Monday, April 22, 2013

Chiếc Tủ Thờ Nhật Bản

Chiều chủ nhật đầu năm 2013, người phụ nữ da trắng đã ngũ tuần, trao tôi tượng Phật và một tủ gỗ nhỏ màu đen được quấn giây nhiều vòng kỹ lưỡng. Bà thỉnh thoảng gặp tôi tại các lễ hội văn hoá đa quốc gia mà tôi thường dẫn đoàn múa Phật Giáo đi trình diễn. Bà cho biết cha bà theo đạo Phật đã 20 năm, vừa qua đời, bà muốn gởi tặng đồ thờ phượng người cha để lại. Theo lời bà, những món đồ này chắc cũng 100, 200 năm xưa cổ.

Tôi cám ơn bà, hứa sẽ trân qúy, gìn giữ những tặng phẩm này. Tượng Phật bằng gỗ có nét cổ xưa như đã trãi qua hằng mấy trăm năm, tỏa nét từ bi thanh tịnh. Tôi cung kính an vị ngài trong tủ kính gồm những tượng Phật khác tôi sưu tầm được. Riêng tủ gỗ nhỏ, có kích thước cao 70cm, dài 30cm, rộng 30cm, nhìn bề ngoài không có gì đặc biệt, tôi để trên bàn làm việc tại nhà, chờ hôm nào rảnh sẽ tháo giây xem. Biết đây là tủ thờ của người Nhật, mỗi lần đi ngang qua tôi dừng lại, ngắm nghía, tạo niềm vui riêng cho mình bằng cách tự hỏi, tự đoán: nội thất tủ thờ này ra sao nhỉ?

Tôi hình dung: chắc cũng đơn giản giống như tủ thờ ông Địa người Việt bán buôn thường có.

Buổi tối tuần sau, pha ly trà xanh, thấp nén hương trầm cho người quá cố, chậm chạp tháo những gút giây thắt chặt, nhẹ nhàng mở 2 cánh cửa đen. Tôi trố mắt, trầm trồ: ánh hào quang lung linh phản chiếu! Tôi ngạc nhiên như bước vào thế giới tâm linh có thật. Phía sau đôi cánh cửa đen ấy là nội thất dát vàng lóng lánh, được bảo vệ thêm khung cửa chạm trỗ tinh vi, với những mành lưới tạo nên sự huyền bí bên trong.

Sau khi mở cảnh cửa đầu tiên - ánh hào quang lung linh phản chiếu

Bố cục hoàng tráng phía sau lớp cửa đầu tiên làm tôi hồi hộp, tự hỏi không biết bên trong thế nào mà người Nhật thiết kế quá trân trọng?

Tôi cẩn thận mở khung cửa thứ 2: Một Phật Hùng Bảo Điện uy nghi, sáng ngời hiển lộ. Hình ảnh đức Phật lấp lánh, sống động toả từ quang chiếu rọi. Tôi lặng người, bàng hoàng, suýt soa: Không ngờ cái thùng gỗ bình thường ấy lại chứa đựng một thế giới tâm linh trang nghiêm, tràn đầy Phật lực đến thế.

Mở cảnh cửa thứ hai, Phật Hùng Bảo Điện Uy Nghi chiếu rọi


Tôi luôn khâm phục người Nhật rất nhiều điều, bây giờ tôi lại càng kính trọng nhiều hơn. Cách làm tủ thờ Phật không khác gì nghệ thuật họ trồng bonsai. Một cây cổ thụ to lớn được họ gởi trọn lòng thành, đem hết tâm trí làm nhỏ gấp nghìn lần nhưng không mất đi hình dáng, phong thái. Tủ thờ Phật cũng thế, họ đã đem kiến trúc ngôi chùa to lớn vào tủ thờ cỏn con, cao chỉ hơn nửa thước ấy, nhưng không hề giảm đi uy lực, nét trang nghiêm vốn chỉ có nơi chốn thiền môn.

 Bảo Điện và bức tranh Phật
Bức tranh Phật treo bên trong tủ thờ tuy không lớn, từ đỉnh đầu Đức Phật đến đáy hoa sen chỉ 7cm nhưng là nơi kết tinh cao điểm hội hoạ, kỹ thuật nhất trong toàn bộ tủ thờ. Đây cũng là điều dễ hiểu, dù tủ thờ được làm công phu đến mức nào đi chăng nữa cũng chỉ mục đích là thờ Phật. Sau khi phóng lớn bức tranh nhiều lần, cho đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc làm thế nào nghệ nhân Nhật có thể vẽ được những nét nhỏ hơn sợi tóc nhiều lần. Cách sử dụng màu và họa tiết hào quang có lẽ đã được thanh lọc qua bao đời, tạo nên tổng thể bức tranh Phật rất linh động, chan chứa hiệu ứng tâm linh.


Bức Tranh Phật được lót bìa và nền bằng kim tuyến chỉ vàng

Bức tranh Phật được phóng lớn - kích thước thật từ đỉnh đầu đến đài sen chỉ 7cm
Trong tủ thờ có 2 ngăn kéo đựng nhang đèn pháp khí, một bảng gỗ được dấu khéo trong khung, khi làm lễ được kéo ra để trưng bày chuông, đèn, phẩm vật. Việc thiết kế tủ thờ tinh xảo, gọn gàng phản ảnh không gian sống người dân Nhật khi mà nhà cửa, phòng ốc có diện tích rất khiêm tốn.

Rất khác với cách thờ của nhiều nước, hình ảnh Đức Phật được tôn trí lúc nào cũng có thể nhìn thấy, tủ thờ Phật của người Nhật luôn được đóng cửa lại, chỉ mở ra khi lễ Phật và một số ngày trọng đại. Mỗi cách có vẽ đẹp, đem lại lợi ích khác nhau. Với phương pháp của Nhật Bản, giây phút mở cánh cửa, người Phật tử đã chuẩn bị tâm hướng về đức Thế Tôn. Mở cánh cửa đầu tiên, hành giã từ bỏ thế giới bên ngoài để đi vào thế giới tâm linh riêng biệt. Nếu tâm tư chưa an ổn thì khi mở cánh cửa thứ hai sẽ giúp thanh lọc những vọng đọng để tiếp nhận năng lượng tâm linh đang được toả chiếu từ Phật Điện oai nghiêm.

Say mê, nghiên cứu tỉ mỉ từng góc cạnh, đã khuya, tôi đi tắm tỉnh táo rồi lấy bồ đoàn tĩnh tọa trước tủ thờ, tắt hết đèn điện, thắp ngọn nến nhỏ, gỏ tiếng chuông ngân vang... Một không gian phản chiếu hào quang huyền diệu. Tôi cảm được năng lượng từ bi, thanh tịnh phát toả từ đức Phật lung linh gần gũi. Ngồi thở đều, thở nhẹ, thở sâu - thấy an lạc hạnh phúc chi lạ. Ngọn nến tắt rồi tôi lại mong đêm mai thấp ngọn nến khác. Cám ơn người phụ nữ Hoa Kỳ và thân phụ bà đã cho tôi cơ hội khám phá vẽ đẹp Phật Giáo Nhật Bản mà tôi chưa hề biết tới. Nguyện cầu nhân loại sống mãi trong tình thương và sự tĩnh thức dưới ánh hào quang của đức Từ Phụ.

Thắp ngọn nến trí tuệ

Tắt hết đèn điện - Một không gian mầu nhiệm thanh tịnh - Một thế giới tâm linh sâu lắng an lạc hiện  hữu

Huyền Lam
Tháng 4 năm 2013 - Đăng tuần san Giác Ngộ số 689


Tuần San Giác Ngộ 689 lấy một bức hình làm bìa


Sunday, April 14, 2013

Người Bạn Tên John


Hôm nay ngày cuối John đi làm.  Do có khả năng tài chánh, John quyết định về hưu sớm 3 năm.  Sau buổi ăn trưa do bạn bè công ty thiết đãi, anh ghé qua phòng làm việc thăm tôi, nói câu giã từ.  

Tôi hỏi anh:  - về hưu sớm, việc đầu tiên sẽ làm gì, đi đâu?

Anh cười, mắt sáng như ước mơ sắp được toại nguyện:  -  nghĩ ngơi dọn dẹp nhà cửa xong, tôi sẽ qua Ấn Độ thăm các thánh tích Phật Giáo, rồi lưu tại Dharamsala dự khoá tu hai tháng.  


Tôi khen anh:  -  Nghĩ hưu mà làm những việc như thế hạnh phúc còn gì bằng.  


Anh kể thêm:  - Sau đó mỗi năm tôi sẽ sắp xếp đi thăm các trung tâm Phật Giáo khác, nhất là những nơi đã tàn phế dọc theo con đường tơ lụa ở Trung Á hay Borobudur ở Indonesia.  Dĩ nhiên là tôi tiếp tục hành trì, làm Phật sự tại thiền viện (Zen Center) dưới phố.


Tôi đùa:   - Sao mà ganh tị với anh quá!  tôi phải chờ tới 10 năm nữa!   Nếu đếm từng ngày chắc điên mất!

Anh trêu:  - Ráng kiếm một bà triệu phú nào đó thì về hưu sớm thôi!

***
Động Đôn Hoàng - 2 ngàn năm
John lớn hơn tôi 10 tuổi, tuy nhiên văn hoá phương tây không nặng nề tuổi tác nên chúng tôi giao tiếp như đôi bạn thân.  Anh ra trường ngành khảo cổ học nhưng làm khảo sát điạ chất trong công ty Tài Nguyên Môi Trường.  Anh có kiến thức rộng về các nguồn văn hoá khác nhau,  thích nghiên cứu di tích cổ xưa.  

Anh thật sự làm quen với Phật Giáo khi bắt đầu nghiên cứu con đường tơ lụa từ Tràng An-Trung Hoa lan tỏa đến mọi miền Trung Á đến tận Châu Âu.   Ấn bản Anh Ngữ "The Great Tang Records on the Western regions -  Đại Đường Tây Vực Ký”  của thầy Huyền Trang viết khi qua Ấn Độ thỉnh kinh vào thế kỷ thứ 6, được John nghiền ngẫm.  Từ 110 tiểu quốc được thầy mô tả chi tiết, anh truy tìm những địa danh ngày nay.   Suốt hai năm chúng tôi thường ăn trưa chung để bàn thảo các di tích trên con đường tơ lụa.  Lần theo bước đi xưa của ngài Huyền Trang, anh trầm trồ khen ngợi trước các công trình văn hoá Phật Giáo cổ xưa để lại. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, anh như khám phá kho báu được dấu kín hơn ngàn năm qua.

Một hôm, buổi ăn trưa như thường lệ, thấy nét mặt anh ưu tư.  Tôi hỏi:  - Hôm nay không có gì mới về con đường hay sao mà trông xìu thế?  

Giọng anh chùng xuống:  - Tối hôm qua chợt nhận ra rằng: vô số hang động, đền đài to lớn với hàng vạn hình tượng đức Phật dọc con đường Trung Á ấy,  những thứ mà bấy lâu nay tôi thán phục, cộng đồng Phật Giáo đã biến mất hoàn toàn.  Muốn tạo dựng những công trình vĩ đại này, vua dân hết lòng theo Phật như thầy Huyền Trang ghi lại.  Ngày nay dân chúng theo một tôn giáo hoàn toàn khác hẵn.  

Tôi trầm ngâm:  - Anh biết vì sao xảy ra như thế không?

-  Biết chứ! Đoàn quân Trung Đông tràn qua, giết sạch những ai không theo mình.  Cũng gần giống đoàn quân Tây Ban Nha đem tàu thuyền chinh phục vùng Nam Mỹ.  Văn hoá tôn giáo bản địa cũng bị đạo quân viễn chinh, các giáo sĩ gần như xoá sổ hoàn toàn.

Uống ngụm cà phê, anh tiếp:  - Nhưng lạ lùng thay, trước đó các nhà sư Phật Giáo khi đến vùng hiểm trở này lại đi lẻ loi một mình.  Vậy mà đủ trí tuệ đức hạnh cảm hoá cả quốc gia theo Phật mà không hề ép buộc, hảm hại ai.

Sau buổi ăn trưa ấy, John dành thời gian tìm hiểu Phật Giáo nhiều hơn.  Đặc tính từ bi, trí tuệ và tinh thần khai phóng bình đẵng của đạo Phật  lôi cuốn anh mãnh liệt.  John bắt đầu tham dự các khoá tu tại thiền đường Hoa Kỳ theo truyền thống Nhật Bản.   

Một lần anh hỏi:  có cần rời bỏ tôn giáo truyền thống gia đình để quy y thành người Phật tử chính thức không?

Tôi trả lời anh rằng:  Theo hiểu biết hạn hẹp của riêng mình, đạo Phật từ xưa đến nay chỉ khuyên con người bỏ ác làm lành, khai mở trí tuệ, phát triển lòng từ.  Tuyệt nhiên đạo Phật không khuyên con người bỏ đi giá trị truyền thống.  Anh có thể hài hoà trong việc hành trì Phật pháp mà vẫn gìn giữ  tôn giáo mình.  Đức Phật không muốn ai tạo ra sự chia rẽ, xa cách trong cộng đồng, gia đình.  

Năm 2001 chính quyền Taliban tại Afghanistan tuyên bố sẽ triệt phá 2 tượng Phật khổng lồ được tạc 1700 năm trước.  Đây là di tích được mô tả chi tiết trong cuốn hồi ký của ngài Huyền Trang.  Cả thế giới sửng sốt và John đã đem hết năng lực tham gia vào ủy ban vận động ngưng việc phá hủy 2 thánh địa qúy báu này.  Anh lập website, soạn thư, tổ chức hội thảo, vận động chữ ký, thiết lập mạng lưới liên lạc.     Có hôm anh vào công ty, đôi mắt thâm đen do thức đêm làm việc, trên bàn mấy lon nước  có lượng caffeine cực mạnh.

Tượng Phật khổng lồ tại Afghanistan  bị phá hủy
Trong suốt hơn một tuần, lực lượng Hồi Giáo Taliban dùng đại bác, xe tăng, bom mìn phá hủy tượng Phật cao 50 mét ấy, John theo dõi sát sao sự kiện từng giờ từng ngày và bức xúc cực cùng.   Thế giới ngậm ngùi đau xót, người Phật tử muôn phương nước mắt khóc ròng, tiếc thương công trình vĩ đại cổ xưa của Phật Giáo bị hủy hoại vì cực đoan, cuồng đạo.

Khoảng 2 tháng sau, anh trịnh trọng đưa tấm thiệp mời tham dự buỗi lễ quy y. Tôi rất đỗi ngạc nhiên.  Hôm đến thiền đường chia vui ngày trọng đại này, bên cạnh những người Phật tử Hoa Kỳ, vợ, mấy người con đã trưởng thành có mặt đầy đủ, nét mặt rất hớn hở.  Vị thiền sư thực hành quy y cho bốn người trong bầu không khí trang nghiêm, tràn đầy năng lượng từ bi với các nghi lễ rất uy nghi, dõng mạnh theo truyền thống Nhật được Mỹ hoá.  Xong phần nghi thức, từng người được mời phát biểu lý do quy y.  Đến phiên John, anh nhìn gia đình trong ánh mắt trìu mến, cám ơn gia đình đã ủng hộ nhiều năm qua.  Anh trình bày:

- Suốt mấy năm nghiên cứu Phật giáo, đến thiền đường này, không một ai khuyên tôi quy y làm người Phật tử.  Tôi rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ cách hành xử của người con Phật.  Tuy nhiên điều làm tôi và cả thế giới ngỡ ngàng khâm phục hơn cả chính là sự kiện 2 thánh tích Phật giáo bị Taliban phá hũy.  Trong niềm tiếc thương vô biên, người Phật tử toàn thế giới không hề có một lời kêu gọi trả thù hay phỉ báng tôn giáo của những người gây ra hành động này.   Cá nhân tôi bàng hoàng, rung chấn con tim  tận cùng khi nhận ra rằng:  Trong sự mất mát không thể bù đắp này, nhân loại thế giới đang có cơ hội hiếm hoi chiêm nghiệm thành qủa của một tôn giáo mà lòng từ bi, trí tuệ không phải chỉ trong sách vở.  Không phải chỉ thể hiện qua một người, vài người mà hằng trăm triệu người con Phật.  Tôi quyết định quy y để chính thức làm một người Phật tử nhỏ bé trong mấy trăm triệu người này.
Ngày quy y thọ giói
Quy y thọ giới - truyền thống thiền Nhật Bản



Huyền Lam

Ngày 4-4-2013 - Đăng Giác Ngộ số 688