Monday, September 16, 2013

Tiễn Em Đi Học Xa


Đã hơn 20 năm qua, năm nào cũng thế, mỗi độ thu về ngôi chùa tại thị trấn nhỏ miền cực bắc Hoa Kỳ lại tiễn một số em đến những thành phố lớn nội trú đại học.  Mỗi lần như thế, anh chị trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử mở tiệc nhỏ mừng em trưởng thành nhưng lòng buồn man mác, sau  nhiều năm gắn bó ruột thịt, giờ sẽ ít khi gặp lại.


Hầu hết các em bắt đầu đến chùa lúc còn rất nhỏ, tuổi mẫu giáo, lớp 1, lớp 2.  Cha mẹ bắt em đến chùa  mỗi ngày chủ nhật để học tiếng Việt,  học làm người tốt, bớt chơi game điện tử, bớt quên đi nguồn gốc tổ tiên...  Những tuần đầu em đến chùa có đôi chút bỡ ngỡ, bực bội.  Đã quen không gian văn hoá Mỹ, làm sao em không sốc với môi trường chùa chiền khói nhang, kinh kệ của người lớn tuổi.  Lắm lúc anh chị trưởng cười nghẹn ngào trước những câu hỏi ngây thơ bằng tiếng Mỹ của ngày đầu tiên:

  • Ông đó là ai mà được ngồi trên cao? Sao mình phải lạy ông?  Sao lại ngồi trên hoa, tội nghiệp hoa.  Mà hoa gì to vậy?
  • Bác sĩ nói khói (thuốc) làm người chết,  Sao lại đốt khói (hương) cho ông ấy ngửi?

Tuy nhiên dưới sự cưng chiều dẫn dắt của anh chị trưởng và đoàn sinh đi trước, chỉ vài tháng sau em  mong được đến chùa hằng tuần dù phải theo lịch sinh hoạt:

·         Ngồi thiền  5 phút         - Tụng kinh lễ Phật 15 phút
·         Phật pháp hoặc kỷ năng 20 phút        - Sinh họat tự do 15 phút
·         Tiếng Việt 40 phút        - Sinh hoạt tập thể 15 phút

Chẳng bao lâu những ngày lễ lớn như Phật đản, Vu Lan em lại vui mừng được xếp hàng dâng hoa cúng dường chư Phật. Mỗi lần tết đến hãnh diện tung tăng trong tà áo dài, trong đoàn lân,  muá ca chào đón xuân về.  Không những thế, em còn là đoá hoa tươi thắm chia sẻ văn hoá Việt đến người Hoa Kỳ qua những giai điệu muá dân gian trong các kỳ lễ hội đa quốc gia được tổ chức hằng năm tại các trường học, trung tâm văn hoá thành phố.   Mỗi nơi em xuất hiện, những tràn pháo tay lại rộ lên ngợi ca nét đẹp kín đáo truyền thống Việt Nam nhưng dịu dàng tươi thắm. Những chuyến trình diễn như thế đã giúp em tự hào hơn về nguồn gốc tổ tiên, về đạo Phật của mình.  

Điều làm anh chị trưởng hạnh phúc hơn hết thảy là khi chứng kiến sự tăng trưởng lối sống lành mạnh, đạo đức, thánh thiện.  Mỗi lần sinh hoạt ngoài công viên, không cần ai nhắc nhở, em luôn tự động lượm rác sạch sẽ trước khi ra về.   Dù phải xếp hàng dài chờ tham quan bảo tàng hoặc mua vé đi coi thể thao v.v, em luôn nhẫn nại, thong dong, không hề chộn rộn xôn xao.   Những lần cấm trại hái nấm rừng,   nhặt sỏi qúy bờ suối, lượm vỏ ốc bên bờ biển..., dù không ai kiểm soát nhưng luôn không cho phép mình vượt quá  số lượng vườn quốc gia quy định.  

Hằng năm, trong những buổi nấu ăn cho người vô gia cư, chương trình quên góp thực phẩm cho người nghèo, hoặc  rửa xe gây qủy cho người bị thiên tai, các em hết lòng tích cực tham gia và luôn mong được làm nhiều lần hơn nữa.  Mỗi lần như thế, anh chị trưởng rất xúc động khi chứng kiến các em ân cần bưng thức ăn đến từng bàn, lễ phép mời người vô gia cư dùng, thỉnh thoảng lui tới hỏi thăm mời thêm món khác bằng tâm yêu thương trong trắng không phân biệt.

Sống trong môi trường khi người da màu là dân thiểu số dễ nổi bật giữa đám đông, nhân cách sống các em đã góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp cho người gốc Việt, người Phật tử.  Chỉ còn vài tuần nữa, em sẽ đi xa, tản mác khắp quốc gia Hoa Kỳ rộng lớn.   Lâu lâu về thăm phố nhỏ,  em mang tặng mọi người nơi chốn cũ những nụ cười hạnh phúc trong nổi mừng gặp lại.  Một dòng kỷ niệm đầy ấp  thương yêu lại trở về....

Huyền Lam
Mùa nhập học 2013 - Tuần San Giác Ngộ 707