Sunday, December 14, 2008

Tìm Chữ You Trong Tiếng Việt






Là người Việt chúng ta luôn tự hào sự phong phú, súc tích tiếng Việt. Ngôn ngữ Việt thường diễn tả được đến chi tiết. Ví dụ như trong xưng hô, khi ta nói cậu, chú, bác, cô, dì v.v... chúng ta biết được sự liên hệ với người đó là bên nội hay bên ngoại, vai anh hay vai em. Trong thi ca, văn chương cũng thế chúng ta dùng nhiều từ đến tinh tế, nhưng khi dịch ra tiếng Anh lại thấy đơn giản và như không biểu hiện được hoàn toàn.


Có lẽ ngôn ngữ Việt chi ly, tinh tế quá nên không có từ chung để xưng hô như I-You trong tiếng Anh, Toa-Moa trong tiếng Pháp, Ngộ-Nị trong tiếng Trung Hoa v.v.. Trước thời A-Còng, điện thoại, sự thiếu sót này không tạo khó khăn vì trong giao tiếp đa phần mặt đối mặt. Khi gặp người lớn tuổi hơn, chúng ta có thể chào chị, chào anh, chào bác, chào ông...


Tuy nhiên trong thời đại gặp mặt thì ít và gặp máy thì nhiều, cách xưng hô Việt đã tạo nhiều khó khăn lúng túng. Những năm gần đây trong nước đã chấp nhận được chữ tôi khá rộng, một học sinh cấp 1, 2 có thể dùng chữ tôi trong đại chúng. Ta có thể cho rằng chữ Tôi đã phần nào tiến gần với chữ I trong tiếng Anh (tuy vẫn còn xa).


Thế nhưng tìm chữ thay cho chữ You qủa thật không biết kiếm đâu ra. Khi ta gọi điện thoại đến một người, nếu nghe giọng nữ mà ta không đoán được tuổi tác thì phải xưng hô thế nào đây: Cô hay Bà, Chị hay Em. Lỡ gọì cô mà người bên kia đã 70 rồi thì sao đây? hay bà khi người kia mới 14, 15 tuổi.


Cách xưng hô Việt đôi lúc cũng làm giới trẻ một phần nào lép vế ở những nơi hội họp, thảo luận công cộng. Một chàng trai 18 tuổi khi bàn thảo công chuyện với một bác 60, xưng tôi và bác thì sợ bị cho là hổn và không mấy văn hoá cho lắm. Nhưng xưng cháu và bác lại thấy ý kiến mình như đã nhẹ bớt ký lô. Cách xưng hô Việt cũng là một khó khăn lớn khi dạy tiếng Việt cho trẻ em sinh ra lớn lên tại nước ngoài. Gần 20 năm dạy tiếng Việt cho các em, hầu như tuần nào tôi cũng cười khi nghe các em nói những câu: Ông Nội thương em lắm, nó hay mua đồ cho em!


Mong rằng Viện Ngôn Ngữ Việt Nam sẽ có một đề án hoặc chỉ dẫn cách xưng hô trong thời đại ảo. Vì có lần tôi vào blog góp ý, đọc bài thấy quá già dặn nên khen "Bác viết hay quá", thì được trả lời "chị ơi! em mới 17" vì thấy tôi tên giống con gái. Những lúc như thế, trời ơi ước chi có được chữ You trong tiếng Việt.


Huyền Lam


Những Ngày Tuyết Rơi 2008

Thursday, November 27, 2008

Kỷ Niệm 700 Năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông



Hôm nay kỷ niệm 700 năm ngày giỗ Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh đã đánh bại tất cả cuộc xâm lược Mông Cổ vào nước Đại Việt. Đoàn quân viễn chinh Mông Cổ tung hoành từ bắc đến nam, từ Âu sang Á tưởng không một lực lượng nào cản được, thế nhưng dưới sự lãnh đạo tài ba của Trần Nhân Tông, vó ngựa Nguyên Mông đã bị đốn ngã thảm thiết.


Sau khi đánh đuổi ngoại xâm, Trần Nhân Tông đã ban hành nhiều chính sách an dân, dưỡng dân, thâu thập nhân tài nhằm phát triển đất nước phồn thịnh, nhân dân ấm no hạnh phúc trong một xã hội đạo đức. Sau khi đất nước đạt được những điều trên, Trần Nhân Tông đã rủ bỏ ngai vàng, coi quyền lực như ảo ảnh hư vô và dấn thân làm thiền sư chân đất đi khắp đất nước nam dạy cho người dân ăn hiền ở lành góp phần tạo nên xứ Đại Việt thành một quốc gia giàu mạnh, đạo đức, công bằng nhất thế giới thời bấy giờ.


Không những thế Thiền Sư Trần Nhân Tông đã sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm với những triết lý đạo Phật sâu sắc giúp người dân vừa trọng đạo vừa yêu tổ quốc, đặt tổ quốc lên hàng đầu qua lối sống đạo và hành đạo mà không một lực lượng ngoại bang dù dưới hình thức nào lay chuyển được.


Trần Nhân Tông là một sự kiện lịch sử độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam. Một nhà vua uy vũ đại tài, một thiền sư đức độ đạt thành Phật qủa, một nhà văn hoá, triết gia uyên thâm.


Hôm nay xin được đem lòng biết ơn, ngưỡng vọng quy kính đến Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Wednesday, November 5, 2008

Obama - Cuộc Cách Mạng Bằng Lá Phiếu



Chưa bao giờ đất nước Hoa Kỳ trở mình như đêm nay. Tại quảng trường mỗi thành phố,hàng trăm ngàn người dân tụ tập, cầm cờ vươn cao, hò reo ăn mừng chiến thắng của Obama khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ rộng lớn. Cảnh tượng rạo rực, nóng bóng đầy nhiệt huyết tưởng chỉ có thể xảy ra bằng cách mạng hay khởi nghĩa, không ngờ lại có thật ngay tại đất nước này. Người dân nước mắt chảy dài sung sướng hạnh phúc khi thấy phe đảng diều hầu của Bush bị đẩy lùi. Đây đúng là một cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Một cuộc cách mạng của người dân lao động, chống chiến tranh, một cuộc cách mạng chấm dứt kỳ thị màu da, một cuộc cách mạng chống tài phiệt dơ bẩn!


Điều vĩ đại nhất của cuộc cách mạng này là nó được thực hiện qua lá phiếu của người dân. Một cuộc cách mạng ôn hoà theo đường hướng đặt người dân ở vai trò chọn lưạ cho sự thay đổi của mình.


Anh Obama đã thắng vinh quang, Anh Obama, người bị phe đối lập tặng cho danh hiệu socialist (Xã Hội Chủ Nghĩa) đã vượt qua bao chướng ngại để trở thành tổng thống của đất nước quan trọng chi phối toàn cầu. Con đường trước mặt đầy khó khăn, thử thách, Obama có thể không giải quyết được hết các căn bệnh Hoa Kỳ nhưng anh là người đã huy động được toàn dân, vận dụng toàn dân nhập cuộc để đối diện, giải quyết cơn bệnh hiểm nghèo.




Cám ơn anh đã cho người lao động niềm hy vọng. Cám ơn anh đã cho những người da màu có được niềm tin. Cám ơn anh đã cho nhân dân thế giới một niềm tin Hoa Kỳ sẽ không còn hiếu chiến. Cám ơn anh đã cho tuổi trẻ nhận thức được năng lực vô tận của mình.












Tuesday, November 4, 2008

Ngày Bầu Cử Tổng Thống



Có lẽ chưa bao giờ ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ lại được quan tâm, quan trọng như kỳ này. Nhiều nơi người dân xếp hàng 5, 6 tiếng để bỏ lá phiếu của mình. Lần đầu tiên số người dân đi bầu tăng đáng kể, trong đó thành phần trẻ tham dự rất hăng say dù rằng trước đây họ rất thờ ơ với chính trị. (Luật pháp Hoa Kỳ không bắt dân phải đi bầu, thông thường chưa tới 1/2 người đi bầu)


Cuộc bầu cử lần này khác xa những lần trước vì người dân Hoa Kỳ phải lưạ chọn ứng cử viên có đường lối khác nhau:


Một McCain mấy mươi năm tại quốc hội, già dặn trong chính-trường, bị cho là (nói đúng hơn là bị chụp mũ) đã ủng hộ Bush trong 8 năm qua với đường lối diều hầu, hiếu chiến, sẵn sàng dùng giải pháp quân sự để bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ, trong đó có quyền đi xâm lăng xứ dầu hoả Iraq... McCain có lẽ không hiếu chiến như Bush vì bản thân McCain đã từng bị Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội nên phần nào hiểu được nổi buồn chiến tranh. Người dân VN với mất mát đau thương tận cùng đã không nổi giận đập chết McCain, thay vào đó đã bơi ra hồ trong muà đông lạnh giá cứu sống ông ta. Nếu không có những người dân ấy, nếu không có các bác sĩ VN chữa trị trong mấy tháng trời thì giờ đây nước Hoa Kỳ không có ứng cử viên McCain. Chủ trương McCain để cứu vãn tình hình kinh tế bi đát hiện tại không có gì thay đổi nhiều, vẫn ra sức bảo vệ tầng lớp tài phiệt vì g/đ ông ta cũng thuộc loại giàu. Chính sách của McCain bị phe đối lập cho là chính sách diều hầu tài phiệt


Một Obama trẻ trung đầy sức sống ở lứa tuổi bốn mươi, không có nhiều kinh nghiệm nhưng có tài diễn thuyết, hùng biện trước đám đông rất tuyệt vời. Anh ta là người da đen đầu tiên lọt vào vòng chung kết đã khiến nhiều người da trắng thủ cựu phải bực tức bàng hoàng. Nước Hoa Kỳ đã thay đổi nhiều trong mấy mươi năm trở lại đây, tuy nhiên sự kỳ thị về màu da vẫn âm ỉ chạy ngầm trong huyết quản của nhiều người da trắng, nhất là tại miền nam Hoa Kỳ. Obama hứa hẹn một sự thay đổi toàn diện. Về đối ngoại, Obama hứa hẹn sẽ không diều hầu và chú trọng về sự hợp tác thay vì hành động đơn phương độc đoán như Bush trước đây. Ông ta đặt người lao động lên hàng đầu, bắt người giàu phải đóng thuế cao hơn để cho người lao động bớt ngạt thở. Chính sách của Obama bị phe đối lâp cho là chính sách đầu hàng, chính sách xã hội chủ nghĩa, biến kinh tế Hoa Kỳ thành kinh tế bao cấp như VN, Trung Quốc, Nga đã từng trải qua.


Người VN sinh sống tại Hoa Kỳ cũng chia làm hai phe rõ rệt. Đa số thành phần chống nhà nước VN đứng về phe McCain. Những người này tương đối lớn tuổi hoặc nếu trẻ thì thường sinh sống tại các thành phố đông VN. Thành phần ủng hộ Obama thuộc giới trẻ, sống tản mác tại các thành phố, thị trấn ít người Việt. Họ nhìn VN và thế giới như một cộng đồng nhân loại, ít bị chi phối bởi quá khứ hoặc chính trị.


Chỉ trong vòng mười mấy tiếng nữa thôi, kết quả cuộc bầu cử sẽ được biết rõ và sẽ tác động đến toàn cầu.


Wednesday, October 22, 2008

Hiện Tượng Obama



Người Việt Nam trong nước có lẽ hơi ngạc nhiên về hiện tượng một chàng da đen tên Obama có cơ hội rất cao trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Anh chàng da đen 47 tuổi mới làm việc trong Quốc Hội chưa bao lâu lại có thể đánh bại được nhà lãnh đạo đại tài Hillary Clinton-thượng nghị sĩ bang New York trong cuộc bầu cử sơ bộ. Giờ đây trong màn chung kết so tài cùng nhà lãnh đạo đầy kinh nghiệm McCain, Obama vẫn ở thế thượng phong. Việc Obama trúng cử Tổng Thống là chuyện đương nhiên nếu không có gì xảy ra trong vòng 10 ngày tới.


Tên anh chàng da đen này và tên người cùng chung lá phiếu phó tổng thống rất lạ kỳ: Obama - Biden, nghe giống trùm khủng bố Osama Bin Laden. Đó là lý do có nhiều cái mũ khủng bố, nhiều tin hoang đường được tung ra nhằm triệt hạ anh ta. Thế nhưng người dân vẫn qúy mến, nhiệt tình đặt toàn hy vọng ở con đường anh ta vạch ra không một chút nao núng. Tấm bảng hiệu vận động bầu cử Obama-Biden được người dân gắn khắp mọi nơi, trên xe, trên phố, trên nhà. Trong khi đó Thượng Nghị Sĩ McCain với hơn 20 năm tại quốc hội, nắm nhiều vai trò đối nội, đối ngoại quan trọng được nhiều người kính nể lại đang tụt dốc thảm hại.


Sao lại có chuyện một anh chàng da đen mới chỉ cách đây 1, 2 năm vô danh tiểu tốt, bây giờ nổi lên như sóng thần?


Lý do đơn giản là nguời dân lao động Mỹ đang nổi giận!


Họ đã bị chính quyền Bush mà McCain là một bộ phận, lèo lái đất nước Hoa Kỳ xâm lăng Iraq với những chứng cớ mơ hồ, không thật. Cuộc chiến Iraq ngốn trên 500 tỷ USD trong 4 năm qua, đã tạo gánh nặng guồng máy kinh tế vì trang trải chiến phí. Đó là chưa kể trong 8 năm làm tổng thống, Bush đã phung phí tiền người dân đóng thuế vào những chuyện đâu đâu mà kết qủa giờ đây nhà nước Hoa Kỳ đang mang nợ đến rợn người. Nợ của nhà nước Hoa Kỳ hiện tại lên đến 10 ngàn tỉ USD. Số nợ này chia đều cho mỗi gia đình Hoa Kỳ là khoảng 85 ngàn USD. Với con số này làm sao mà người lao động Hoa Kỳ có tiền đóng thuế cho nhà nước để trả nợ và điều hành quốc gia, trong khi ngay chính họ còn không đủ tiền trả nhà, cho con đi học hoặc mua bảo hiểm y tế.




Thêm vào đó, chính quyền Bush vốn có nguồn gốc từ tư bản tài phiệt, đã nới lỏng các đạo luật quản lý ngân hàng cũng như thị trường điạ ốc. Lợi dụng sự nới lỏng, các trùm mafia tư bản-CIO tha hồ múa gậy vườn hoang, dùng đủ thủ thuật để dụ dân. Kết quả là dân nghe lời dụ mua nhà, mua đất đầu tư với giá cắt cổ, đến khi không trả được đã tạo nên cơn chấn động kinh tế suy sụp toàn cầu. Các trùm tư bản-CIO, tên nào tên nấy ôm hàng trăm triệu USD lượm được do các màn ảo thuật. Họ vẫn phây phởn không phải ngồi tù hoặc trả một đồng cho các hành động của mình. Ngược lại người dân lao động trong tương lai lại phải è cổ, è lưng ra đóng thêm 1000 tỷ USD tiền thuế để cứu vớt nền tài chính Hoa Kỳ do họ gây ra. Nhìn hình ảnh các trùm tư bản-CIO vẫn ung dung trên các du thuyền, chuyên cơ bạc triệu, party tại các lâu đài nhất dạ đế vương, người dân lao động nào không tức ứa máu cho được!


Obama xuất hiện đúng thời thế, cất cao tiếng nói của tầng lớp lao động đang bị áp lực cùng cực. Mặc cho các trò dơ bẩn chính trị liệng vào anh, anh vẫn đem hết tâm mình để tạo một sự thay đổi sâu rộng tại nước Mỹ. Bất cứ ở nơi đâu Obama xuất hiện, ở đó hàng vạn người vây quanh, nhìn anh, nghe anh như niềm hy vọng cuối cùng để cứu nguy đời sống họ cũng như nước Mỹ. Bởi vì nếu lần này nước Mỹ không dám đương đầu với sự thay đổi mà Obama đưa ra, nước Mỹ có nguy cơ trở thành đế quốc La Mã thứ 2, một đế quốc hùng mạnh bậc nhất ngày xưa - tàn lụi vì không duy trì nổi guồng máy và chi phí nặng nề cho các cuộc phiêu lưu của mình.

Monday, October 20, 2008

Lá Vàng Rơi


Hôm nay dậy đi làm đúng giờ.  Sáng sớm thiệt là thoải mái, pha một ly cối trà xanh Thái Nguyên thiệt đậm,  chế một ly cà phê Trung Nguyên  cái nồi ngồi trên cái cốc (phin)  thiệt nặng.   Cứ thế ta đem hai cái ly cối này vừa lái xe vừa nhâm nhi cho hết đoạn đường dài.   Sáng sớm mùa thu xứ lạnh sương mù vương toả, lá vàng lá đỏ rơì rớt trên đường thiệt đẹp, chiếc xe chạy qua, gió cuốn hút lên bay phơi phới trông lãng mạn làm sao, rồi hất tung vào xe đi sau dính đầy mặt kiếng kéo theo bụi bậm sình nước.. thiệt là dơ quá,  khó thấy đường quá !

Thôi thì hồng nào mà chả có gai, thu nào mà chả lá rơi dơ nhà!   Xe ta tiếp tục lái, nhạc ta tiếp tục nghe.  Tay này ta với lấy ly cà phê đắng, ngâm ngâm trong miệng cho vị đắng thơm tho tan vào từng tế bào âm phủ.  Bài nhạc hay quá, hứng chí ta lại huýt gió theo suýt phải phun cả nước, thả ly ca fê xuống với tay kia nâng ly trà xanh nhâm nhi vị chát của trà.  Ui chao ơi không có gì bình yên hơn, an lạc hơn trên con đường tỉnh lộ xuyên qua rừng lá bạc ngàn này.

Tiếng nhạc nhẹ nhàng êm dịu du dương  "...nai vàng đạp trên lá vàng rơi..." lái xe như thế này thì thanh bình quá, thư giản quá.

Ở xa xa hình như có bóng gì vút ra rồi dừng lại !

Hả !
Trời .....!

Tiếng thắng nghe ken két, bánh xe cà cháy mặt đường khét lẹt, khói bay mù mịt, ly cà phê, ly trà hắt tung ướt chiếc quần kẻng.   Em nai vàng đưa hai đôi mắt to đẹp ngơ ngác với cặp sừng cong cong thản nhiên đứng giữa đường nhìn ta như thầm trách:  - sao nhào tới gần em quá vậy!

Bước ra xe với chiếc quần ướt như em bé lỡ dại:  - Nai ơi, ta biết em đẹp rồi, nhưng em đâu cần đứng giữa đường như thế!  Vào trong đi, không thôi chết vì đẹp á !  Ta còn đi làm nữa mà !


Sunday, October 12, 2008

Nơi Chốn Bị Lãng Quên



Có thể nói rằng hầu hết nhân dân thế giới nhìn về nước Mỹ như một cường quốc kinh tế, kỹ thuật, quân sự mà không có quốc gia nào sánh bằng. Hoa Kỳ là đất nước mà người dân trên thế giới tìm về nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Phim ảnh Hoa Kỳ chiếm lĩnh, đè bẹp thị trường thế giới và đã tạo ra nếp sống văn hoá Hoa Kỳ lây lan sâu rộng trong mỗi dân tộc.


Tuy nhiên trong tiềm thức người dân thế giới khi nghĩ đến Hoa Kỳ có lẽ họ không bao giờ nghĩ đến người dân gốc chính hiệu Hoa Kỳ, nói theo tiếng Anh: Native American! Nói theo tiếng Việt dịch đúng nghĩa khi người Âu Châu mới đến cư ngụ tại lục địa châu Mỹ: Red-Skin-Da Đỏ.


Người Việt Nam khi nghĩ đến nước Mỹ có lẽ trong não trạng không hề có hình ảnh người dân bản xứ Da Đỏ này. Cách đây chỉ hai ba trăm năm, người dân bản xứ Hoa Kỳ Da Đỏ hồn nhiên sinh sống với đồng cỏ bạt ngàn, rừng núi hùng vĩ và biển cả mênh mông. Họ sống thân thiện cùng môi trường, bảo vệ thiên nhiên và không hề muốn tích lũy của cải vật chất để gây nguy hại đến mọi loài, mọi vật. Tuy nhiên khi người Âu Châu đến đây, họ đã bị tiêu diệt gần toàn bộ. Hai mươi triệu đồng bào của họ ngày ấy nếu không bị giết hại thì bây giờ có lẽ đã lên đến hàng trăm triệu. Ngày nay với số dân vài trăm ngàn bị dồn ép phân tán vào các làng "tự trị" rải rác khắp nước Mỹ, thổ dân da đỏ đang có nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn. Các làng tự trị, nhiều làng giờ đây leo ngheo vài ông già bà lão sắp qua bên kia thế giới.


Có ghé thăm làng người da đỏ mới thấy họ tội nghiệp và nghèo làm sao. Họ như bị thế giới ngoảnh mặt quên đi và cả người dân nước Mỹ cũng ít ai biết đến. TV, Phim ảnh chẳng mấy khi chiếu về đời sống người Da Đỏ này. Họ sống tàn lụi trong các căn nhà siêu vẹo bên các đống phế liệu phản cảm, họ ngụp lặn trong rượu thuốc để quên đi cái làng tự trị tù tùng.


Người VN sinh sống tại Hoa Kỳ trước đây có lẽ cũng chẳng hề để ý đến người da đỏ. Những năm gần đây người Việt gốc Mỹ ghé thăm làng tự trị Da Đỏ rất nhiều. Một số người ghé hằng đêm. Họ đến đây chẳng phải để ngưỡng mộ người dân bản địa chính gốc hiền hoà, hiếu khách. Người Việt đến đây để đánh bài tại các casino do tài phiệt da trắng xây dựng tại các làng tự trị để tránh luật lệ khắc nghiệt.


Rất nhiều ca sĩ Việt Nam qua Hoa Kỳ trình diễn, và hầu hết các ca sĩ đều đổ bộ đến làng tự trị da đỏ. Có lẽ không có một mống nào biết da đỏ ra làm sao. Tất cả đến để ào vào sân khấu tại Casino trình diễn và rút đi cũng không hề biết nơi mình đến. Và cứ thế cả thế giới ngoảnh mặt "vô tình" quên.... Người thổ dân Da Đỏ trở thành cái gì đó xa lạ ở hành tinh xa xôi nào chứ không phải là chủ nhân nguyên gốc của vùng đất này.

Friday, June 27, 2008

Trên Từng Giấc Mơ

Ngày vượt biên ra đi, sống trên đất tha hương tôi có những giấc mơ đầy mồ hôi lạnh. Hồi đó một lần đi là một lần vĩnh biệt vì không thể liên lạc được với bên nhà, không phone, không fax, không email và dĩ nhiên làm gì có chuyện đi máy bay về thăm quê hương. Giấc mơ của tôi ngày ấy là thấy ba mẹ, các em mình bị đói, bị bịnh chết trên vùng kinh tế mới, hoặc đi ăn xin giành giựt từng miếng cơm thừa canh cặn trong thời bao cấp. Mỗi lần thức dậy, tôi thấy người đổ mồ hôi, nghẹn ngào mong sao gia đình mình bên nhà không lâm vào cơn khốn khó.

Cuộc đời vô thường, luôn biến đổi và VN cũng nằm trong quy luật ấy. Chuyện một lần ra đi tưởng một lần vĩnh biệt té ra không hẵn như thế. Mười năm sau tôi đáp máy bay về thăm quê hương với lòng bồi hồi xúc động rơi nước mắt. Tại quê nhà tôi lại có những giấc mơ toát mồ hôi lạnh. Tôi mơ thấy mình trước khi đi quên tắt bếp gas, quên trả tiền hoá đơn bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, tiền nợ thẻ tín dụng, tiền trả góp xe, tiền điện thoại, TV, tiền nước, cống, điện...và quên dặn ông bưu điện giữ hộ thư giùm .... và kết qủa là khi tôi về bị một đống tiền phạt trả không nổi...có nguy cơ làm kẻ vô gia cư. Khi thức giấc nửa đêm trong tiếng kêu của mấy con thằn lằn, tôi toát mồ hôi, bàng hoàng rà soát lại trí nhớ của mình có quên những cái đó không đây!

Về lại bên này thì tôi mơ thấy mình ở bên VN ham vui lấy xe máy chạy bon bon tông nhằm cục cưng của đại gia và bị tôi tớ đại gia vây quanh la hét đòi làm thịt mình. Cuối cùng khi giải quyết xong thì trễ hết cả tháng mới về lại Mỹ bị mất công ăn việc làm. Dĩ nhiên là toát mồ hôi lạnh rồi.

Thường thường những chuyến đi xa thường làm tôi có giấc mơ lạ kỳ. Như trong chuyến tham dự lễ hội hải tặc tuần qua mà tôi đăng trong post vừa rồi, khi về lại nhà tôi nằm mơ thấy một nữ hải tặc vô cùng xinh đẹp rủ vào quán uống một ly bia cho thấy sóng gió đại dương, Uống vài ngụm bia, nàng hải tặc duyên dáng cười nói những điều êm lỗ tai không thể tả. Bỗng nhiên một tốp hải tặc khoảng mấy mươi mạng xuất hiện, nàng mừng rú lên: ui những người bạn quý của tôi! Nàng kêu bồi gọi bia, rượu cho đoàn hải tặc uống và nhoẻn miệng cười với bồi, chỉ vào tôi: anh này bao hết đấy! Tôi sửng sốt vì biết mình không còn tiền! Kiểu này chắc bị chủ tiệm kêu cảnh sát nhốt quá!

Khi thức giấc, bên cạnh mồ hôi lạnh tôi còn đi kiếm cái ví coi hoá đơn bao nhiêu tiền. Mở ví ra thấy tấm danh thiếp của nàng hải tặc hẹn năm sau phối hợp làm một gian hàng bán pop-corn gây qũy cho ban tổ chức mới biết mình nằm mơ!

Ôi những giấc mơ của tôi!

Monday, June 23, 2008

Hải Tặc Quần Hùng


Hằng năm khi tia nắng hè ấm áp đầu tiên đến với miền Tây Bắc xứ cờ hoa thì những hải tặc từ năm châu bốn bể lại tìm về một thị trấn ven biển để mở hội quần hùng. Hai chữ hải tặc nghe đến ai cũng khiếp đảm nhưng qua ống kín của Disney, hải tặc nhà ta biến thành những chàng và nàng dễ thương hết biết! Cũng vì thế ngày càng nhiều người muốn mỗi năm làm hải tặc một lần. Đó là chưa kể đến chó mèo cũng làm hải tặc.

Đến với lễ hội hải tặc chúng ta sẽ bắt gặp những nàng hải tặc xinh đẹp tuyệt trần, chỉ nụ cười và ánh mắt tươi vui chiếu về cũng đủ làm trái tim chàng xao xuyến. Và cũng biết bao chàng hải tặc đa tình, đẹp trai, hỏm hỉnh như Jack Sparrow chỉ vài câu giao duyên đã đủ làm nhiều thiếu nữ xin được chụp chung hình làm kỷ niệm.

Ở nơi hội hải tặc quần hùng, ta cứ đi và ngắm hết hải tặc già đến trẻ, hết hải tặc ốm đến mập, hết hải tặc làm bước chân ta muốn dừng lại cho đến hải tặc rợn da gà chỉ mong hai chữ bình an.


Hải Tặc Mập Đấu Nhau Giữa Đường

Không KHí Ngày Hội Hải Tặc

Hải Tặc Chó

Hải Tặc Bán Nước Ngọt

Hải Tặc Đêm Về Sẽ Nhớ

Hải Tặc Jack Sparrow hóm hỉnh làm tim nhiều nàng lộn nhịp

Hải Tặc Làm Bước Chân Nhiều Chàng Chậm Lại

Sunday, January 20, 2008

Toà Khâm Sứ - Chùa Báo Thiên: Mong Nghĩ Niềm Chung

Năm 1981 xa lìa quê hương tưởng không bao giờ gặp lại, lắm lúc nhớ da diết mảnh đất nghèo nhưng chỉ biết ruột đau chín chiều. Mọi phương tiện liên lạc với bên nhà khó khăn trăm bề như ở một hành tinh xa lạ nào. Thỉnh thoảng có ai đó từ Âu Châu gởi cho vài tấm hình quê hương thấy mừng ra nước mắt.

Cuộc đời vật đổi sao dời, thế gian vô thường có gì bất biến đâu, năm 1986 VN sau những chính sách sai lầm trầm trọng đã có những dấu hiệu cải tổ nhằm đưa đất nước đi lên. Mùa hè năm 1991 sau mười năm xa xứ, tôi có dịp về thăm quê hương lúc đất nước đang chập chững chuyển mình thay đổi để vươn lên. Đã từ lâu tôi ước ao đến thăm Hà Nội, nơi chốn ngàn năm văn vật váng bóng một thời. Ngày ấy trên đất ly hương, đọc sử Việt Nam do ngoại quốc lẫn dân ta viết, trong đầu tôi: Thăng Long là một gì đó rất thiêng liêng, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Nơi đó nhiều vị vua anh minh, đạo đức thương dân vừa dũng cảm kiên cường, đến khi xong việc bỏ lại ngai vàng đi làm thiền sư chân đất chu du thiên hạ để dạy con người ăn lành ở lành. Chính những vị vua này đã tạo nên một đất nước cường thịnh đầy lòng nhân ái, bên cạnh đánh bại thế lực ngoại xâm từ phương Bắc, trong đó có vó ngựa Mông Cổ từ Á sang Âu tưởng chừng không ai chống lại được nhưng đã bị đốn ngã.

Đáp chuyến xe lửa cà xịt cà tàn, tôi đến Hà Nội vào buổi sáng sớm tháng 4, đi xe ôm về Kim Liên thăm người bác. Đường xá Hà Nội dạo ấy rất vắng vẻ yên tĩnh, đường rộng người thưa, với bao cây cối ao hồ làm cảnh nên thơ. Ở chơi một tuần tại Hà Nôi, lang thang hết phố phường này đến làng xóm nọ, trong đó có vài ngôi chùa cổ kính. Tuy nhiên cứ thắc mắc mãi sao chùa ở Hà Nội nhỏ bé quá, chẳng lẽ nơi kinh thành gần 1000 năm Phật giáo là quốc giáo với các vì vua yêu mến đạo Phật, vua cha, hoàng tộc, quan quân đi tu không phải là ít. Chẳng lẽ mỗi lần lễ lược, hoàng gia phải chui vào các ngôi chùa có không gian chật hẹp chứa không được một vài trăm người. Hằng bao thế kỷ từ lúc chọn Thăng Long làm kinh thành, những ngôi chùa đáng lẽ ngày càng được bồi đắp rộng lớn trang nghiêm một vùng, nay nó đâu rồi. Đem thắc mắc đi hỏi người quen người lạ, ai cũng ẩn trong lòng một niềm đau dân tộc:

"-tụi Tây, tụi Việt gian nó phá tan tành hết mấy ngôi chùa lớn rồi, nó lấy đất, lấy gạch xây ...."

Di sản văn hoá quê hương tích tụ từ bao khối óc con tim lẫn niềm tin từ ngàn năm đã bị ngoại xâm, nội gián xoá tan xóa sạch chỉ cách một trăm mấy chục năm đây thôi. Nỗi đau này theo thời gian nằm yên trong lòng đa số người dân Việt quan tâm đến di sản văn hoá lẫn Phật giáo, bỗng nhiên được khơi dậy trong những ngày cuối năm. Tất cả các tờ báo Việt ngữ và website tại hải ngoại không ít thì nhiều đang nói đến sự kiện một số giáo dân nhiều ngày qua thắp nến yêu cầu nhà nước trao trả toà khâm sứ được tịch thu vào năm 1959, cách đây gần 60 năm. Nhiều tờ báo trang web dùng nhiều từ ngữ nghe đến đã thấy viễn cảnh máu và nước mắt. Sự kiện này làm cho nhiều người ngoài cuộc tại Việt Nam lẫn trong nước đi tìm rõ căn nguyên: Thì ra Toà Khâm Sứ và Nhà Thờ Lớn Hà Nội vốn là ngôi chùa Báo Thiên được tạo dựng trên cả ngàn năm, một trong 4 báu vật qúy giá nhất Việt Nam đã bị thực dân Pháp phá tan vào năm 1883, tức chỉ có 77 năm trước khi bị nhà nước thu hồi. Ngày ấy biết bao người con của mẹ Việt Nam đã anh dũng vùng lên chống lại tội ác man rợ hủy hoại văn hoá quê hương của thực dân Pháp, biết bao người đã bị bị chặt đầu đem bêu ở chợ. Không phải chỉ Báo Thiên mà những ngôi chuà lớn Báo Ân, Huyền Trân, Liên Trì, Chùa Táo tại Hà Nội đều bị chung số phận, và ngoài ra vô số những ngôi chùa, đền, miếu khác trên toàn cõi Việt Nam.

Những người đồng hương thắp nến là những người Việt đáng yêu, tốt bụng, không biết bao nhiêu người trong lúc thắp nến có nghĩ đến niềm đau, nổi nhục ê chề toàn thể dân tộc cách đây 125 năm phải chứng kiến cảnh thực dân Pháp và Việt gian phá đi một trong bốn báu vật quê hương để thay vào đó một nơi chốn người ta đang cầu nguyện đòi lại do thực dân Pháp tạo dựng. Người ta có cảm được niềm đau chung của toàn dân tộc không, hay chỉ cảm được niềm riêng của mình. Những ngón nến đánh thức người ta đi tìm sự thật và đau buồn theo nổi đau quê hương trước bao nghịch cảnh phủ phàng do ngoại xâm đem lại. Cây nến được thắp lên chưa biết ai được ai mất, nhưng giúp cho nhiều người dân Việt thấy được nguồn gốc căn cơ của vấn đề và thật tình không hay ho cho lắm. Trong môi trường nhỏ, vấn đề này dễ làm mếch lòng tình bạn thắm thiết bấy lâu vì cách suy nghĩ khác nhau.

Trong môi trường lớn, Không khéo những ngọn nến này mở màn cho nhiều ngón nến từ nhiều nguồn khác nhau có cơ nguy thiêu rụi mái nhà Việt Nam. Một viễn cảnh các tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hảo, Phật Giáo từng bị thực dân Pháp, độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp lấy đất đai, phá tan chùa chiền đền miếu để xây dựng.... sẽ đứng lên đòi lại. Con cháu của các ngài địa chủ và thực dân bên Tây cũng đòi lại các đồn điền mà họ đứng tên trước đây. Đó là chưa kể hàng trăm trường học của Phật giáo và các tôn giáo khác, cơ sở cô nhi, nhà thương được nhà nước trưng dụng sau ngày thống nhất. Và rồi người Champa đòi lại đất, miền cao nguyên đòi độc lập mà lực lượng Fulro luôn chủ động từ thời Pháp, người Khơ-Me đồng bằng sông Cửu Long muốn gia nhập lại mái nhà mẹ Cam-bốt của mình, người Tày, người Nùng muốn nối bàn tay lớn với đa số anh em bên Trung Quốc... Một cuộc khủng hoảng đầy máu và nước mắt có nguy cơ xảy ra, cuối cùng chẳng ai còn lại gì ngoài thịt xương tan rã.
Chỉ cần một kẻ xấu, gián điệp lợi dụng gây đổ máu đến nhân viên an ninh hoặc người cầm nến, tình hình sẽ biến động căng thẳng. Không khéo ta trúng kế ngoại bang để ta sẽ đánh ta lộn tung xèo như thập nhị xứ quân. Ngoại bang thấy ta đang bận rộn hao tổn năng lực tha hồ vào lượm đảo lượm đất, lượm tài nguyên như trước đây. Mong sao nhà nước, người cầm nến lẫn người dân bình thường thấy được toàn thể vấn đề để chọn con đường cho toàn dân được an cư lạc nghiệp. Mong thay tất cả đặc quyền lợi tổ quốc lên trên, vì tổ quốc yếu đi tất cả đều bị ảnh hưởng, ngoại trừ phải làm kẻ tha phương như người viết bài này cứ khắc khoải với niềm đau nửa nạc nửa mỡ.

Huyền Lam - 20/1/2008