Saturday, January 2, 2010

Mơ Về Xứ Bhutan


Không biết tự bao giờ tôi mơ được một lần đến thăm vương quốc Bhutan.  Quốc gia Phật Giáo nhỏ bé này nằm chập chùng trong dãy Hy-Mã-Lạp-Sơn ít ai biết đến.  Chỉ những năm gần đây khi chính quyền Bhutan được thay đổi ngoạn mục, giới truyền thông quốc tế mới đề cập vài mẫu tin khiêm tốn.  Nằm kẹt giữa hai gả khổng lồ Trung Hoa và Ấn Độ, Bhutan chìm khuất như một thiên đường bí mật.  


Tôi mơ được đến Bhutan với lý do đơn giản:  Đây là nơi duy nhất trên thế giới đo lường sự thành công của đất nước bằng mức tăng trưởng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness), chứ không đo lường bằng sự phát triển kinh tế vật chất GDP.  Từ năm 1972 đức vua Singye, người thắm nhuần giáo lý nhà Phật, đã sáng lập ra tiêu chuẩn GNH nhằm phát triển quốc gia dựa trên 4 nguyên tắc:  bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hoá-đạo đức, phát triển an toàn lâu dài, chính sách kiểm tra quán triệt.   Bất kỳ một công trình đầu tư nào tại Bhutan cũng được đem cân nhắc kỷ lưỡng: Nguy hại đến môi trường, ảnh hưởng đến nền văn hoá đạo đức dân tộc, về lâu dài Bhutan có kham nổi hậu qủa của công trình khi có biến động kinh tế hoặc sự cố kỷ thuật.    


Ngày nay thế giới ồ ạt phát triển kinh tế bằng mọi giá đã đưa trái đất đến bờ vực thẳm và làm nền tảng đạo đức xã hội lung lay, các chuyên gia xã hội, môi trường lại nhìn về Bhutan với đôi mắt thán phục.  Họ không ngờ đức vua Singye  vào năm 1972 đã nhìn xuyên suốt như vị Phật đã thành.   Vào năm 2006, tờ báo thương mãi hàng đầu thế giới - Business Week đã xếp Bhutan vào quốc gia  hạnh phúc nhất châu Á, đứng thứ 8 trên toàn thế giới dù hạ tầng cơ sở chẳng có gì ngoài nền nông nghiệp, thủ công.  Ti-Vi chỉ mới được Bhutan xử dụng vào năm 1999. Xe hơi, internet  vẫn còn rất xa lạ cho người dân tại vương quốc này.


Điều gì đã làm người dân Bhutan hạnh phúc hơn hầu hết các quốc gia khác?  Có lẽ chính nhờ đời sống tâm linh, một lòng sống theo giáo lý Phật đà, thấu hiểu sự tương quan giữa con người với mọi sinh linh trong vũ trụ.  Hạnh phúc đối với họ không nhất thiết phải do vật chất hoàn toàn.  Một cuộc sống trung dung chừng mực với tâm an bình chính là nền tảng hạnh phúc người dân Bhutan có được.


Một điều kỳ diệu khác cho đất nước này là có được một vị vua anh minh từ bi như Phật hoàng Trần Nhân Tông Việt Nam 700 năm về trước.  Với quyền uy tuyệt đối của bậc đế vương, vua Singye không muốn quyền lực biến mình thành kẻ độc tài, hậu duệ thành hôn quân ác tướng tổn hại đất nước nhân dân.  Năm 2005, đức vua Singe dù lúc ấy chỉ mới 50 tuổi, đã ban hành hiến pháp mới.  Quyền lực vua được giảm thiểu chỉ còn trong nghi lễ, tất cả guồng máy quốc gia được vận hành theo dân chủ pháp trị thông qua quốc hội.    Vua có thể bị truất phế bất cứ lúc nào bằng 2/3 số phiếu dân biểu.  Trong lịch sử thế giới cận đại, chưa có hình ảnh nào đẹp hơn khi ngày ban hành hiến pháp mới, người dân Bhutan đi biểu tình khóc sướt mướt đòi vua phải có toàn quyền.  Ngày quốc hội nhóm họp đầu tiên cũng thế, các dự luật  đưa ra để bỏ phiếu, các vị dân biểu không chịu thực thi quyền của mình, họ năn nỉ vua quyết định giùm cho họ.  Năm 2008, vua Singye chính thức nhường ngôi cho con trai Khesar 28 tuổi để có nhiều thời gian chu du thiên hạ nhằm tìm hiểu giúp đỡ cho đời sống thần dân được thêm hạnh phúc. Nghĩa cử rời bỏ ngai vàng, quyền lực của vua Singye không khác nào Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung vàng điện ngọc mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân, hoặc vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con làm thiền sư chân đất, sáng lập thiền phái Trúc Lâm.  


Mơ một lần thăm vương quốc Bhutan - tôi mơ giấc mơ Việt Nam - một ngày nào đó đảng cộng sản ban hành hiến pháp mới cho phép người dân được quyền tham gia lãnh đạo đất nước.  Thật đẹp thay!  


Giấc mơ đi thăm Bhutan sẽ đến với tôi một ngày rất gần.  Còn giấc mơ Việt Nam có lẽ thật xa vời khi tham nhũng đi tận vào mọi hang cùng ngỏ hẻm xã hội, khi quan quyền điạ phương ức hiếp dân lành từ vùng sâu vùng xa cho đến thị thành, và mới đây thôi 400 tu sĩ Bát Nhã - đàn hậu duệ  của Tổ Sư Trúc Lâm Yên Tử bị đánh bạt, xé tan khỏi nơi chốn tu hành. Dù giấc mơ xa vời nhưng tôi tin một ngày nào đó sẽ thành sự thật.  Trong hơn 2 triệu đảng viên đảng Cộng Sản, không thiếu gì người từ tâm,  anh minh như Trần Nhân Tông thưở nào.  Hoặc nếu  không có được người như thế, nhân dân Việt Nam sẽ có người biến giấc mơ thành sự thật. 


Huyền Lam


Ngày đầu năm 2010


Viết Cho Mạng Phù Sa:  http://phusaonline.free.fr/XaHoi/2010/1_Bhutan.htm




Phụ lục hình ảnh  sưu tầm:

Vua cha truyền ngôi cho thái tử



Nhạc lễ chào đón tân vương

Nhạc Lễ chư tăng chào đón Tân Vương 

Tân Vương ban phước cho dân lành






No comments:

Post a Comment

Góp ý: