Thursday, October 27, 2011

Một mai loài thú có còn không?

Bản tin loài  tê giác một sừng Việt Nam thuộc chủng loại Javan-Anamite  hoàn toàn tuyệt chủng đã làm nhiều người  cay đắng, đau lòng rơi nước mắt:   Họ là mấy trăm chuyên viên trong hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (WWF) hy sinh công sức, khí tài trong 20 năm qua, giúp VN bảo vệ loài tê giác.  Họ là những nhân viên tận tụy tại vườn quốc gia Cát Tiên ngày đêm canh gác nhưng bất lực trước lòng tham con người.  

Năm 1988 các chuyên gia động vật học VN tình cờ gặp được bộ da tê giác được đem bán ở chợ nhỏ ven rừng Đồng Nai.  Sự kiện này đã mở đầu cho việc hợp tác, khảo sát sâu rộng giữa WWF và VN truy tìm  loài tê giác Javan-Anamite tưởng đã tuyệt chủng tại lục điạ châu Á..   Đến năm 1989, từ dấu chân, bãi phân, nhóm nghiên cứu kết luận VN còn được 12-16 con tê giác trong vùng Cát Tiên thuộc chiến khu D ngày trước.  Đây là con số vàng đối với người quan tâm đến bảo tồn động vật hoang dã.  Với con số này, các chuyên gia hoàn toàn tin tưởng bầy đàn tê giác sẽ sinh sôi nảy nở đông hơn, chỉ trong vòng 10, 20 năm VN sẽ có 30 đến 50  tê giác.  Chính quyền VN phấn chấn trước kết quả của đoàn nghiên cứu đã khoanh vùng lập nên vườn quốc gia Cát Tiên nhằm bảo vệ loài động vật qúy hiếm nhất thế giới này. Ngay cả phù hiệu (logo) vườn quốc gia Cát Tiên cũng dùng hình ảnh tê giác làm biểu trưng để bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối thành công trong công tác bảo vệ, phát triển bầy đàn.  

Oái ăm  thay khi địa điểm tê giác sinh sống được cả nước vui mừng xác nhận cũng là lúc những con người muốn thay đổi cuộc đời bằng đường tắt, kéo bè, kéo lũ  tìm về săn cái sừng qúy hơn vàng ấy.  Nếu trước đây chỉ có một vài đồng bào dân tộc tình cờ gặp tê giác, người dân quanh khu vực hoàn toàn không  biết gì thì ngày nay cả nước đều biết... Bầy đàn tê giác thay vì được phát triển đã hao hụt thảm hại:  năm 1989 có 12-16 con,  1998: còn 5-8 con;   2004: còn 3-5 con, 2010: còn 1 con và bị bắn chết, 2011: xác nhận không còn dấu tích tê giác.

Người VN không những săn tê giác trong vườn nhà, còn săn tê giác trong vườn người, nơi xứ sở Phi Châu xa xôi.  Trong mấy năm qua, báo chí nước ngoài đã rùm beng nói đến các đường giây buôn lậu, bắn lậu tê giác tại Phi Châu do người VN cầm đầu.  Không ít người VN nằm tù, mới đây nhất là ngày 24 tháng 8-2011 vừa qua , 2 người VN bị tù 12 năm tại quốc gia Nam Phi (link).   

Ngày Hiệp Hội Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã Toàn Cầu  WWF chính thức tuyên bố Tê Giác VN tuyệt chủng, tất cả các hãng truyền thông lớn trên thế giới đều loan tin ảm đạm,ngán ngẩm về một viễn tượng VN sẽ còn tiếp tục tuyệt chủng nhiều con khác nếu không có phép lạ thay đổi tư duy cho dân tộc vốn tự hào cho mình có 4000 năm văn hiến.

Chúng ta có thể đổ lỗi vì dân ta nghèo, một cái sừng tê giác 50 ngàn USD có thể thay đổi cuộc đời.  Tuy nhiên ở Nepal, Ấn Độ, người dân ở đấy còn nghèo hơn cả VN nhưng tê giác vẫn được phát triển, bảo vệ bởi những nông dân nghèo nàn.  Họ nghèo nhưng ý thức được vốn qúy quốc gia, niềm tự hào đất nước, nếu mất đi con cháu họ sẽ không bao giờ thấy được.

Nguyên nhân chính yếu gây ra nạn diệt chủng các loài thú qúy hiếm không ai khác hơn những người lắm tiền nhiều của.  Tuy nhiên không phải chỉ những đại gia cần thay đổi tư duy mà chính người dân thường cũng phải thay đổi để tránh những động vật hiện không khan hiếm sẽ trở nên hiếm hoi trở thành diệt chủng.  Các tiệm nhậu bán thịt rừng phải được dẹp ngoài trừ chứng minh được nuôi tại trang trại.  Sừng tê, ngà voi, cao hổ cốt phải được coi như thuốc phiện, phạt nặng nề như ở phương Tây.  

Không phải chỉ nguồn thú rừng cần được bảo vệ, nguồn hải sản thiên nhiên  cũng phải được bảo vệ trước khi cạn kiệt hoàn toàn.  Ở đây tôi xin đơn cử chính sách bảo vệ của một tiểu bang Hoa Kỳ:

  • Cá, tôm cua chỉ được đánh theo mùa.  Mùa cá đẻ không được đánh bắt.  Tùy loại hải sản, có  loại chỉ cho đánh bắt vài tuần.
  • Bắt cứ người câu cá nào cũng phải mua giấy phép.  Giấy phép câu cá nước mặn khác với nước ngọt.  Tùy loại cá, có loại chỉ cho 1, 2 con.
  • Nghêu sò, hào, cua nhiều vô số kể nhưng cũng chỉ bắt được vài tháng một năm và cũng phải có giấy phép.  Nghêu sò lọt qua vòng tròn kích thước sẽ không được bắt, mỗi lần bắt mỗi người không quá 24 con.  Cua mái phải thả, cua đực kích thước mai cua phải dài bằng tờ tiền giấy usd, nhỏ hơn phải thả.   Mỗi lần bắt chỉ được 6 con.
  • Chính sách săn bắt thú rừng lại còn khắt nghiệt hơn dù nai, hoẵng nhiều vô kể.
  • Vi phạm luật sẽ bị xử phạt nặng nề.  Một con cua đáng giá 5usd nhưng sai phạm sẽ bị phạt cả 50usd và không hề có chuyện “thông cảm”.
  • (Đây là chính sách cho người dân, còn những người sống bằng nghề đánh cá thì số lượng nhiều hơn nhưng kích cỡ, đực cái, mùa đánh cũng giống nhau)
Người Hoa Kỳ rất vui vẻ chấp hành luật lệ, người phạm luật thường là những người mới đến định cư không am tường, hoặc tưởng rằng có thể lách luật, “thông cảm” như chốn cố hương.  

VN không quá khó tạo ra được chính sách bảo vệ như trên.  Tuy nhiên thành công hay không tùy thuộc ý thức của người dân:  Nhân viên thi hành không ăn hối lộ khi xử phạt, người dân không đụng đâu bắt đó, nhỏ lớn, đực cái không tha.

Hy vọng một ngày nào đó những tin tức kiểu bắn chết mấy con vọc qúy,  trộm nghêu lên tới 5, 6 ngàn người như tháng 9 vừa qua sẽ không còn.   Nếu không  VN tương lai chỉ còn động vật trong trang trại, trong chuồng.  Cảnh nai thỏ đi lang thang trên đồng cỏ sẽ như chuyện thần tiên trên đất nước xinh đẹp này.

Một vài bức ảnh qúy hiếm của loài tê giác VN  một sừng Javan-Annamite chụp tại vườn quốc gia Cát Tiên

Một vài bức ảnh qúy hiếm của loài tê giác VN  một sừng Javan-Annamite chụp tại vườn quốc gia Cát Tiên
Người từ phương xa hy sinh tiện nghi, thời gian, công sức đem cả chó đặc nhiệm  về nằm tại Cát Tiên cả nửa năm trời  để bảo vệ Tê Giác VN.


Người từ phương xa hy sinh tiện nghi, thời gian, công sức đem cả chó đặc nhiệm về nằm tại Cát Tiên cả nửa năm trời  để bảo vệ Tê Giác VN.
Người đẹp từ phương ta bò qua tận Phi Châu săn tê giác và đối mặt với vòng lao lý:
http://bushwarriors.wordpress.com/2011/02/14/five-major-rhino-headlines-in-one-week/

Huyền Lam
Mùa thu Ngày 27-10-2011

No comments:

Post a Comment

Góp ý: