Saturday, August 7, 2010

Về Miền Đông - Phần 2 - Trên Đường Đến Virgina Beach






Cộng đồng người Việt tại Boston không đông bằng Cali, Texas hay Washington, có lẽ cũng được 40, 50 ngàn người.  Chợ, nhà hàng Việt Nam nhiều nhưng không tập trung thành khu phố như các tiểu bang khác.   Chợ VN bán nhiều hải sản tươi sống, nhất là tôm hùm được chứa trong các hồ kiếng.  Tôm hùm là đặc sản của miền này.   Người Việt đến chơi Boston, khi ra về thường mua đóng thùng đem theo.   Tôm hùm Boston không đẹp như tôm hùm Việt Nam.  Tôm Boston có 2 càng to tướng, trông rất dữ dằn.  Tôm VN không có càng, có nhiều râu, thân hình hoa văn đẹp mắt, sau khi hy sinh cho miếng ăn con người, vỏ tôm còn được làm đồ trang hoàng.
Tôm Hùm Boston (hoặc Maine)

Tôm Hùm Việt Nam


Boston cũng có nhiều chùa, hoạt động khá hữu hiệu, nhất là những ngôi chùa thực tập theo thiền phái Trúc Lâm của thầy Thanh Từ.

Ở chơi Boston được 3 hôm, chúng tôi thuê xe lái đi thăm các điểm du lịch như dự tính ban đầu.   Khởi điểm sẽ xuất phát từ Boston đi xuống phiá nam đến Virgina Beach (A-B) Từ Virgina Beach sẽ đi ngược lên phía bắc đến Washington DC (B-C), Atlantic (C-D), New York (D-E), Connecticut (E-F), Canada-Niagara Fall (F-G), trước khi xuôi nam trở về lại Boston (G-A) để bay về tiểu bang nhà.  Tổng cộng tất cả là 3339 ki-lô mét lái xe(2075 Miles) cho chuyến đi 14 ngày.

Đoạn đường từ Boston đi Virgina Beach dài gần một ngàn cây số, lái xe ngồi ê cả mông.  Tôi muốn đi nơi đây vì nghe nói biển, khung cảnh như Waikiki Hawaii.  Không giống như miền tây Hoa Kỳ, chạy xe từ cực bắc biên giới Canada đến cực nam Mexico không tốn phí cầu đường.  Ở miền đông, chạy trên xa lộ cứ vài tiếng phải trả tiền.  Có nơi thu 50 xu (1/2 đô), có nơi thu 5, 10 đô la.

Chạy được nửa đoạn đường, tôi tách khỏi xa lộ liên bang, đi vào tỉnh lộ vài trăm cây, tuy chậm một hai giờ nhưng biết được thực tế khung cảnh, đời sống hơn.  Xe chạy qua nhiều cánh đồng bắp bạt ngàn.  Người ta trồng bắp không để ăn nhưng để làm cồn trộn xăng.  Rau quả màu xanh thẳng tấp  tới tận chân trời như không bao giờ ngừng.  Thỉnh thoảng vài biệt thự cổ xưa trơ trọi trên các cánh đồng mênh mông ấy.  Có lẽ đây là trang gia của các điền chủ ngày xưa hành xác nô lệ người da đen trên các cánh đồng này để tạo nên giàu mạnh cho bản thân mình.


Cũng trên cánh đồng ấy, ngày nay người Mễ (châu mỹ La-Tinh), từng đoàn đi thu hoạch hoa màu.  Vợ chồng con cái, kẻ hái người khiêng, lúp xúp dưới ánh nắng oi bức mùa hè.  Nước Mỹ nếu không có người Mễ qua đây làm lậu, hoặc làm tạm thì một trái táo, bó hành, bó rau, miếng thịt sẽ mắc gấp 3, 4 lần.  Đã qua rồi thời nô-lệ ép buộc.  Ngày nay do sự bất công trong giá trị đồng tiền giữa các quốc gia, cộng thêm hoàn cảnh kinh tế tại cái nước kém mở mang đã đem lại nguồn nô lệ mới tự nguyện.   Đến mùa thu hoạch, người Mễ kéo qua Mỹ vô số, từng vài chục người nhét chung trong căn nhà bẩn thỉu chật hẹp. Họ làm từ sáng đến nắng tắt chỉ để kiếm 1/3, 1/2 mức lương tối thiểu của người Hoa Kỳ.  Luật lao động của nước Mỹ cho phép trẻ em làm nông nghiệp là nhằm để thu hút thêm nguồn nhân lực từ giới lao động này vì người Mễ họ làm chung cả gia đình.   Ngày nay hầu hết các nhà hàng, chợ buá của người Việt đều mướn người Mễ vì rẻ hơn mướn người Mỹ hay người Việt!

Sau hơn 10 tiếng lái xe cho đoạn đường 900 cây số, chúng tôi đến trạm thu phí qua cầu Cheaspeake Bay trước khi chạy thêm 50 cây số để đến Virgina Beach.  Tôi chuẩn bị vài đô La và khi nhìn vào tẩm biển thu phí 12 đô la để qua cầu, tôi giật mình, không ngờ qua cây cầu này mắc như vậy.   Thế nhưng khi lái xe trên cầu, chạy giữa biển cả mênh mông không bến không bờ, mới thấy 12 đô la quả tình quá nhỏ bé cho kỳ quan có một không hai trên thế giới này.  


Cây cầu dài 37 cây số bắc qua eo biển Cheaspeake Bay.  Do cầu quá dài nên không thể làm cầu treo, người ta cho đóng trụ bê tông làm cầu gần mực nước biển.  Cảm giác chạy trên cầu vừa sợ sợ vừa thích thú.  Ta thấy mình như lái xe trên biển, sóng nước kề cận dưới chân, nhìn phiá trước không thấy đâu bến bờ, chạy hoài, chạy mãi vẫn chưa thấy qua hết cây cầu.  Đang chạy bổng nhiên thấy mình chui tụt vô hầm, rồi trồi lên giữa biển cả một cách lạ kỳ.


Vì không là cầu treo, để tàu lớn có thể qua lại eo biển, người ta cho làm 2 hòn đảo nhân tạo nhằm tạo  2 đường hầm mỗi bên dài 2 cây số để xe chạy dưới lòng biển và để tàu lớn có thể đi qua eo biển.  Cây cầu Cheaspeake Bay Bridge-Tunnel là một trong 7 kỳ quan kỹ thuật do con người tạo dựng (Seven Engineering Wonders of the Modern World).  Có lái xe qua cầu mới thấy được sức mạnh của con người.

...còn tiếp

Huyền Lam

Ngày 7 tháng 8 năm 2010

No comments:

Post a Comment

Góp ý: