Wednesday, April 28, 2010

Khi đàn chim về

Tôi vốn người miệt quê. Thưở nằm nôi đã vùi trong rơm rạ, quen mùi luá chín cỏ đồng.  Khi lớn lên ra trường trên xứ người, tôi vẫn tìm về tỉnh lẻ, kiếm miếng đất vườn ở ngoại ô làm nơi cư trú.  Làm người miệt quê, có người cho rằng thiệt thòi nhiều mặt so với thị thành, tuy nhiên cũng có nhiều điều hay:  nhà đất rẻ gấp mấy lần, thoát nạn kẹt xe, nhất là được hít thở không khí trong lành.  Tôi thích buổi sáng sớm mùa xuân lành lạnh, giữa tiếng chim hót líu lo, làm đất, tỉa cây, trồng hoa, gieo hạt, những lúc ấy bao lo lắng, căng thẳng tan hết để lại trong tôi cảm giác an lạc hạnh phúc vô cùng.


Vì không ai săn bắn nên nhiều loài chim chọn làm nhà trên mảnh đất vườn.  Có loài sống quanh năm, có loài đến vào mùa xuân, ra đi khi đông giá về. Mùa này chim bắt đầu làm tổ, mỗi loài chọn cho mình một nơi thích hợp. Tuy nhiên có một loại tiếng Anh gọi là động vật phá hoại "pest".   Đây là loài chim có màu sắc, kích thước giống con sáo đen bên Việt Nam nhưng dữ,  thông minh hơn rất nhiều và sống theo bầy đàn.  Những năm đầu do không để ý, loài sáo đen chỉ chừng 10 con, nhưng giờ đây lên cả trăm con.  Chúng đến vào mùa xuân, sanh con đẻ cái rồi ra đi khi lá vàng rơi.   Tuy nhiên bất cứ loài chim nào làm tổ trong khu vực, chúng đều canh cho đến khi trứng vừa nở là gắp chim con đem đi liệng.  Vì thế loài chim hót hay như Sơn Ca vàng, Sơn Ca cổ đỏ luôn sống trong phập phòng lo sợ: sinh rất nhiều nhưng tồn tại chẳng bao nhiêu, vì chim ác... đem con liệng hết!    Ngay cả diều hâu, đại-bàng  to gấp mấy chục lần, chuyên bắt thỏ và loài chim khác để ăn cũng sợ loài sáo đen này.  Mỗi khi thấy bóng diều hâu, đại bàng, quạ đen là chúng dẫn cả đàn bay lên mổ hội đồng như chúng ta bị đàn ong nhỏ bé đốt.  Đại bàng chỉ còn cách bay thục mạng trước khi bị chúng vặt không còn cọng lông, rớt xuống nghe cái bịch...thành đại bàng..trụi cánh!


Mấy nông trại hàng xóm xúi tôi mua súng hơi bắn bi về trị đám sáo đen như họ làm, nhưng tôi không dám ra tay như thế!  Thấy ác làm sao!  Tôi cũng động lòng mỗi sáng sớm  thấy chim sơn-ca con bị chúng đem thả chết trong ao cá ngoài vườn.   Suy nghĩ mãi không biết làm sao thoả mãn đôi bên cho hợp tình hợp lý.  Một đêm  đang nằm mơ thấy mình chạy te te rượt đàn sáo đen đang tấn công loài chim Robin hiền hoà  thì bị trượt chân té "đau quá" tỉnh giấc!    Giận loài sáo đen, đến nổi ngủ cũng không được giấc mơ cho đẹp!  Bật đèn bò xuống bếp uống ly nước cho qua cơn "giận", cầm tờ báo trên bàn nghía cho vui bỗng để ý có hàng tít tiếng Anh:  "Kế hoạch hoá gia đình tại Trung Quốc."  À, thì ra ta đã có giải pháp vẹn toạn rồi.  Ta sẽ theo chính sách của Mao Chủ Tịch:


Hai  vợ chồng chim sáo đen tụi bây chỉ có 1 con thôi, cho đến khi số lượng hoà hợp cùng các loài chim khác trong vườn!


Thế là từ năm ngoái khi xuân đến sáo đen về, tôi kiểm soát từng cành cây trong vườn, làm dấu những nơi chúng làm tổ.  Mỗi chiều về đi lượm trứng chim sáo đen, chỉ để lại trong tổ 1 trứng.  Mỗi con thường đẻ 5, 6 trứng, khi nào cầm trứng ấm là tôi biết trứng đã được ấp và không lấy trứng ở tổ đó nữa.  Cách làm này tôi thấy tội tội sao đó nhưng chẳng biết cách nào khác hơn.  Trứng gom về cũng chẳng biết làm chi, hết mùa lại đem đi chôn.  Kế hoạch hoá gia đình cho chim tương đối thành công vì bầy sáo đen tuy còn đông nhưng không đông như năm ngoái.  Chỉ cần vài năm nữa là đàn sáo đen được giảm thiểu xuống để quân bình, hết hiếp đáp các loài chim hiền lành yếu ớt khác.  Trong giấc ngủ thế nào tôi cũng mơ thấy mình được bầy chim đủ loại hót vui khắp vườn, rồi thầm cám ơn chính sách dân số của Mao Chủ Tịch vĩ đại.  :)


Huyền Lam
Mùa Chim Đẻ - 2010


Đất vườn nhà gồm nhiều cây tùng diệp phiá sau ao cá




Tổ chim được đánh dấu




Loài sáo đen giống quạ nhưng nhỏ hơn quạ, bằng sáo đen VN


Loài sáo đen hung dữ tấn công chim đại bàng




Loài sơn-ca vàng (đầu trang) và cổ đỏ, nhỏ bằng chim sẻ, hót rất hay.




Chim Robin to bằng chim cu, chim cút.




Trứng chim Robin có màu ngọc xanh rất đẹp. Có lẽ trứng robin đẹp nhất, to bằng trứng chim cút.




Trứng chim sáo đen




Trứng chim sơn ca cổ đỏ




Kích thước trứng chim robin, sáo đen và nhỏ nhất là sơn ca




Trứng sáo đen thu được trong chương trình kế hoạch hoá gia đình :)

Friday, April 23, 2010

Một năm nhìn lại hành trình Phật Ngọc

Từ đất khách quê người, theo dõi tượng Phật Ngọc Hoà Bình đến Việt Nam cách đây hơn một năm, lòng rộn ràng niềm vui khi vào thăm trang nhà GiacNgo.vn hoặc Phattuvietnam.net thấy được hình ảnh dân chúng đông đảo ngày đêm xếp hàng kính lễ đức Thế Tôn.  Tuy nhiên mãi đến tuần qua khi người bạn cho mượn cuốn DVD phim tài liệu ghi lại hành trình Phật Ngọc tại VN, người viết mới vỡ oà trong cảm xúc, rung động hạnh phúc tột cùng. Thương quá đi thôi các cụ già gần đất xa trời mon men ngước nhìn Phật Ngọc với tấm lòng mộc mạc thành kính giữa biển người nhấp tâm cầu nguyện.  Mến quá đi thôi các em nhỏ, ánh mắt long lanh nhìn đức Phật mỉm cười và các em cũng cười hiền dịu. 


Từ sau ngày VN thống nhất, có lẽ chưa bao giờ nội lực Phật Giáo VN được ghi lại sống động, chân thật như thế.   Tự ngàn năm, Phật Giáo VN  luôn gắn liền vận mệnh quê hương, trải qua bao thăng trầm lịch sử, trải qua bao áp bức bất công từ các thế lực ngoại quốc xâm chiếm quê hương, VN đứng vững tồn tại, Phật Giáo VN cũng hiền hoà tồn tại.  Có lẽ hình ảnh người dân đủ mọi thành phần xếp hàng nối đuôi dài ngoằn ngoèo, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác chỉ mong được chiêm ngưỡng đức Từ Phụ cũng đủ nói lên đạo Phật bình dị, âm thầm nhưng luôn tuôn chảy mãnh liệt trong dòng sinh mệnh dân tộc. 


Dẫu biết rằng đã quá trễ và không còn mang tính thời sự nóng bóng, tôi vẫn xin viết dòng chữ này để vô vàn cám ơn đạo diễn Điệp Văn đã kết nối, ghi lại hình ảnh qúy báu hành trình Phật Ngọc trên khắp quê hương và cô MC Lâm Ánh Ngọc dù tuổi chỉ  ngoài hai mươi nhưng đã đem hết tài năng sáng tạo lẫn tâm đạo để biên tập thuyết minh cho cuốn phim đầy giá trị.   Cuốn phim đã đem lại nhiều nước mắt hạnh phúc cho người xem, góp phần không nhỏ trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh.   Ảnh hưởng cuốn phim không chỉ dừng tại VN mà lan rộng khắp cộng đồng Phật Giáo trên toàn thế giới, làm nguồn hứng khởi cho chùa chiền tu viện Phật Giáo tại hải ngoại mạnh dạn đứng ra tổ chức cung đón Phật Ngọc.   Hình ảnh hàng ngàn Phật tử Việt lẫn người Hoa Kỳ thành kính cung đón đức Thế Tôn tại nhiều điạ điểm  trong mấy tháng qua cũng do một phần cuốn phim tác duyên. Những nơi đến, hầu hết mọi người đều thỉnh DVD về nhà xem lại, liên tưởng cảm xúc của mình khi được chiêm ngưỡng đấng cha lành.  Phim được Phật tử nào đó tải lên YouTube vào cuối năm 2009, chỉ trong vòng vài tháng số người xem không phải con số nhỏ (phim tại:  http://www.youtube.com/watch?v=-1P-dZ_yqi0


Có lần đọc bài tâm sự của đạo diễn Điệp Văn và cô Lâm Ánh Ngọc về chướng duyên cũng như lời qua tiếng lại khi thực hiện cuốn phim này đã làm hai đạo hữu lắm lúc giao động.  Càng có tâm đạo làm việc thiện, chướng duyên càng đến nhiều như thử thách hành giả trên con đường tu tập.  Có lẽ khó khăn về tài chánh cũng là  gánh nặng không nhỏ đối với người làm công tác văn hoá Phật Giáo. Trong nhiều năm qua, Việt Nam có nhiều đại thí chủ cúng dường xây chùa đúc tượng, đây là công đức to lớn.  Bên cạnh đó chúng ta hy vọng rằng sẽ có nhiều đại thí chủ thấy được tầm quan trọng trong lãnh vực phim nhạc Phật Giáo để tài trợ cho người làm công tác văn hoá vô cùng khó khăn này.   Ánh đạo vàng được tải trong phim "Hành Trình Phật Ngọc" chính là chất liệu ngọt ngào tác động vô biên nuôi dưỡng đức tin người con Phật, góp phần xây dựng xã hội đạo đức lành mạnh đậm đà bản sắc Việt.  


Huyền Lam
Mùa Phật Đản Sanh 2010


Nối kết lịch trình Phật Ngọc tại Châu Mỹ và Châu Âu


Đạo diễn Điệp Văn và biên tập viên Lâm Ánh Ngọc









Phật Ngọc được cung đón tại tu viện Phật Giáo Pháp Vương San-Diego California









Phật Ngọc tại Houston Texas






Phật Ngọc tại Florida