Sau mấy ngày tham quan thủ đô Hoa Kỳ, trước khi rời Washington DC để đi Atlantic city, người bạn quen từ hồi trại tị nạn mà thỉnh thoảng cả năm mới liên lạc một lần, mời về nhà thăm. Những ngày qua P thỉnh thoảng đến khách sạn thăm tôi hoặc ra ngoài ăn tối chung.
P cũng chỉ mới chuyển đến DC từ tiểu bang khác vài năm thôi. P lập gia đình nhưng người bạn đời đã ra đi, có hai con Lisa và Kevin 11, 9 tuổi. P làm một bữa ăn VN đơn giản đãi tôi. Hai con P sinh ở đây nhưng nói được tiếng Việt dù không trôi chảy cho lắm.
Sau bữa ăn, tôi ngồi nói chuyện vui đùa cùng P và hai cháu Lisa, Kevin, hỏi chuyện học hành. Tôi hỏi Lisa có làm đề án nào đặc biệt cho lớp học không? (any special, interesting school project?) Lisa ngập ngừng nửa muốn nói, nửa không, rồi trả lời là có làm bản nghiên cứu về nhạc cụ Việt Nam. Tôi khen em, xin em cho xem. Nét mặt Lisa bối rồi nhìn P chờ sự cho phép. Tôi hơi ngạc nhiên, vì trẻ em thường khoe đồ mình làm. P nhìn con mỉm cười, gật đầu.
Lisa chạy vào phòng lấy ra tấm bìa cứng đã hơi nhoè nhoẹt vì không còn xử dụng, khổ 1.5 mét x 1 mét,
Hai lá cờ...làm tôi sửng sờ, choáng váng.
P nhìn tôi ánh mắt tìm sự đồng cảm. Nhiều năm lưu vong ở xứ Hoa Kỳ, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một hình ảnh như thế: Lá cờ Việt Nam được toàn thế giới công nhận và lá cờ miền nam trước 1975 cùng có mặt trên bản nghiên cứu nhạc cụ VN của em bé sinh ra tại nước ngoài.
Lisa và người bạn cùng lớp làm chung bản nghiên cứu để trưng bày tại nhà trường cho các học sinh khác xem. Chuyện một em sinh ra ở nước ngoài, chịu khó nghiên cứu đề tài này giữa nền văn hoá nghệ thuật Hoa Kỳ hấp dẫn cả thế giới là chuyện đáng khen, đáng nể, nhất là ngay cả nhiều trẻ em, người lớn bên VN còn không quan tâm. Bản nghiên cứu đơn giản nhưng so với số tuổi của em là sự vượt bậc.
Thế nhưng tâm hồn trong trắng Lisa phải đối mặt với bao rối rắm. Em sinh ra ở đất nước được mệnh danh là tiền đồ dân chủ tự do tuyệt đối, thế nhưng em không thể nào hoàn toàn thoát ra được vòng kim-cô vô hình do một số bậc cha ông còn cưu mang từ quá khứ xa xôi.
P kể lúc đầu Lisa đem tấm bảng ra khoe. Khi nhìn thấy lá cờ, P hoảng hốt, sợ run dù năm nào cũng về VN... P liên tưởng đến những cuộc biểu tình, chống đối, chụp mũ. Rồi người ta sẽ kéo đến nhà, đến trường đã đảo con mình, gọi tên con bằng từ ngữ hận thù. P thuyết phục con và người bạn làm chung bỏ lá cờ đi thay vào đó là lá cờ miền nam trước 1975 để khỏi phiền phức. Hai em không chịu vì thầy cô bạn bè trong trường chỉ biết đến VN qua lá cờ hiện tại. Cuối cùng P thuyết phục hai đứa thêm vào lá cờ bên dưới, lỡ có ai chống đối thì bảo rằng người bạn Lisa (không phải gốc Việt) cùng làm chung nên phải tôn trọng ý kiến riêng. Còn riêng với trường học thì Lisa có thể giải thích rằng đây là lá cờ của miền nam ngày xưa nơi mẹ Lisa xin ra, cũng giống như lá cờ miền nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến (Civil war) mà nay đã được thay thế bằng lá cờ hiện tại của lực lượng chiến thắng, thống nhất đất nước hơn 1 thế kỷ qua.
Rất nhiều bậc phụ huynh người Việt tại Hoa Kỳ, Úc phải nhức đầu, trăn trở vấn đề này. Biết bao người đem con em về thăm quê hương xứ sở cho biết đất nước cha mẹ mình ra sao. Rất nhiều em, qua chuyến đi, cảm kích yêu thương VN và hằng năm trong các chương trình văn hoá nghệ thuật tại trường, các em muốn trình bày về VN. Nhưng khi các em dùng lá cờ để biểu tượng cho công trình của mình thì được cha mẹ "tư vấn" cấm triệt....
"chuyện người lớn, phức tạp lắm, con đừng hỏi nữa, để lá cờ này lên thì con và ba mẹ không yên với mấy ông ấy ..."
"chuyện người lớn, phức tạp lắm, con đừng hỏi nữa, để lá cờ này lên thì con và ba mẹ không yên với mấy ông ấy ..."
Không những chỉ chuyện học đường, biết bao chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc công trình văn hoá do thành phố tài trợ chi phí phải hủy bỏ vì chuyện biểu tình. Tiêu biểu là tại khu công viên nổi tiếng thế giới Balboa Park tại thành phố San-Diego. Cách đây trên 10 năm, thành phố chi tiền xây nhà văn hoá cho các quốc gia có nền văn hoá nổi bật. Việt Nam là một trong 36 quốc gia được chọn. Vì là trung tâm du lịch quốc tế, tại mỗi nhà văn hoá thành phố sẽ treo cờ quốc gia đó. Tuy nhiên một số người Việt đã biểu tình rùm beng vì không chấp nhận lá cờ. Kết quả là ủy ban thành phố San Diego đã chọn quốc gia khác. Việt Nam mất đi một trung tâm giới thiệu nền văn hoá đến thế giới. Con em người Việt hải ngoại mất đi nơi chốn học hỏi, tìm hiểu về nguồn gốc quê hương của cha mẹ...
Rời nhà P, tôi tiếp tục chuyến du hành theo chương trình định sẵn. Hình ảnh tấm poster thỉnh thoảng làm tôi suy nghĩ. Đêm cuối cùng ở thác Niagara - Canada, vào internet đọc được tin và xem video clip: Cách đây một hôm, Lý Tống giả gái lên tặng hoa rồi xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Bên cạnh đó tin tức bà ngoại trưởng Clinton tuyên bố đồng hành cùng Việt Nam trên mặt trận biển đông làm Trung Quốc nổi giận. Đây là thành quả ngoại giao khôn khéo của VN trong vấn đề quốc tế hoá Hoàng Sa, Trường Sa nhằm bảo vệ tổ quốc. Một tuần sau, phái đoàn chuyên gia đa ngành Việt Nam đáp máy bay hạ cánh xuống siêu mẫu hạm, tàu sân bay lớn nhất thế giới George Washington đậu ngoài khơi Đà Nẵng, kế cận Hoàng Sa để tham quan và học hỏi. Ít hôm sau, khu trục hạm (Destroyer) McCain cập cảng Tiên Sa-Đà Nẵng vừa thăm viếng vừa tập trận. Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam lộng gió bay song song cùng lá cờ hoa nước Mỹ trên đỉnh cao chiến hạm.
Sau 3 tuần lang thang, trở vào công ty làm, gặp người bạn Hoa Kỳ vừa đi du lịch VN mặc chiếc áo "I love VN" với lá cờ đỏ sao vàng to lớn. Tôi thử lửa anh ta bằng cách rủ anh đi ăn trưa ở tiệm phở. Người Việt nhìn anh ngạc nhiên, đa số tủm tỉm cười. Không một ai có thái độ chống đối anh. Cũng là người Hoa Kỳ sinh đẻ tại đây, nhưng con em gốc Việt chắc chắn không có được cảm giác "tự do" để bày tỏ như vậy!
Trải qua một chuyến chơi xa
Tấm hình trông thấy làm ta xoay vòng....
Huyền Lam - Mùa Báo Hiếu Vu Lan 2010
*Tên nhân vật đã được thay đổi và xoá...
*Tên nhân vật đã được thay đổi và xoá...