúc đích thực mà chúng ta đã đánh mất vì quá tôn thờ vật chất. Phương pháp tu học dựa trên chuyển hóa khổ đau bằng cách quên đi những vết thẹo quá khứ, hoặc lo lắng ở tương lai qua việc hành thiền sống trong chánh niệm.
Thầy tin rằng để doanh nghiệp giảm thiểu tốc độ vô định của chủ nghĩa tư bản, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhận ra lỗi cơ bản trong cách nhìn thiển cận: Lợi nhuận đồng nghĩa với thành công.

Doanh nghiệp cần thay đổi về ý thức
Tư duy doanh nghiệp cần phải thay đổi bằng cách nhận ra sự quan trọng của phối hợp đời sống tâm linh vào công việc hàng ngày. Thầy nói:

“Bạn phải xem lại quan niệm về hạnh phúc. Bạn cho rằng, hạnh phúc chỉ khi chiến thắng hoặc đang ở trên đỉnh. Thật ra không phải vậy, vì dù bạn có thành công làm ra nhiều tiền bạn cũng đau khổ. Thực tập thiền giúp bạn giảm bớt đau khổ”.

“Nhiều người trong chúng ta cho rằng sẽ có được hạnh phúc nếu bỏ mọi người vượt lên trước để thành số một. Chúng ta không cần đứng nhất để được hạnh phúc. Phải ứng dụng một phần tâm linh trong đời sống vào doanh nghiệp, nếu không chúng ta sẽ phải đối phó đau khổ tạo ra từ công việc và đời sống”.

“Thực tập thiền định sẽ giúp ích cho doanh nghiệp. Khi nhân viên hạnh phúc thì doanh nghiệp được cải thiện. Nếu doanh nghiệp làm tổn hại môi trường, thì khi hành thiền chúng ta sẽ có sáng kiến để bảo vệ thiên nhiên”.

“Ứng dụng chánh niệm vào doanh nghiệp cũng sẽ giúp nhân viên bớt ngập đầu vì công việc. Các vị lãnh đạo phải làm gương trước. Nếu lãnh đạo quá bận rộn giải quyết công việc, không còn thời gian cho gia đình thì sẽ không mấy hạnh phúc. Doanh nghiệp sẽ thành công hơn khi có những nhà lãnh đạo trầm tĩnh, hạnh phúc, tràn đầy thương yêu hiểu biết”.

Sự bùng nổ cách mạng kỹ thuật điện tử đã góp phần làm đời sống bận rộn hơn, khiến không còn thời gian nhìn lại chính mình hoặc để tạo nguồn sáng tạo. Thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ tiếp:

“Chúng ta phải đảo ngược xu hướng này. Chúng ta phải trở về với chính mình, người thân yêu ta, trở về với thiên nhiên. Những thiết bị điện tử đã làm ta xa cách chính ta. Chúng ta đánh mất mình trong thế giới mạng (internet), kinh doanh, dự án rồi không còn thời gian cho ta. Không còn thời gian chăm sóc người thân yêu, không còn thời gian cho Mẹ Trái đất ấp ủ, chữa lành bịnh cho ta”.

Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp khó mở lòng chia sẻ những áp lực công việc, tuy nhiên nhiều vị đã trải lòng chia sẻ những điều Thiền sư quan tâm. Erin Callan, cựu Giám đốc Ngân hàng Lehman Brothers chia sẻ trên báo New York Times sau khi từ chức:

“Mỗi khi rời công sở, tôi rã rời. Tôi không còn năng lực đi tiếp. Tôi đã không biết giá trị bản thân và những gì mình đã làm. Về nhà dù là cuối tuần, nếu không ráng làm cho hết việc ở công ty thì lo sạc pin để tiếp tục cho tuần tiếp. Công việc bao giờ cũng được ưu tiên trước. Gia đình, bạn bè, hôn nhân luôn đến sau - kết quả là mất tất cả chỉ sau vài năm”.

Tuy thầy quan tâm đến tác động xấu gây ra từ công nghệ, thầy nhận ra bản chất nhị nguyên của nó có sức mạnh làm được điều tốt. Đây là lý do thầy sẽ kêu gọi các Tổng giám đốc (CEO) tập đoàn công nghệ trong buổi hội thảo sắp tới: hãy làm những phần mềm ứng dụng và công cụ giúp con người thăng bằng đời sống. Thầy đưa ra ví dụ như phần mềm giúp thư giãn mỗi khi lên cơn giận, hoặc chiếc đồng hồ đeo tay mà thầy giúp thiết kế: mỗi con số được thay bằng chữ now (hiện tại). Thầy nói:

“Chúng ta cần sự tỉnh thức. Khi nói chuyện với Google và những công ty khác, tôi sẽ kêu gọi họ biết sử dụng trí thông minh và thiện chí có sẵn để chế tạo các thiết bị giúp chúng ta trở về chính mình, chữa lành chính mình. Chúng ta không cần phải liệng bỏ những thiết bị điện tử nhưng phải biết dùng chúng cho đời sống hài hòa an lạc”.

Tập đoàn Google đã thỉnh cầu Thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng về tính sáng tạo, minh mẫn, hướng đi. Thầy nói đây là những điều khi thực tập chánh niệm sẽ mang lại hiệu quả cao. Google đã từng mời thầy vào năm 2011, kể từ đó thực hành chánh niệm đã nở rộ tại tập đoàn khổng lồ này. Rất nhiều người tham gia chương trình tu học chánh niệm “Tìm lại chính mình”. Nhiều phòng thiền đã được lập lên khắp văn phòng tập đoàn.

Thầy mỉm cười an lạc tiếp tục câu chuyện: 

“Nhân viên Google muốn biết làm thế nào để chuyển hóa khổ đau như mọi người. Đa số họ là những người trẻ rất thông minh, hiểu rõ những lời pháp, thực hành rất tốt, giúp truyền bá thực tập chánh niệm, và họ có trong tay phương tiện để làm điều này hữu hiệu.

Họ sẽ được giúp để nhận thức rằng: tất cả mọi người đều muốn làm việc tốt vì mỗi chúng ta có Phật tánh trong tâm. Khi chúng ta nhìn vào con đường không cao quý, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường khác tốt đẹp hơn. Khi chúng ta nhìn vào đau khổ, chúng ta sẽ thấy phương pháp đem đến hạnh phúc. Đó là giáo lý của Bốn sự thật quý báu (Tứ diệu đế) và bạn không cần phải là Phật tử để hiểu điều này.

Xã hội chúng ta cần một sự tỉnh thức tập thể để tự cứu lấy mình trước vấn nạn đang gặp. Vì vậy, phép lạ của sự tỉnh thức cần thể hiện trong mỗi bước đi, mỗi hơi thở. Và khi chúng ta có chất liệu tỉnh thức, ta sẽ biết con đường đem đến hạnh phúc. Ta sẽ chấm dứt khổ đau và giúp người khác cũng làm như ta”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện đang hoằng pháp tại Bắc Mỹ, bao gồm những buổi diễn thuyết tại các thành phố lớn: New York, Boston, Pasadena v.v... Đồng thời thư pháp của thiền sư sẽ được triễn lãm bốn tháng tại phòng thiết kế nổi tiếng ABC Store New York.

(Lược dịch theo Jo Confino: “Google Seeks out Wisdom of Zen Master Thich Nhat Hanh” - The Guardian, ngày 5-9-2013)

*
Huyền Lam (báo Giác Ngộ số 710)

Monday, September 16, 2013

Tiễn Em Đi Học Xa


Đã hơn 20 năm qua, năm nào cũng thế, mỗi độ thu về ngôi chùa tại thị trấn nhỏ miền cực bắc Hoa Kỳ lại tiễn một số em đến những thành phố lớn nội trú đại học.  Mỗi lần như thế, anh chị trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử mở tiệc nhỏ mừng em trưởng thành nhưng lòng buồn man mác, sau  nhiều năm gắn bó ruột thịt, giờ sẽ ít khi gặp lại.


Hầu hết các em bắt đầu đến chùa lúc còn rất nhỏ, tuổi mẫu giáo, lớp 1, lớp 2.  Cha mẹ bắt em đến chùa  mỗi ngày chủ nhật để học tiếng Việt,  học làm người tốt, bớt chơi game điện tử, bớt quên đi nguồn gốc tổ tiên...  Những tuần đầu em đến chùa có đôi chút bỡ ngỡ, bực bội.  Đã quen không gian văn hoá Mỹ, làm sao em không sốc với môi trường chùa chiền khói nhang, kinh kệ của người lớn tuổi.  Lắm lúc anh chị trưởng cười nghẹn ngào trước những câu hỏi ngây thơ bằng tiếng Mỹ của ngày đầu tiên:

  • Ông đó là ai mà được ngồi trên cao? Sao mình phải lạy ông?  Sao lại ngồi trên hoa, tội nghiệp hoa.  Mà hoa gì to vậy?
  • Bác sĩ nói khói (thuốc) làm người chết,  Sao lại đốt khói (hương) cho ông ấy ngửi?

Tuy nhiên dưới sự cưng chiều dẫn dắt của anh chị trưởng và đoàn sinh đi trước, chỉ vài tháng sau em  mong được đến chùa hằng tuần dù phải theo lịch sinh hoạt:

·         Ngồi thiền  5 phút         - Tụng kinh lễ Phật 15 phút
·         Phật pháp hoặc kỷ năng 20 phút        - Sinh họat tự do 15 phút
·         Tiếng Việt 40 phút        - Sinh hoạt tập thể 15 phút

Chẳng bao lâu những ngày lễ lớn như Phật đản, Vu Lan em lại vui mừng được xếp hàng dâng hoa cúng dường chư Phật. Mỗi lần tết đến hãnh diện tung tăng trong tà áo dài, trong đoàn lân,  muá ca chào đón xuân về.  Không những thế, em còn là đoá hoa tươi thắm chia sẻ văn hoá Việt đến người Hoa Kỳ qua những giai điệu muá dân gian trong các kỳ lễ hội đa quốc gia được tổ chức hằng năm tại các trường học, trung tâm văn hoá thành phố.   Mỗi nơi em xuất hiện, những tràn pháo tay lại rộ lên ngợi ca nét đẹp kín đáo truyền thống Việt Nam nhưng dịu dàng tươi thắm. Những chuyến trình diễn như thế đã giúp em tự hào hơn về nguồn gốc tổ tiên, về đạo Phật của mình.  

Điều làm anh chị trưởng hạnh phúc hơn hết thảy là khi chứng kiến sự tăng trưởng lối sống lành mạnh, đạo đức, thánh thiện.  Mỗi lần sinh hoạt ngoài công viên, không cần ai nhắc nhở, em luôn tự động lượm rác sạch sẽ trước khi ra về.   Dù phải xếp hàng dài chờ tham quan bảo tàng hoặc mua vé đi coi thể thao v.v, em luôn nhẫn nại, thong dong, không hề chộn rộn xôn xao.   Những lần cấm trại hái nấm rừng,   nhặt sỏi qúy bờ suối, lượm vỏ ốc bên bờ biển..., dù không ai kiểm soát nhưng luôn không cho phép mình vượt quá  số lượng vườn quốc gia quy định.  

Hằng năm, trong những buổi nấu ăn cho người vô gia cư, chương trình quên góp thực phẩm cho người nghèo, hoặc  rửa xe gây qủy cho người bị thiên tai, các em hết lòng tích cực tham gia và luôn mong được làm nhiều lần hơn nữa.  Mỗi lần như thế, anh chị trưởng rất xúc động khi chứng kiến các em ân cần bưng thức ăn đến từng bàn, lễ phép mời người vô gia cư dùng, thỉnh thoảng lui tới hỏi thăm mời thêm món khác bằng tâm yêu thương trong trắng không phân biệt.

Sống trong môi trường khi người da màu là dân thiểu số dễ nổi bật giữa đám đông, nhân cách sống các em đã góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp cho người gốc Việt, người Phật tử.  Chỉ còn vài tuần nữa, em sẽ đi xa, tản mác khắp quốc gia Hoa Kỳ rộng lớn.   Lâu lâu về thăm phố nhỏ,  em mang tặng mọi người nơi chốn cũ những nụ cười hạnh phúc trong nổi mừng gặp lại.  Một dòng kỷ niệm đầy ấp  thương yêu lại trở về....

Huyền Lam
Mùa nhập học 2013 - Tuần San Giác Ngộ 707