Sunday, August 28, 2011

Huế - Huyền Không Sơn Thượng - Đức Sơn Tự - vài dòng tâm tình

Tôi đến  phi trưòng Phú Bài Huế vào buổi chiều hè sau một tiếng bay từ Hà Nội.   Huế cảnh vật vẫn trầm lắng như xưa, mức đô thị Hoá không đến nỗi như các thành phố khác nên nhìn Huế nên thơ, dịu dàng như thưở nào.   Đọc báo chí trong nước, nghe nói Huế có cơ may trực thuộc Trung Ương và chính quyền đang tính đến phát triển đô thị văn minh cho Huế.  

Ước mong sao người ta sẽ cải tạo Huế sạch hơn, đẹp hơn, xanh hơn nhưng đừng có xây nhà cao tầng  nơi chốn tao nhã này.  Muốn phát triển đô thị cho Huế, nên phát triển cách Huế chừng 15-20 cây số để khỏi làm hư hao nét cố đô.   Huế mà đô thị hoá như Đà Nẵng, Nha Trang thì đâu còn cố đô Huế nữa.  

Cũng như bao người đến Huế, tôi cũng đi thăm lăng tẩm, thành quách dù đi đã nhiều lần.  Một buổi sáng sớm tôi quyết định đi Huyền Không Sơn Thượng. Từ trung tâm thành phố đến đây  tốn hơn 30 phút và đường đi rất xấu, hầu hết là đường đất, lên xuống quanh co giữa núi đồi, nhồi lên nhồi xuống vui như xích đu.

Đến Huyền Không Sơn Thượng làm tôi nhớ hai câu thơ Tố Hữu:  “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.  Ở nơi đây thì tôi liên tưởng:  Với sức người, sỏi đá cũng nên thơ.  

Một vùng sỏi đá giữa rừng núi được sư Giác Đức chỉnh trang qua nhiều năm thành nơi chốn thiền môn tao nhã, kiến trúc hài hoà tinh tế cùng thiên nhiên.  Khi đến đây ta bỗng không muốn nói gì nhiều, bao tham sân si đời thường bỗng nhiên biến hết, ta chỉ biết đi, thở nhẹ thở sâu, cảm nhận được tuyệt tác mỹ thuật do các bậc tu hành tạo ra hoà quyện với núi rừng thanh tịnh.    

Nếu khi đến đây có điều chi giận hờn hay nãy sanh lòng tham thì khi rời đây chắc chắn những căn bệnh ấy được giảm đi phần nào.  Có lẽ đây là Huyền Không Sơn Thượng mà sư Giác Đức muốn gởi đến con người.     Cá nhân tôi chưa bao giờ gặp được sư Giác Đức nhưng rất mê thơ của thầy qua bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh.   Đến thăm Huyền Không Sơn Thượng, tôi mới hiểu vì sao nhà sư này có những bài thơ như sấm sét giữa núi rừng, như mưa rào nhẹ nhàng trên mái lá.

Buổi chiều trước ngày vào Đà Nẵng, tôi ghé thăm cô nhi viên chùa Đức Sơn do ni sư Minh Tú điều hành.  Lần nào đến Huế tôi cũng ghé thăm cô và chứng kiến cơ sở ngày càng tốt hơn cho các em, nhưng các em vào đây cũng đông hơn.   Hôm tôi đến có hơn ba trăm em, gôm từ sơ sinh cho đến tuổi trung học.  Mấy mươi năm qua đã bao thế hệ các em lớn lên tạo nên cuộc sống mới, cũng không ít các em về thăm lại chùa xưa giúp đỡ các em mới vào.   Công việc ở Cô Nhi Viện nói chung không thể nào hết việc được.  Nặng nề nhất là phần lo cho các em sơ sinh, và các em ở lứa tuổi dưới 3.  Tôi đã chứng kiến cảnh một sư cô chăm coi 20 em tuổi từ 1 đến 3 một cách rất khó khăn.  Nếu không là người tu hành, khó lòng chịu đựng được tiếng khóc này, đòi kia của cả bầy em nhỏ nhao nhao.  Chỉ việc cho các em ăn, tắm rửa, vệ sinh là cả một kỳ công.  Riêng các em 5, 6 tuổi trở lên có phần dễ săn sóc hơn, các em được vào lớp học, có người giảng dạy.  Tôi có gặp một cô sinh viên người Tây dạy thiện nguyện tại đây. Bóng dáng tuỏi trẻ Việt hình như đang vào mùa thi nến thiếu vắng.

Thiết nghĩ đến thăm  bất cứ cô nhi viện hay trung tâm khuyết tật nào cũng là điều vô cùng bổ ích cho cuộc sống của mỗi ngườ.  Đến đây ta sẽ thấy cuộc đời mình may mắn vô cùng, bao hơn thua tan biến đi, bao đau khổ bất hạnh mà nghĩ mình đang có bỗng biến hết, thấy yêu đời lạc quan hơn.  Sự bất hạnh của các em lại giúp chữa căn bịnh ảo của ta.   Cũng từ đó thương các em, góp phần giúp các em sống đỡ bất hạnh hơn.

Đến Huế - lăng tẩm, hoàng thành vẫn còn nơi đó, dòng Hương giang vẫn lặng lờ trôi.  Tôi thấy mình may mắn được đến thăm Huyền Không Sơn Thượng và cô nhi viện chùa Đức Sơn.  Cả hai nơi giúp tôi phần nào thấy rõ chính mình.  

Đường đi Huyền Không Sơn Thượng

Xa xa nhìn vào Huyền Không Sơn Thượng

Cổng chùa mộc mạc đơn sơ

Hoa súng tím tại HKST

Trên con đường thiền hành.

Cảnh quang hài hoà tại HKST
Cô Nhi Viện Đức Sơn - Ni cô cắt tóc cho các em.

Do thiếu người, các em nhỏ tắm rửa, chăm sóc cho các em nhô hơn

Một su cô chăm sóc hơn 20 em.
Các em nằm ngủ trưa

Huyền Lam
Chuyến thăm VN - tháng 7 2011

No comments:

Post a Comment

Góp ý: