Thursday, August 11, 2011

Về VN - Lang Thang Hà Nội

Chiếc Airbus 321 của VN airline rời TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội lúc sáng sớm.  Máy bay VN rất hiện đại do hầu hết đều mới mua hoặc thuê của nước ngoài.  Đội ngũ chiêu đãi viên xinh đẹp, điển trai,  lịch thiệp tuy hơi ít cười. Nét tươi vui trên khuôn mặt đẹp sẽ đem lại ít nhiều thư giãn trong không gian chật hẹp.  Tôi ngồi ở gần phiá sau, hầu như ít nghe hành khách Việt nói  tiếng “cám ơn”  khi được nhân viên trao thức ăn, nước uống.  Có phải chăng mình sống ở nước ngoài lâu năm nên lúc nào cũng “cám ơn”  khiến hai chữ này không còn giá trị?   Đến phiên nhận phần ăn, tôi  mỉm cười nhìn sâu vào đôi mắt cô tiếp viên: “cám ơn cô”.  Khuôn mặt khả ái ấy lại mỉm cười đem đến cảm giác ấm áp, đón mừng.  Có thật quá đáng không khi thiền sư Nhất Hạnh dạy bài học đầu tiên cho đệ tử  “Thở ra miệng mỉm cười” hoặc lý do gì tượng Phật nào cũng mỉm cười.

Khoảng hai giờ bay, chiếc Airbus hạ độ cao đi vào không phận ngoại ô Hà Nội, những mái ngói đỏ tươi dưới ánh nắng hè như những đoá hoa vươn toả sức sống.  Những ao hồ nho nhỏ san sát ngày xưa hầu như không còn dấu vết.  Cũng bầu trời này, trong lần ghé thăm Hà Nội lần thứ 2 vào giữa thập niên 1990, trên chiếc máy bay Liên Sô TU, tôi ngạc nhiên hỏi người bên cạnh:

“Người dân miền bắc nuôi con gì mà đào ao lúc nhúc, dày đặc thế này?”
Bác cán bộ trung niên đi công tác trả lời:  “hố bom B52 rải thảm đấy!”    Khi ấy tôi mới hình dung nổi số bom đạn thả ở xứ VN bé tẹo nhưng gấp mấy lần chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài rộng thoáng.   Đường từ Nội Bài về Hà Nội dài hơn 30 cây số nhưng được thiết kế gần giống đường cao tốc.  Đoạn về hồ Tây có đi qua con đường gốm sứ vừa được xây xong để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.  Con đường xinh đẹp ấy có nhiều đoạn được người bán hàng rong, rau quả tận dụng.   Gìn giữ cho bức tranh gốm dài 6 ki-lô-mét ấy được mãi luôn sạch đẹp có lẽ cũng tốn khá nhiều công sức, nước bọt.

Trước khi đi VN, người em làm quản lý điều hành khách sạn Sheraton ở nước ngoài tặng cho “số điểm khuyến mãi”  hưởng được trong quá trình làm việc.  Với số điểm này khi mướn khách sạn Sheraton ở VN tôi được bớt 65% tiền phòng, 50% tiền ăn uống.  Nếu không được giảm giá, tôi không thể nào vào được khách sạn Sheraton Hà Nội  bên hồ Tây mơ mộng với giá phòng cơ bản từ 150 USD trở lên.

Sheraton Hà Nội được thiết kế hoa mỹ, mang đậm nét văn hoá bắc bộ, lấy đình làng làm cổng đón chào quan khách.  Sau khi làm thủ tục nhận phòng, tôi đi taxi về hướng Hồ Hoàn Kiếm thăm tượng đài vua Lý Thái Tổ trước khi tham quan các nơi khác.  Nơi chốn trang nghiêm rộng thoáng để tưởng niệm vị vua thành lập kinh thành Thăng Long đã bị không ít các em teen đem nhạc rap ra tập nhảy, lăn lộn điên cuồng trên sàn đá hoa cương mát lạnh.  Trong lúc chờ các em nghĩ mệt, tôi thắp vội nén hương cho ngài.

Hai ngày đầu ở Hà Nội, tôi lấy tour đi tham quan các điểm chính yếu:  Văn Miếu, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, quảng trường Ba Đình, lăng Hồ Chí Minh, viện bảo tàng Dân Tộc Học...v.v.    Nói chung Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại có nhiều điểm tự hào nhưng cũng có điểm cần cải thiện.

Dù Hà Nội cố gắng gìn giữ nhưng đang mất dần đi không gian xanh, tĩnh mặc của ngày xưa. Ba mươi sáu phố phường Hà Nội là di sản văn hoá nhưng cần học hỏi phố cổ Hội An trong cách bảo quản, điều hành.  Phố cổ Hà Nội chen chúc xe người với đủ trang thiết bị hổn loạn lấn chiếm lòng đường.  Đi trên phố cổ Hà Nội, ta không có cảm giác thời gian ngừng trôi, trở về khung cảnh quá khứ.

Chuyện bên lề:

Khách Việt Nam ở Sheraton Hà Nội ăn mặc khá nghiêm trang, cầu kỳ.  Lúc đầu tôi cứ tưởng nơi đây toàn người nước ngoài, nhưng thật ra VN chiếm đa phần.  Khu nhà hàng buffet lúc nào cũng đông khách nhưng hầu hết là khách Việt với giá 75 usd một phần ăn.  Dù được giảm phân nửa nhưng tôi không vào đây một buổi nào.    Nhìn đồ ăn sung túc chắc cũng đòi hỏi ăn xong tập thể dục nghiêm túc.

Khu vực nhà hàng gọi món thì lưa thưa vài khách Tây và chẳng có bóng người Việt nào.  Những món Việt thuần túy như canh cá, rau muống xào tỏi, thịt kho rim được nấu rất ngon với giá rẻ hơn rất nhiều so với buffet.    Hỏi cô tiếp viên vì sao không thấy người Việt: “người Việt thích ăn buffet hơn các món dân dã này...”

Một buổi chiều đón taxi vào khu phố cổ tìm Sinh Cafe để mua tour đi Hạ Long.  Do đường chật hẹp, kẹt xe nên tới đầu phố cổ, tôi kêu xe ngừng cho mình cuốc bộ.  Dọc con đường hàng chục bảng hiệu Sinh Cafe nhưng lại không trùng số nhà.  Một số bảng hiệu có đính kèm theo vài câu “This is the real Sinh Cafe”...

Lòng hoang mang, định ghé vào nhưng lại ngại ngùng và thầm bảo rằng ráng tới đúng điạ chỉ xem sao.   Đến nơi thì Sinh Cafe đã được đổi thành The Sinh Tourist và cô trạm trưởng bảo rằng thương hiệu cũ đã được nhái tại Hà Nội trước khi có luật bảo vệ nên không làm gì được, giờ chỉ có cách đổi tên toàn quốc.

Mua vé đi Hạ Long xong thì cũng đến giờ “tan tầm”, cô trạm trưởng bảo rằng nếu không ngại nắng, khói bụi thì đi xe ôm cho mau, nếu đi taxi chắc lâu khoảng 3, 4 lần.  Tôi nhờ cô kêu giùm chiếc xe ôm và lạn lách giữa những giòng ô tô kẹt cứng.  Xe vừa chưa tới cổng Sheraton đã có tiếng bảo vệ quát to:  “Không được vào”
Tôi ngạc nhiên hỏi:  - sao vậy?

- cấm không cho xe 2 bánh vào!
- tôi ở trong này thì xe ôm đưa vào được chứ?
Nhìn cái tướng quê mùa dỡ dỡ ương ương, mặt mày nhoè nhoẹt mồ hôi,  ăn mặc toàn đồ bá nháp mòn cũ, chả có chút hàng hiệu nào, anh bảo vệ nói:  Thiệt đấy không bác, bác  mà ở trong này à, có gì chứng minh không?
Tôi rút cái thẻ phòng đưa cho anh bảo vệ!
Anh bảo vệ nhỏ nhẹ: - Xin bác thông cảm,  em mà cho chiếc xe ôm này vào, xếp đuổi việc em ngay.

- thả người xuống là xe ôm đi ngay cũng không được à?
- dạ không, vì chưa có ai đi xe ôm vào đây cả bác ạ!

Huyền Lam
(Ghi lại chuyến đi ra Hà Nội ngày 11 tháng 7)

No comments:

Post a Comment

Góp ý: