Friday, February 15, 2013

Ngô Thụy Miên - Hành Trình 3 Bản Phật Ca

Đời sống nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vốn thầm lặng, ít xuất hiện trước ống kính, chưa có dịp về thăm lại quê hương kể từ khi ra đi vào năm 1978. Tuy nhiên đối với người Việt trong nước, tình ca Ngô Thụy Miên được nghe, được hát say mê.   Mỗi đêm trên đất nước này, thật khó có thể biết hết số người hát nghe các ca khúc trữ tình lãng mạn của anh.  Cũng như bao  người, tôi yêu thích tình ca Ngô Thụy Miên.  Nghĩ đến tên anh, mọi người đều nghĩ đến một thiên tài âm nhạc viết tình ca.  Hầu như rất ít người, nhất là ở trong nước biết rằng anh có sáng tác 3 bản Phật ca.  

Ngô Thụy Miên là nhạc sĩ tên tuổi, một cây đại thụ, thế nhưng tôi quen anh không bắt đầu từ môi trường âm nhạc.  Vào năm 1987, sau khi ra trường đi làm được vài năm trong ngành công nghệ tin học (IT), công ty chuyển tôi về làm việc tại thành phố gần nơi anh sinh sống.  Tại đây tôi biết anh qua tên thật...làm cùng nghề dù anh lớn hơn gần một thế hệ.   Thỉnh thoảng đi tham dự hội nghị chuyên ngành, tôi gặp anh, bắt tay, chào anh bằng tên thật, trò chuyện đôi câu như người em thăm hỏi người anh.

Trong các cây đại thụ Việt Nam, có lẽ anh là người tạo cho mình  một nghề nghiệp vững chắc không phải là âm nhạc.  Nói theo dân gian, anh là người “có thực mới vực được nhạc”.  Trước 1975, bên cạnh việc sáng tác, anh theo học tại  Đại Học Khoa Học Sài Gòn, làm kiểm soát không lưu (air traffic controller) tại phi trường Tân Sơn Nhất.  Năm 1978 sau khi ra nước ngoài, bắt đầu lại từ đầu, anh tốt nghiệp kỹ sư khoa học điện toán (BS Computer Science).  Đây là một ngành tương đối khô khan khó học thời bấy giờ.  Ngay cả tôi, trẻ trung, tuổi đời chưa tới 20 nhưng phải vật vã, thức nhiều đêm dài nặn logic viết mệnh lệnh cho máy điện toán xử lý tư liệu.  Thời tôi theo học ngành này, gần một nửa sinh viên Mỹ phải bỏ cuộc giữa đường.  Thế nhưng một người có tâm hồn viết những giòng nhạc đài các  lãng mạn ở tuổi trên 30 như anh, vừa ra nước ngoài với bao trở ngại  ngôn ngữ  lại vượt qua được khó khăn này.

Nhạc của anh so với nghề nghiệp vô cùng khác biệt như đường với muối, nước với lửa.  Có lần gặp anh tại hội nghị, tôi hỏi đùa:  - gỏ bàn phím máy tinh cho ra program mới (software-nhu liệu) và gỏ dương cầm cho ra nhạc phẩm mới, anh gỏ cái nào nhanh hơn?

Anh mỉm cười nửa đùa, nửa bí ẩn: -  Cái này thì máy tính nó mới biết được, mà máy tính nó lại không nói cho người biết.  

Tôi thật sự biết anh nhiều hơn, thân hơn  vào khoảng năm 1989-1994.  Dạo ấy anh thường tham dự khoá lễ hằng tuần tại ngôi chùa vừa được thành lập gần nơi cư ngụ.   Anh thích ngồi phía sau, lặng lẽ thiền, tụng kinh niệm Phật theo sự hướng dẫn của qúy sư.  Những lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, anh ở lại quay quần dùng cơm chung với Phật tử.  Dẫu biết là nhạc sĩ tên tuổi nhưng mọi người luôn  đối xử anh như một Phật tử bình thường vì biết anh mong được như thế.    Anh rất thân thiện, tự nhiên, có bề ngoài vừa trí thức dễ mến vừa nghệ sĩ khiêm nhường  từ tốn.  Phong cách anh có thể nói rằng không khác mấy với giòng nhạc Ngô Thụy Miên:  cổ kính, lãng mạn, uyên thâm, thi vị.

Thưở ấy tôi được sư trụ trì giao phụ trách sinh hoạt tuổi trẻ, trong đó có phần văn nghệ trình diễn trong dịp lễ.   Sư trụ trì thường tâm sự  trong các buổi tu học hằng tuần:  - Thầy ước ao cải thiện buổi lễ Phật, trẻ trung hoá Phật Giáo để lớp trẻ có thể tham dự dễ dàng hơn, hiểu đạo hơn.  

Vài tuần sau, một trưa chủ nhật mùa xuân năm 1991,  anh cầm cuộn giấy tròn gặp tôi tại chùa,  giọng bắc, trầm, chậm:  - Mấy hôm rồi anh có phổ ba bài nhạc như lời thầy tâm sự.  Em  áp dụng được gì thì cứ tự nhiên.

Tôi nhận cuốn giấy nhỏ trên tay, từ tốn mở ra.  Ba bài nhạc được ghi nốt, lời nhạc bằng nét chữ viết tay của anh.  Tôi ngạc nhiên:  - Đây là bản chính mà anh?  Để em photo rồi trả lại.  Em không dám giữ bản gốc đâu.

Anh cười hiền từ:  - có sao đâu, em cứ giữ đi.  

Ba bài nhạc đó, tôi photo ra nhiều bản, trả lại anh bản gốc.   Vài tháng sau,  anh đưa bản in có nốt nhạc lời nhạc rõ ràng hơn, kèm theo băng cassette:

- Anh có nhờ người thân hát tạm cho tụi em dễ hát theo.  

Tôi cảm động, bối rối:  -  anh tốn công quá.  Em sẽ ráng hết sức nhưng sợ khả năng hạn hẹp của em không xứng với  tấm lòng của anh.  

Anh chân tình:  - Có sao đâu, đừng ngại gì hết.  Anh đóng góp chút ít.  Tập được thì tập, không cũng chẳng sao.

Từ năm 1991 đến 1994, tôi gởi ba bản Phật ca đến nhiều chùa, có in trên một số báo Phật Giáo hải ngoại.  Bài Sám Hối Phát Nguyện và bài Cúng Hương Tán Phật  được chúng tôi hát trong các buổi lễ dành riêng cho giới trẻ.  Đây là hai bài kinh nhật tụng mà người đi chùa luôn tụng bằng chuông mõ khi dự các khoá lễ.  Âm điệu hai bài được phổ rất trang nghiêm thánh thiện.  Khi hát chúng tôi dễ dàng diễn đạt trọn vẹn lòng thành, cảm nhận thân tâm như kết nối cùng chư Phật.   Riêng bài Em Đi Lễ Chùa được chúng tôi trình bày trong các chương trình văn nghệ Phật Đản, Vu Lan.  Dạo ấy một số Phật tử  trẻ tại các thành phố lớn cũng hát những bài này.  Tuy nhiên trong môi trường hải ngoại, kẻ đi  người đến, nhất là nhạc Phật giáo hầu như không được ca sĩ tên tuổI làm dĩa, nên ba bài Phật ca của anh dần dần đi vào quên lãng...

Những năm sau này tôi có ý định giới thiệu 3 bản Phật Ca đến người trong nước, tuy nhiên mãi gần đây mới đủ duyên lành tiếp cận qúy  tu sĩ và Phật tử trẻ làm việc trong lãnh vưc văn hoá Phật Giáo.   Tôi trình bày anh ý định của mình và được anh nhắc đến kỷ niệm xưa trong đó có đoạn:

“Đây là những đóng góp nhỏ nhoi của anh vào vườn hoa Phật ca của chúng ta, và dĩ nhiên quý vị Phật tử có thể tự do phổ biến.  Anh phải cám ơn những công đức này.”

Đêm nay ngồi chuyển MP3 từ băng cassette ngày nào và in 3 bài nhạc để anh ký như một lưu niệm trước khi tôi gởi về bên nhà.  Cuốn băng nằm im đã quá lâu, nhão, dính chặt, máy không kéo được.  Vừa niệm Phật vừa dùng bút chì xoay băng cho lỏng, tôi nguyện cầu cuốn băng đừng đứt, đừng hư.  Cuối cùng lời nhạc  từ máy cassette vang vọng giữa đêm khuya.  Diệu kỳ thay! qúy báu thay!  âm thanh chuyển tải diễn đạt  được cả dấu ấn thời gian xa xưa.    Tôi thấy mình hoà nhập cùng lời kinh trong  tiếng dương cầm anh đệm nhẹ nhàng thanh tao.  

Sau 20 năm chìm vào quên lãng, ba bản Phật ca của người nhạc sĩ tài hoa bắt đầu hành trình mới mà tôi tin rằng sẽ vươn mầm tươi tốt nơi đất Việt mến yêu.


Nghe Sám Hối Phát Nguyện bằng MP3
                  hoặc xem trên  Youtube:                      
 Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf

Nghe Cúng Hương Tán Phật bằng MP3
                  hoặc xem trên Youtube:                                Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf

Nghe Em Đi Lễ Chùa bằng MP3
                 hơặc xem trên Youtube:                                          Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf


Huyền Lam

1  tháng 2 năm 2013