Monday, May 14, 2007

Interview day - Ngày Phỏng Vấn


Quang ơi, thật vui khi nhận được thư em cho hay được vào vòng hai tuyển chọn người đi đào tạo Y Tế Cộng Đồng tại Hoà Lan do Liên Hiệp Quốc tài trợ. Em đã vượt biết bao người qua phần hồ sơ và bản Nghiên Cứu mà em gởi cho ban giám khảo. Nếu em thoát được vòng hai gồm Phỏng Vấn và Thuyết Trình là em sẽ được tuyển chọn rồi. Trong thư em có nói mỗi lần nghĩ đến Phỏng Vấn, Thuyết Trình là em run ghê lắm dù biết rằng mình rất nắm vững đề tài. Hôm kia em lần mò tới điạ điểm tuyển chọn, sự sang trọng của khách sạn 4, 5 sao đã làm em khớp và mất tự tin. Em viết trong thư rằng mới tới điạ điểm đã thấy mất tinh thần huống gì đến ngày phỏng vấn và thuyết trình thật sự. Cả đời em chưa bao giờ bước chân vào chốn sang trọng như vậy nên em rất bỡ ngỡ, rụt rè. Rất dễ bị mặc cảm khi một chàng trai trẻ như em sau giờ học là chạy về đẩy thêm chiếc xe bán phở để kiếm tiền giúp gia đình. Ngay cả trong lớp học em cũng rụt rè với các bạn khi thấy mình không có những thứ như bạn có, không được chơi như những thứ bạn chơi. Em lặng lẽ rút mình ngồi cuối lớp chăm chỉ học hành mà đôi khi mọi người quên bẵng sự hiện diện của em.

Ngày xưa lúc còn nhỏ anh cũng như thế, năm anh học lớp 5, lớp 6 gia đình anh nghèo lắm. Anh từng đi bán vé số, bán thuốc lá giúp gia đình qua cơn khốn khổ. Lúc đầu anh rất mắc cỡ , sợ gặp bạn bè và vào trong lớp lúc nào anh cũng không dám chơi với ai. Nhưng anh may mắn có một nhà sư hiểu được tâm trạng và đã ân cần khai mở tri thức cho anh. “Giá trị con người không phải ở dáng dấp bề ngoài hoặc những gì mình thừa hưởng. Giá trị con người là những gì mình đóng góp cho cuộc sống dù rất nhỏ nhoi.” Cũng nhờ sự giúp đỡ của nhà sư này mà anh biết được giá trị thật của mình để tự tin và hoà nhập với mọi người .

Quang ơi! Hãy tin vào giá trị cuộc sống của em. Phải tự tin rằng sự hiện hữu và đóng góp của mình cũng giá trị giống như bao người tốt và tài giỏi trên thế giới này. Cái nghèo cái thiếu của mình không phải là của cải to lớn của con người. "Tài sản lớn nhất của con người là sức khoẻ và trí tuệ". Ngày bước vào phòng khánh tiết tại khách sạn sang trọng đó để phỏng vấn và thuyết trình em phải đi bằng bước chân vững chãi tự tại. Hãy xem những người phỏng vấn như bạn để chia sẽ những điều mình biết. Hãy mỉm cười thân thiện nhưng không yếu ớt cầu khẩn. Hãy tự hào nhưng không tự cao. Hãy đem cả tấm lòng mình ra thuyết trình để thuyết phục người nghe nhưng không có ý chinh phục người. Khi nói, khi trình bày hãy ân cần nhìn mọi người . Nhìn người ở phía này đôi lát, rồi chuyển qua người ngồi ở phiá kia để mọi người có cảm giác gần gủi ấm cúng với mình. Dù câu hỏi có khó cách mấy, em cũng phải từ tốn trả lời và nhớ đừng để mất đi nét rạng rở, tươi vui của mình. Câu nào không biết, mình nói không biết và cám ơn người hỏi đã đưa câu hỏi ra để mình có cơ hội nghiên cứu thêm về lãnh vực này.

Em phải nhớ một điều rằng: Những người tuyển chọn nhân tài, bên cạnh kiến thức và kinh nghiệm họ luôn đánh giá cao khả năng vượt khó và khả năng hoà đồng đối thoại với mọi người. Cuộc sống khó khăn của em đã cho em nhiều yếu tố đó hơn rất nhiều người. Em hãy vững tâm đi vào buổi phỏng vấn và anh biết chắc em sẽ thành công.

Tái Bút: Mà Quang ơi, buổi sáng mình đi phỏng vấn đừng có suy nghĩ, sắp xếp gì nữa. Vì những cái đó em đã làm trước rồi! Có lo thêm vài phút cũng chẳng ích gì. Trên đường đến nơi - nhớ theo dõi hơi thở và để tâm thức theo bài Thiền Ca mà lúc trước anh về anh chỉ em đó:

Thở vào thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang


Huyền Lam

Tuesday, May 8, 2007

Men's Best Friend - Dừa Xiêm

Sao mà giống con Dừa Xiêm của mình qúa vậy! Đúng là nó rồi! không thể có con chó nào khác hơn được. Đó là cảm nhận đầu tiên khi gặp lại con Dừa Xiêm chiều nay tại công viên gần nhà sau gần nửa năm nó “đi lạc”. Mình mừng huýnh chạy lại gặp hai cha con đang dắt nó đi dạo quanh bờ hồ công viên. Dừa Xiêm sau vài giây ngập ngừng - bỗng quẫy đuôi mừng mãnh liệt - chồm tới - mắt bừng lên - sủa sang sảng.

“Con chó này của tôi lạc cả nữa năm nay – ông làm sao có nó vậy ?”

Cậu bé khoảng sáu tuổi kéo lui con chó - giọng bực mình pha lẫn chút giận:

“Con chó của em – đây là con chó của em – Bendy của em”

Người cha có vẻ hơi mắc cỡ: “Làm sao tôi biết chó này là của anh – ai cũng nói được như vậy mà?”

Mình hí hửng nhưng cũng hơi lo – mong rằng Dừa Xiêm vẫn còn nhớ. “ – cho tôi mượn con chó vài giây nghe.” Dừa Xiêm vẫn còn sủa dữ dội và vẫy đuôi mừng. Người cha vừa cởi cái móc ra khỏi cổ là nó chạy cái ào vào người mình để được xoa đầu.

Mình khẽ nói với người cha và cậu bé – “không biết nó có quên không – nhưng để tôi thử”

"-Dừa Xiêm - Ngồi”

“-Dừa Xiêm - Đứng”

“-Dừa Xiêm – Chào”

May thay Dừa Xiêm vẫn còn nhớ tiếng Việt và thi hành mệnh lệnh xuất sắc mà còn mừng nữa chứ như là nghe được tiếng mẹ đẻ của mình. Hai cha con mặt đỏ, bối rối và sửng sờ.

“-Ông thấy không - tiếng Việt Ngồi là sit down, Đứng là…”

Người cha ngập ngừng: “Con chó này không phải của tôi nhưng nó chạy lạc vào vườn cách đây mấy tháng. Nó rất vui và thân thiện. Con tôi gặp nó là thích liền – Con tôi xin giữ con chó chơi một vài hôm rồi sẽ gọi điện thoại đem trả - sau vài ngày tôi định gọi cho ông theo cái số phone đeo nơi cổ - nhưng con tôi nó mến con chó quá – nó là đứa con duy nhất trong nhà - mẹ nó không còn nữa – tôi nói để mua con chó khác nhưng nó khóc bù lu bù loa nên tôi..”


Nghe cha nói, cậu bé khóc nức nở: “- Cho em giữ con chó này được không? Em thương nó lắm, nó giỏi lắm.”

Dừa Xiêm chạy ngược lại vẫy đuôi với cậu bé và liếm vào những giọt nước mắt lăn trên má. Cậu bé khóc to hơn và ôm xiết lấy Dừa Xiêm hơn.


Sao mà bối rối quá! Mình rất thương Dừa Xiêm – nuôi nó cũng đã 4, 5 năm rồi. Nhưng thấy Dừa Xiêm cũng thương người chủ mới và có thể còn được thương nhiều hơn mình. Chẵng lẻ mình làm cho một em bé nhỏ chưa đủ sức mạnh lý trí, tình cảm phải khổ đau. Biết đâu đây là nguồn vui duy nhất của nó mà mình lấy đi thì thật tội nghiệp biết bao.


Mình chậm rãi nói với hai cha con: “Ừa - thấy em bé thương nó quá – thôi thì cứ giữ lại con chó – lâu lâu cho tôi mượn dẫn đi chơi vài tiếng rồi trả lại”

Hai cha con mừng rối rít: “cám ơn anh, cám ơn anh nhiều lắm. Tuyệt vời quá! Đây là phone & điạ chỉ của tôi. Qua nhà tôi hoặc anh muốn đem nó đi chơi lúc nào cũng được.. Tôi mua con chó khác cho anh được không?”


Cậu bé cầm lấy tay mình hớn hở: “Anh đúng là ông Santa (Noel) của em – anh chơi với Bendy bây giờ đi - Hồi nãy anh gọi nó là gì vậy…Zhur Seem .. –Em muốn gọi tên thật của nó – anh dạy cho em mấy mệnh lệnh bằng tiếng Việt đi – hàng xóm sẽ trố mắt khâm phục em..”

Chia tay hai cha con và Dừa Xiêm hẹn cuối tuần sẽ qua nhà. Dừa Xiêm nhìn theo quẫy đuôi mừng sủa nhưng mắt không buồn. Lòng mình cũng thấy tiếc .. Tình thương và công nuôi dạy nó mấy năm mà .. nhưng có mất nó hoàn toàn đâu mà sợ - mình lại có them hai người bạn nữa mà.


Chợt trong đầu mình loé lên một niềm vui: - sẽ đem câu chuyện này ra kể cho mấy nhóc tì học tiếng Việt tại Chùa vào Chủ Nhật tới - Sau khi kể mình sẽ hùng hồn tâm đắc nói với mấy em nhỏ thường lười biếng học tiếng Việt rằng:

“Các em thấy chưa! Học tiếng Việt lợi hại không?”

Sunday, May 6, 2007

Dòng Sông Xanh - Crystal River


Hôm nay mình ra phi trường đón Balaji. Anh bạn người Ấn Độ làm cùng công ty vừa về quê hương sau gần mười năm xa cách do học hành công việc. Trước khi đi Balaji rất háo hức để gặp lại người thân, bạn bè sau bao nhiêu năm không gặp mặt. Mình cũng vui cho chuyến trở về của bạn nên trên đoạn đường gần 2 tiếng từ phi trường quốc tế đến nhà, mình hỏi anh chàng Ấn Độ mọi chuyện. Đi có vui không? Ấn Độ có lẻ phát triển nhiều lắm phải không? Đời sống người dân được cải thiện nhiều lắm nhỉ .

Ừ đi vui lắm. Ấn Độ được xây dựng nhiều công trình hiện đại lắm . Vẫn còn nhiều người nghèo nhưng ít hơn lúc trước. Nhưng mà tôi không tắm sông được với bạn. Dòng sông xanh ngày xưa bây giờ tắm không được!

Sao mà giống chuyến trở về VN lần đầu tiên của mình thế! Ngày đó trên chuyến máy bay trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, mình chỉ ước ao gặp được bà con và bạn bè thời cấp 1, cấp 2. Ngồi trên máy bay mình nhớ đến những kỷ niệm học trò với các bạn. Ngày ấy, sau giờ tan học mình cùng bạn thường đi bơi trên con sông nhỏ chạy dọc theo thị xã. Niềm vui của tuổi niên thiếu vẫn còn gắn liền với thiên nhiên. Làn nước mát, bãi cát vàng và nhấp nhô những cành rong là thiên đường vui chơi cho tuổi học trò. Trên máy bay mình nghĩ đến việc rủ Hùng Cá Rô, Châu Quân Tử, Mạnh Thùng Phi .. ra sông tắm và ăn khoai lang luộc để kỷ niệm chuyện ngày xưa trước khi tiệc tùng cho chuyện ngày nay. Mình mơ đến những nụ cười rạng rở trên mặt bạn "Chỗ này ngày xưa tau với tụi mày, tắm xong leo lên đây lùi khoai và hột mít ăn. Chỗ kia mình thường cào nghêu (hến) lên luộc chấm muối ớt, khúc sông ấy mình vớt lên được bình gốm Chăm.."

Mà rồi gặp lại tụi nó, đứa nào cũng đánh trống lãng hoặc chuyển đề khi nói chuyện tắm sông. Đến khi mình đòi cho được vì đây là kỷ niệm hầu như mỗi ngày suốt mấy năm trời. Bạn chiều mình: đi thì đi – và ai cũng cười một cách… ngại ngùng. Theo chân bạn đi về thăm lại trường cũ với dòng sông xưa. Nước vẫn êm đềm chảy như thưỏ nào – nhưng hởi ôi, nước sông có một màu vàng xen lẫn màu đỏ lợt kỳ quái. dòng sông không có một cọng rong nào nhởn nhơ dưới nước - Sự đi lên của đất nước đã kèm theo chất thải từ bao cơ xưởng tư nhân đổ ra sông.

Mình chỉ ước mong rằng một ngày nào đó khi đất nước sánh vai cùng các cường quốc kinh tế trong khu vực, trẻ em đất nước mình vẫn còn những dòng sông xanh để nô đuà.

Thursday, May 3, 2007

Anh Phải Trở Về



Không bao lâu nữa Kent lại lên đường . Trong vòng bốn năm qua, đây là lần thứ 2 Kent tham dự vào đợt chuyển quân sang Trung Đông của lực lượng Trừ Bị (Army Reserve). Anh bạn hai giòng máu Trắng Đen hôm nay rủ mình đi ăn trưa để nói lời tiển biệt. Đôi mắt buồn - Kent cứ nói lui nói tới như để trấn an cho chính bản thân: "Tôi sẽ trở về - tôi biết tôi phải trở về". Khác với năm đầu trong cuộc chiến "giận cá chém thớt", càng ngày Kent và người dân càng nghĩ rằng chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này không có lý do chính đáng và được đạo diễn với bao phù phép.

Trái tim Kent giờ đây buốt nhói như trái tim của Bố mình mấy mươi năm về trước khi tham gia cuộc chiến Việt Nam. Ngày đó người ta bảo bố Kent lên đường để bảo vệ "Công Lý và Tự Do" cho một đất nước nhỏ còn non dại. Trong khi đó tại quốc gia này Mẹ của Kent là người da đen và người da màu khi đi xe bus phải ngồi phía sau và không được sử dụng chung trường học, nhà hàng, nhà vệ sinh.. với người da trắng. Bố Kent đã chịu biết bao nhiêu áp lực khi đi yêu và hẹn hò với cô da đen xinh xắn. Những người đấu tranh cho "Công Lý và Tự Do" ngay trên quê hương này như M.L King thì bị thế lực vô minh sát hại. Thế nhưng bố Kent phải chấp hành lệnh ra đi để bảo vệ "cái mù mờ" ở một xứ sở xa xôi lạ hoắc - mà kết quả là bao triệu sinh linh đã về với lòng đất .

Kent xin lỗi đã rủ mình tham gia nhưng bây giờ sẽ không dự được khoá tu học 4 ngày tại Deer Park - San Diego trong dịp Sư Ông Thích Nhất Hạnh hoằng pháp tại Mỹ Châu vào mùa Thu năm nay. Mình cám ơn Kent mới đúng - nhờ những khuyến khích và vận động của anh mà bao nhiêu người đã quay về với nếp sống tỉnh thức trong tình thương yêu nhân loại. Mình biết giờ đây Kent rất là dằn vặt và khổ đau.


"Kent ơi! Hãy ráng sống một đời sống tỉnh thức và chánh niệm trong bất cứ hoàn cảnh nào - hãy đem những pháp môn anh học được chia sẽ với đồng đội. Dù không thay đổi được tình thế, nhưng anh sẽ giảm thiểu được phần nào khổ đau cho đồng đội và người dân trên đất nước kia - Bên cạnh những Công Lệnh, hãy coi đây là sứ mệnh tâm linh và mục đích chuyến đi của mình thì anh sẽ thấy an lạc và bớt dằn vặt." Suốt buổi ăn đến giờ Kent mới cười trước lời nhắn gởi của mình. Khuyên bạn thì vậy nhưng tim mình cũng thấy buốt và đau khi chia tay - cầu mong sao ông bạn của tôi trở về trong an toàn nguyên vẹn.