Sunday, August 28, 2011

Huế - Huyền Không Sơn Thượng - Đức Sơn Tự - vài dòng tâm tình

Tôi đến  phi trưòng Phú Bài Huế vào buổi chiều hè sau một tiếng bay từ Hà Nội.   Huế cảnh vật vẫn trầm lắng như xưa, mức đô thị Hoá không đến nỗi như các thành phố khác nên nhìn Huế nên thơ, dịu dàng như thưở nào.   Đọc báo chí trong nước, nghe nói Huế có cơ may trực thuộc Trung Ương và chính quyền đang tính đến phát triển đô thị văn minh cho Huế.  

Ước mong sao người ta sẽ cải tạo Huế sạch hơn, đẹp hơn, xanh hơn nhưng đừng có xây nhà cao tầng  nơi chốn tao nhã này.  Muốn phát triển đô thị cho Huế, nên phát triển cách Huế chừng 15-20 cây số để khỏi làm hư hao nét cố đô.   Huế mà đô thị hoá như Đà Nẵng, Nha Trang thì đâu còn cố đô Huế nữa.  

Cũng như bao người đến Huế, tôi cũng đi thăm lăng tẩm, thành quách dù đi đã nhiều lần.  Một buổi sáng sớm tôi quyết định đi Huyền Không Sơn Thượng. Từ trung tâm thành phố đến đây  tốn hơn 30 phút và đường đi rất xấu, hầu hết là đường đất, lên xuống quanh co giữa núi đồi, nhồi lên nhồi xuống vui như xích đu.

Đến Huyền Không Sơn Thượng làm tôi nhớ hai câu thơ Tố Hữu:  “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.  Ở nơi đây thì tôi liên tưởng:  Với sức người, sỏi đá cũng nên thơ.  

Một vùng sỏi đá giữa rừng núi được sư Giác Đức chỉnh trang qua nhiều năm thành nơi chốn thiền môn tao nhã, kiến trúc hài hoà tinh tế cùng thiên nhiên.  Khi đến đây ta bỗng không muốn nói gì nhiều, bao tham sân si đời thường bỗng nhiên biến hết, ta chỉ biết đi, thở nhẹ thở sâu, cảm nhận được tuyệt tác mỹ thuật do các bậc tu hành tạo ra hoà quyện với núi rừng thanh tịnh.    

Nếu khi đến đây có điều chi giận hờn hay nãy sanh lòng tham thì khi rời đây chắc chắn những căn bệnh ấy được giảm đi phần nào.  Có lẽ đây là Huyền Không Sơn Thượng mà sư Giác Đức muốn gởi đến con người.     Cá nhân tôi chưa bao giờ gặp được sư Giác Đức nhưng rất mê thơ của thầy qua bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh.   Đến thăm Huyền Không Sơn Thượng, tôi mới hiểu vì sao nhà sư này có những bài thơ như sấm sét giữa núi rừng, như mưa rào nhẹ nhàng trên mái lá.

Buổi chiều trước ngày vào Đà Nẵng, tôi ghé thăm cô nhi viên chùa Đức Sơn do ni sư Minh Tú điều hành.  Lần nào đến Huế tôi cũng ghé thăm cô và chứng kiến cơ sở ngày càng tốt hơn cho các em, nhưng các em vào đây cũng đông hơn.   Hôm tôi đến có hơn ba trăm em, gôm từ sơ sinh cho đến tuổi trung học.  Mấy mươi năm qua đã bao thế hệ các em lớn lên tạo nên cuộc sống mới, cũng không ít các em về thăm lại chùa xưa giúp đỡ các em mới vào.   Công việc ở Cô Nhi Viện nói chung không thể nào hết việc được.  Nặng nề nhất là phần lo cho các em sơ sinh, và các em ở lứa tuổi dưới 3.  Tôi đã chứng kiến cảnh một sư cô chăm coi 20 em tuổi từ 1 đến 3 một cách rất khó khăn.  Nếu không là người tu hành, khó lòng chịu đựng được tiếng khóc này, đòi kia của cả bầy em nhỏ nhao nhao.  Chỉ việc cho các em ăn, tắm rửa, vệ sinh là cả một kỳ công.  Riêng các em 5, 6 tuổi trở lên có phần dễ săn sóc hơn, các em được vào lớp học, có người giảng dạy.  Tôi có gặp một cô sinh viên người Tây dạy thiện nguyện tại đây. Bóng dáng tuỏi trẻ Việt hình như đang vào mùa thi nến thiếu vắng.

Thiết nghĩ đến thăm  bất cứ cô nhi viện hay trung tâm khuyết tật nào cũng là điều vô cùng bổ ích cho cuộc sống của mỗi ngườ.  Đến đây ta sẽ thấy cuộc đời mình may mắn vô cùng, bao hơn thua tan biến đi, bao đau khổ bất hạnh mà nghĩ mình đang có bỗng biến hết, thấy yêu đời lạc quan hơn.  Sự bất hạnh của các em lại giúp chữa căn bịnh ảo của ta.   Cũng từ đó thương các em, góp phần giúp các em sống đỡ bất hạnh hơn.

Đến Huế - lăng tẩm, hoàng thành vẫn còn nơi đó, dòng Hương giang vẫn lặng lờ trôi.  Tôi thấy mình may mắn được đến thăm Huyền Không Sơn Thượng và cô nhi viện chùa Đức Sơn.  Cả hai nơi giúp tôi phần nào thấy rõ chính mình.  

Đường đi Huyền Không Sơn Thượng

Xa xa nhìn vào Huyền Không Sơn Thượng

Cổng chùa mộc mạc đơn sơ

Hoa súng tím tại HKST

Trên con đường thiền hành.

Cảnh quang hài hoà tại HKST
Cô Nhi Viện Đức Sơn - Ni cô cắt tóc cho các em.

Do thiếu người, các em nhỏ tắm rửa, chăm sóc cho các em nhô hơn

Một su cô chăm sóc hơn 20 em.
Các em nằm ngủ trưa

Huyền Lam
Chuyến thăm VN - tháng 7 2011

Wednesday, August 24, 2011

Về VN - Hạ Long và linh tinh

Nghe tôi đi Hạ Long, bạn bè, bà con đều khuyên (và đe) đừng ngủ lại trên tàu sau sự kiện chiếc tàu năm ngoái (2010) bị chìm làm thiệt mạng mười mấy người.  Theo thống kê thì mỗi năm có khoảng hơn triệu người đi du lịch Hạ Long, cũng khoảng 10 năm rồi mới có 2, 3 vụ tàu chìm do bão tố, tai nạn.  Nếu như thế thì xác xuất đi xe từ Hà Nội về Hạ Long bị chết do xe tông, bò húc, tài xế ngủ gật cao hơn nhiều.  Đã vượt qua nguy hiểm số một thì tội gì không vượt nguy hiểm số hai.   Thế là tôi quyết định đi tour ngủ đêm trên vịnh Hạ Long.

Sáng sớm xe buýt Sinh Cafe đến đón tại khách sạn.  Con đường đi Hạ Long khá tốt, rộng thoáng như đường cao tốc.  Xe chạy khoảng hơn 3 tiếng đã đến Hạ Long.   Dọc đường, ruộng làng miền bắc thỉnh thoảng xen kẽ với những khu công nghiệp hiện đại.   Có lẽ tương lai không xa hình ảnh “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” sẽ rất hiếm hoi, thay vào đó là những chiếc xe công nông ngày càng được sử dụng nhiều.  

Hầu hết khách đi Hạ Long đều phải lên tàu qua cảng Bãi Cháy.  Khu vực này đầy ngập khách du lịch ta lẫn nước ngoài.  Tuy nhiên hạ tầng cơ sở ở đây khá đơn giản  không tương xứng với kỳ quan Hạ Long.    Những trạm dừng chân (rest-stop) giữa đường trước khi đến Hạ Long lại được thiết kế rất đẹp với đầy đủ quầy hàng mua sắm, nhà vệ sinh.  

Tại Bãi Cháy, ghe nhỏ chở tôi cùng 19 du khách (12 Việt, 8 nước ngoài)  ra du thuyền Sen Vàng (Golden Lotus ) đậu xa bờ.   Chiếc Sen vàng được đóng năm ngoái nên còn rất mới.  Tàu có 10 phòng ngủ khá đẹp trang bị máy lạnh, trong phòng có nhà tắm phòng vệ sinh hiện đại. Bên cạnh đó tàu còn có nhà hàng, bar, sân thượng tắm nắng.   Với giá 90 usd  cho mỗi người bao gồm đón đưa từ Hà Nội, đi du thuyền, xem hang động, chèo kayak, ăn uống vui chơi 2 ngày thì tương đối khá mềm so với nước  ngoài.   

So với cruise ship  phương tây có sức chứa mấy ngàn khách như một thành phố nổi, tôi  thích đi du thuyền nhỏ chỉ chở tối đa 20 khách.    Ở đây ta có dịp làm quen với mọi người, chuyện trò cùng thủy thủ đoàn, từ thuyền trưởng cho đến bếp trưởng.   

Bên cạnh thăm quanh thắng cảnh, du khách được chèo Kayak quanh một số đảo khá thú vị, nhất là những lúc chèo qua các hang động.  Ngoài ra còn được leo núi vào thăm hang Sửng Sốt, tuy không lớn như Phong Nha nhưng đẹp cũng không thua kém bao nhiêu.   

Cảnh đẹp vịnh Hạ Long qủa thật có một không ai trên thế giới.     Chiều hoàng hôn, ngồi trên boong tàu nhìn biển cả, núi non thay đổi sắc màu, chìm vào đêm tối, hay bình minh dần dần xua tan sương mờ, cảnh vật lung linh làm tôi mê dại, ngỡ ngàng trước vẻ đep diệu kỳ dù rằng đây là lần thứ 2 tôi đến nơi nàỵ.  

Lời khen:  Thủy thủ đoàn du thuyên Sen Vàng rất nhiệt tình, nấu ăn ngày 3 bữa rất ngon, phục vụ du khách chu đáo, giường phòng sạch sẽ.  Ban đêm phòng ăn biến thành bar nhạc karaoke rất ấm cúng cho người thích hát.  Sun-deck rất rộng, tha hồ nghỉ ngơi hay tập thể dục.  

Tại Hạ Long có khoảng 500 du thuyền,   nhưng do phân tuyến và  tất cả thuyền đều được đóng, sơn theo mẫu xưa nên rất hài hoà cùng khung cảnh sơn thủy hữu tình của vịnh Hạ Long.        

Góp ý:  

Làm thế nào để Hạ Long sạch đẹp là trách nhiệm của mỗi du khách Việt Nam và người dân sinh sống tại đây.  Trên vịnh có vài nơi rất nhiều rác, bao ni-lông, chai bì trôi lềnh khềnh rất phản cảm.   Trên tàu như chiếc du thuyền Sen Vàng có nhiều thùng rác, nhưng khách Việt thường có thói quen cứ liệng xuống nước cho rảnh tay dù thùng rác chỉ có cách vài bước.  Có vài anh đứng chuyện trò với tôi, vừa ăn uống quăng bao bì xuống biển vừa chê trách nhà nước xây cái gì cũng chóng hư.  Không khéo những thứ nhà nước không xây cũng hư luôn mất!

Chuyện 20 năm trước:
Dạo ấy đường đi Hạ Long rất cách trở, phải qua 2 con phà và đường rất nhỏ, tốn khoảng 5, 6 giờ từ Hà Nội mới đến được Hạ Long.  Thuyền đưa du khách tham quan là những tàu đánh cá nhỏ được sửa chữa lại.  Ngày ấy Hạ Long rất sạch, thuyền chạy buồm thiệt vẫn còn, tạo nên khung cảnh rất nên thơ.  

Trên chuyến thăm lần đầu của tôi toàn là khách Tây cũng do Sinh Cafe tổ chức.  Lúc chờ qua phà ở Cẩm Phả, tôi ghé thăm hàng quán quanh bến phà.  Hai chàng Tây (dạo ấy chưa có từ Ba-Lô để nói đến du khách phương Tây thuộc dạng tiết kiệm) người Anh đứng trả giá một nải chuối với cụ già lụm khụm khoảng 70 tuổi.  Trả giá qua lại tương đương khoảng 6 trăm VN bây giờ (khoảng 3 cent  .03 usd)  nhưng cụ bà chỉ bán tám trăm (khoảng 4 cent  .4 usd)

Hai tên Tây ba-lô không mua, nhưng nói với nhau rằng:  “Bà ta tham lam quá,  ở Lào mình mua cũng chỉ vây, cái dân VN già như bà này cũng tham lam”

Dạo ấy tôi vẫn còn trai trẻ thuộc diện hàng hai chưa tới hàng ba, máu nóng còn nhiều.  Nghe hai tên Tây ba-lô nói thế, đụng đến tự ái dân tộc, tôi gào to,  rủa nó nhiều câu chắc cũng nặng nề.  Còn nhớ mình nói một đoạn rằng::  “....Mày, ở bên nước mày chừng đó tiền mua được 1 trái chuối chưa mà hạ nhục bà già là tham lam.  Mày đừng có nghĩ rằng muốn xúc phạm ai thì xúc phạm, mày về nước mày mà chưởi sao dân  nước mày bán mắc gắp trăm lần ở đây nhé!”

Hai tên Tây sửng sốt vì cứ tưởng tôi không biết tiếng Anh.  Hắn ta đỏ mặt rồi lầm lủi đi.  

Anh hướng dẫn viên du lịch hỏi tôi , sau khi nghe chuyện, anh ta bảo rằng: “có mấy đứa Tây nó keo kiệt, dơ bẩn đến khiếp anh ơi.  Thậm chí tụi đó vào nhà hàng, ăn no nê xong chê dỡ quá đòi chỉ trả 1 nửa tiền.”

Tôi nói với anh ta: “Keo kiệt là chuyện riêng của họ, nhưng không được xúc phạm!”

Ngày nay người Việt hiểu khách du lịch Tây hơn.  Chữ Tây Ba-Lô được dùng để phân biệt Tây binh thường và Tây mang Ba-Lô đi du lịch, rất ư biết “tiết kiệm”.


Du Thuyền Sen-Vang - Golden Lotus


Phòng ngủ trên du thuyền

Du thuyền trên vịnh. Buồm chỉ để trang trí, tất cả đều chạy bằng động cơ dầu

chèo kayak trên vịnh
Một phần của hang Sửng Sốt


Huyền Lam
(Chuyến đi VN tháng 7-2011)

Saturday, August 13, 2011

Về VN - Một vài hình ảnh Hà Nội

Sân bay Nội Bài rộng thoáng

Tượng đài Lý Thái Tổ - vị vua thành lập Thăng Long Hà Nội (các em teen  lăn lộn theo nhạc rap,  phía xa xa là các em đang tập nhún)

Lối vào và cổng chào Sheraton Hà Nội - được thiết kế theo cổng làng miền bắc
Khu vườn Sheraton Hà Nội với hòn dã sơn, thạch kiều, nhà thủy tạ

Hồ Tây Hà Nội, nhìn từ tầng 17 Sheraton.  Màu ngói đỏ điểm tô sức sống, bức tranh sắc màu .

Hồ Tây nhìn ngang từ mặt đất


Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

Chùa Một Cột - biểu tượng Hà Nội nên quá nhiều du khách

Làm Tò Hè bằng bột  ngoài cổng viện bảo tàng dân tộc học

Văn Miếu

Ông Tây cũng thắp hương cầu chữ nghĩa tại Văn Miếu

Người Hà Nội  nghiêm túc thi hành luật giao thông

Chụp từ trong xe khi thấy cảnh mấy ông Tây rất mê bia hơi Hà Nội
Sinh Cafe thật...bảng hiệu câu đầu có nói đã đổi tên và logo

Thursday, August 11, 2011

Về VN - Lang Thang Hà Nội

Chiếc Airbus 321 của VN airline rời TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội lúc sáng sớm.  Máy bay VN rất hiện đại do hầu hết đều mới mua hoặc thuê của nước ngoài.  Đội ngũ chiêu đãi viên xinh đẹp, điển trai,  lịch thiệp tuy hơi ít cười. Nét tươi vui trên khuôn mặt đẹp sẽ đem lại ít nhiều thư giãn trong không gian chật hẹp.  Tôi ngồi ở gần phiá sau, hầu như ít nghe hành khách Việt nói  tiếng “cám ơn”  khi được nhân viên trao thức ăn, nước uống.  Có phải chăng mình sống ở nước ngoài lâu năm nên lúc nào cũng “cám ơn”  khiến hai chữ này không còn giá trị?   Đến phiên nhận phần ăn, tôi  mỉm cười nhìn sâu vào đôi mắt cô tiếp viên: “cám ơn cô”.  Khuôn mặt khả ái ấy lại mỉm cười đem đến cảm giác ấm áp, đón mừng.  Có thật quá đáng không khi thiền sư Nhất Hạnh dạy bài học đầu tiên cho đệ tử  “Thở ra miệng mỉm cười” hoặc lý do gì tượng Phật nào cũng mỉm cười.

Khoảng hai giờ bay, chiếc Airbus hạ độ cao đi vào không phận ngoại ô Hà Nội, những mái ngói đỏ tươi dưới ánh nắng hè như những đoá hoa vươn toả sức sống.  Những ao hồ nho nhỏ san sát ngày xưa hầu như không còn dấu vết.  Cũng bầu trời này, trong lần ghé thăm Hà Nội lần thứ 2 vào giữa thập niên 1990, trên chiếc máy bay Liên Sô TU, tôi ngạc nhiên hỏi người bên cạnh:

“Người dân miền bắc nuôi con gì mà đào ao lúc nhúc, dày đặc thế này?”
Bác cán bộ trung niên đi công tác trả lời:  “hố bom B52 rải thảm đấy!”    Khi ấy tôi mới hình dung nổi số bom đạn thả ở xứ VN bé tẹo nhưng gấp mấy lần chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài rộng thoáng.   Đường từ Nội Bài về Hà Nội dài hơn 30 cây số nhưng được thiết kế gần giống đường cao tốc.  Đoạn về hồ Tây có đi qua con đường gốm sứ vừa được xây xong để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.  Con đường xinh đẹp ấy có nhiều đoạn được người bán hàng rong, rau quả tận dụng.   Gìn giữ cho bức tranh gốm dài 6 ki-lô-mét ấy được mãi luôn sạch đẹp có lẽ cũng tốn khá nhiều công sức, nước bọt.

Trước khi đi VN, người em làm quản lý điều hành khách sạn Sheraton ở nước ngoài tặng cho “số điểm khuyến mãi”  hưởng được trong quá trình làm việc.  Với số điểm này khi mướn khách sạn Sheraton ở VN tôi được bớt 65% tiền phòng, 50% tiền ăn uống.  Nếu không được giảm giá, tôi không thể nào vào được khách sạn Sheraton Hà Nội  bên hồ Tây mơ mộng với giá phòng cơ bản từ 150 USD trở lên.

Sheraton Hà Nội được thiết kế hoa mỹ, mang đậm nét văn hoá bắc bộ, lấy đình làng làm cổng đón chào quan khách.  Sau khi làm thủ tục nhận phòng, tôi đi taxi về hướng Hồ Hoàn Kiếm thăm tượng đài vua Lý Thái Tổ trước khi tham quan các nơi khác.  Nơi chốn trang nghiêm rộng thoáng để tưởng niệm vị vua thành lập kinh thành Thăng Long đã bị không ít các em teen đem nhạc rap ra tập nhảy, lăn lộn điên cuồng trên sàn đá hoa cương mát lạnh.  Trong lúc chờ các em nghĩ mệt, tôi thắp vội nén hương cho ngài.

Hai ngày đầu ở Hà Nội, tôi lấy tour đi tham quan các điểm chính yếu:  Văn Miếu, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, quảng trường Ba Đình, lăng Hồ Chí Minh, viện bảo tàng Dân Tộc Học...v.v.    Nói chung Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại có nhiều điểm tự hào nhưng cũng có điểm cần cải thiện.

Dù Hà Nội cố gắng gìn giữ nhưng đang mất dần đi không gian xanh, tĩnh mặc của ngày xưa. Ba mươi sáu phố phường Hà Nội là di sản văn hoá nhưng cần học hỏi phố cổ Hội An trong cách bảo quản, điều hành.  Phố cổ Hà Nội chen chúc xe người với đủ trang thiết bị hổn loạn lấn chiếm lòng đường.  Đi trên phố cổ Hà Nội, ta không có cảm giác thời gian ngừng trôi, trở về khung cảnh quá khứ.

Chuyện bên lề:

Khách Việt Nam ở Sheraton Hà Nội ăn mặc khá nghiêm trang, cầu kỳ.  Lúc đầu tôi cứ tưởng nơi đây toàn người nước ngoài, nhưng thật ra VN chiếm đa phần.  Khu nhà hàng buffet lúc nào cũng đông khách nhưng hầu hết là khách Việt với giá 75 usd một phần ăn.  Dù được giảm phân nửa nhưng tôi không vào đây một buổi nào.    Nhìn đồ ăn sung túc chắc cũng đòi hỏi ăn xong tập thể dục nghiêm túc.

Khu vực nhà hàng gọi món thì lưa thưa vài khách Tây và chẳng có bóng người Việt nào.  Những món Việt thuần túy như canh cá, rau muống xào tỏi, thịt kho rim được nấu rất ngon với giá rẻ hơn rất nhiều so với buffet.    Hỏi cô tiếp viên vì sao không thấy người Việt: “người Việt thích ăn buffet hơn các món dân dã này...”

Một buổi chiều đón taxi vào khu phố cổ tìm Sinh Cafe để mua tour đi Hạ Long.  Do đường chật hẹp, kẹt xe nên tới đầu phố cổ, tôi kêu xe ngừng cho mình cuốc bộ.  Dọc con đường hàng chục bảng hiệu Sinh Cafe nhưng lại không trùng số nhà.  Một số bảng hiệu có đính kèm theo vài câu “This is the real Sinh Cafe”...

Lòng hoang mang, định ghé vào nhưng lại ngại ngùng và thầm bảo rằng ráng tới đúng điạ chỉ xem sao.   Đến nơi thì Sinh Cafe đã được đổi thành The Sinh Tourist và cô trạm trưởng bảo rằng thương hiệu cũ đã được nhái tại Hà Nội trước khi có luật bảo vệ nên không làm gì được, giờ chỉ có cách đổi tên toàn quốc.

Mua vé đi Hạ Long xong thì cũng đến giờ “tan tầm”, cô trạm trưởng bảo rằng nếu không ngại nắng, khói bụi thì đi xe ôm cho mau, nếu đi taxi chắc lâu khoảng 3, 4 lần.  Tôi nhờ cô kêu giùm chiếc xe ôm và lạn lách giữa những giòng ô tô kẹt cứng.  Xe vừa chưa tới cổng Sheraton đã có tiếng bảo vệ quát to:  “Không được vào”
Tôi ngạc nhiên hỏi:  - sao vậy?

- cấm không cho xe 2 bánh vào!
- tôi ở trong này thì xe ôm đưa vào được chứ?
Nhìn cái tướng quê mùa dỡ dỡ ương ương, mặt mày nhoè nhoẹt mồ hôi,  ăn mặc toàn đồ bá nháp mòn cũ, chả có chút hàng hiệu nào, anh bảo vệ nói:  Thiệt đấy không bác, bác  mà ở trong này à, có gì chứng minh không?
Tôi rút cái thẻ phòng đưa cho anh bảo vệ!
Anh bảo vệ nhỏ nhẹ: - Xin bác thông cảm,  em mà cho chiếc xe ôm này vào, xếp đuổi việc em ngay.

- thả người xuống là xe ôm đi ngay cũng không được à?
- dạ không, vì chưa có ai đi xe ôm vào đây cả bác ạ!

Huyền Lam
(Ghi lại chuyến đi ra Hà Nội ngày 11 tháng 7)

Tuesday, August 2, 2011

Về VN - Tản mạn ngày đầu tiên

Sáng sớm đầu tiên lên sân thượng tầng 4 ở quận 1, nhìn thành phố binh yên đang thức ngủ, tiếng chim líu lo, nhớ lại mấy mươi năm trước cũng đứng trên sân thượng như thế này, bầu trời ngày ấy từng đoàn trực thăng náo loạn  đan kín như châu chấu, xa xa những cột khói tiếng bom đạn vọng về.  Cảm xúc ngập tràn.   Mong rằng người VN dù trẻ hay già hiểu đuợc nổi tang thương của quá khứ để suy nghĩ chín chắn trong mỗi hành động của mình để mãi giữ vững tổ quốc bình yên.

Ngồi quán cốc ngoài đường, uống ly cà phê buổi sáng nhìn xe chạy ngược xuôi như đàn kiến thấy vui vui, mỗi chiếc xe chuyên chở sức sống mãnh liệt của mỗi người.  VN ngày càng có nhiều người giàu và càng có nhiều ô-tô, tương lai nạn kẹt xe chắc sẽ khủng khiếp, giải pháp nào cho đất nước đang vươn lên khi diện tích đất nước không hề tăng? 

Ghé VN Airline lấy vé để hôm sau đi Hà Nội,  Ghé VietTel mua cái USB để có mobile internet và mua sim cho điện thoại.  Ở VN vấn đề lắp đặt internet và điện thoại di động thật dễ dàng, chỉ trong vài phút là đã kết nối được cả thế giới bên ngoài.

Facebook ở VN bị chặn như để cho vui vì ai cũng tải về một phần mềm khá đơn giản để vào FB.  Có đất nước nào như VN khi kênh truyền hình ngoại quốc chiếm đa số, vào bất cứ rạp chiếu phim nào, hơn 90% là phim ngoại.  Nếu ở Anh, Pháp, Mỹ mà có hiện tượng như thế thì sẽ ra sao nhỉ? 


Huyền Lam