Saturday, May 22, 2010

Mấy đoạn thăng trầm

Đọc lá thư chứa đầy chán chường, tuyệt vọng, tôi bâng khuâng mãi không biết nên viết thế nào để khuyên em đây.   Mất một công việc tốt đúng với sở thích, lương cao  mà em hằng gắn bó bấy lâu là điều dễ nản lòng.  Nhất là việc làm đầu đời của mình sau khi tốt nghiệp.  Người Việt Nam chúng ta thường biết chuyện ngụ ngôn "Tái ông mất ngựa" để nói về hên xui, may rủi không biết đâu thật giả.  Tôi kể cho em chuyện này có nội dung tương tự, đây là câu chuyện thật mà thế hệ cha ông chúng ta nhiều người trải qua.  Tôi xin gác bỏ yếu tố chính trị trong câu chuyện mà chỉ nói đến tính chất nhân sinh.  Mong rằng khi em đọc xong, nổi tuyệt vọng sẽ tan đi...


Bác Nam và bác Nghĩa là hai người bạn thân thiết sinh ra lớn lên trong một ngôi làng miền trung.  Sau khi đất nước bị chia đôi, hai bác đến tuổi đi lính nên phải gia nhập quân đội miền nam.   Vì có bằng cấp nên cả hai được vào trường sĩ quan.  Ra trường cả hai lấy vợ và cùng sống gần nhau trong khu cư xá sĩ quan tại thành phố Đà Nẵng.   Bác Nghĩa do được cấp chỉ huy nâng đỡ, xuất quân ra trận ít khi bị "nạn" nên được thăng cấp nhanh chóng.  Cả khu cư xá người nào cũng cho bác Nghĩa may mắn, sự nghiệp hanh thông.  Bác Nam thì binh nghiệp trầy vây tróc vẩy, khi bạn ở cấp Đại tá thì mình chỉ là Thiếu tá dù những trận bác Nam tham gia toàn những trận có tính quyết định.  Ai cũng cho là Bác Nam xui, làm nhiều hưởng ít, bị thương mấy trận, xém chết mấy lần!


Sau khi thống nhất đất nước, sĩ quan cấp úy trở lên phải đi học tập cải tạo.  Cấp tá thường bị đi cải tạo 5 năm.  Bác Nam do có bà con bên vợ làm cách mạng bảo lãnh nên chỉ đi học tập đúng 2 năm được về.    Mọi người ai cũng mừng cho bác Nam may mắn được về sớm.  Trong khi đó bác Nghĩa đi học tập năm này qua năm nọ, vợ con bạn bè ngóng trông.  Hết người này được thả đến người khác, nhưng bác Nghĩa "xui xẻo"  7 năm sau mới được trở về.


Đầu năm 1990, Mỹ và VN ký lộ trình bang giao, trong đó có sĩ quan cải tạo từ 3 năm trở lên qua định cư tại Mỹ.  Bà con bên bác Nam to nhỏ rằng:  bác xui xẻo có bà con bên vợ làm cách mạng làm chi để không được đi Mỹ.  Bác Nam chấp nhận cuộc sống của mình, bao giờ cũng mang ơn người vợ và người bà con bảo lãnh.  Trong khi bác Nghĩa chờ đợi đi Mỹ, bác Nam cùng vợ con tiếp tục canh tác khu vườn trái cây rộng lớn tại Bình Dương mà gia đình bác khai khẩn sau khi đi học tập về.   Những người sĩ quan chế độ cũ  sống gần bác Nam cũng năn nỉ bác mua lại ruộng vườn của mình để có tí tiền làm giấy tờ ra đi.  Dạo ấy đất vườn rẻ như bèo nhưng bác Nam thương các chiến hữu ngày xưa nên cũng ráng góp nhặt mua giùm cho nhiều người.  


Bác Nghĩa qua Mỹ tuổi đã gần lục tuần, việc làm khó khăn, bác chỉ có thể làm công việc không đòi hỏi chuyên môn. Tuy nhiên bác cũng may mắn kiếm được việc dọn dẹp phòng ốc tại khách sạn với đồng lương đủ sống.  


Nhiều năm sau, kinh tế VN phát triển, vùng đất Bình Dương trở thành đất bạc, đất vàng.  Với hàng chục mẫu vườn rộng lớn, bác Nam trở thành triệu phú USD.  Bác khôn khéo chỉ bán một nửa làm vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất đồ gồ xuất khẩu, còn lại bác dùng đất ấy xây dựng quán hàng, du lịch vườn.  Con cháu bác đi ký giao kèo thương mại, tu học, đi du lịch ngoại quốc hằng năm.


Một hôm bác Nghĩa về VN ghé thăm người bạn nối khổ.  Hai bác ngồi uống trà, kể chuyện đời của mình qua chặng đường hên xui.  Cả hai bác cùng kết luận rằng may mắn hên xui không biết đâu thật giả, trong bối cảnh nào cũng phải cố gắng vươn lên, sống chân thật bằng tấm lòng và lương tâm mình.  Điều thật cao qúy nhất giữa hai người là tình bằng hữu trải qua bao năm tháng lên xuống mãi còn đó trong tim.   

Huyền Lam
Ngày ghé miền Đất Cảng - Oregon 5/2010

No comments:

Post a Comment

Góp ý: