Wednesday, February 2, 2011

Đôi Cánh Non Lạc Bầy

Bài viết này được viết đã 20 năm qua. Dạo ấy Việt Nam rất nghèo nhưng được đốt pháo.  Thỉnh thoảng mỗi lần Tết đến, tôi đọc lại để nhớ đến những mảnh đời bất hạnh.  Việt Nam ngày nay không còn nghèo như xưa nhưng đâu đó vẫn có những em thiếu nhi đấu tranh cho sự sống hằng ngày.

*****************

- Chị ơi!
Bé Trang ngừng bươi rác, quay đầu lại nhìn em: - Gì vậy cu Tin?
- Ngày mai là Tết rồi chị hở?
- Ừa, mai Tết rồi em.

Cu Tin ngập ngừng lấp bấp: -Chị Trang! em thích...em thích...mà thôi!

Nhìn cu Tin ấp úng, bé Trang hiểu được em muốn nói gì: - Tết đến chị thêm một tuổi, Tin thêm một tuổi, vậy Tin có biết chị em mình mấy tuổi không?

Cu Tin cười, nhanh nhẩu đáp:  Chị mười bốn tuổi, còn em bảy tuổi, đúng không?

- Ừa, Tin giỏi quá!  Đến chiều mà chị em mình lượm được nhiều bao nilông, chị mua cho em một tô phở, Tin có thích không?

Nghe đến phở, thằng bé mắt rực sáng.  Nó như thấy ngay trước mặt mình hình ảnh bánh phở trắng thơm, mấy miếng thịt, mấy cọng hành xanh xanh nổi lềnh bềnh trong tô phở béo ngậy. Còn mấy cọng giá giòn giòn, mấy cọng rau thơm thơm cay cay nữa chứ!  Tin lim dim đôi mắt tận hưởng hình ảnh tưởng tượng của mình.  Nước miếng trào ra, thằng bé nuốt ừng ực.  Hơn nửa năm ăn khoai mì, khoai lang làm nó nhiều lúc thèm thuồng dằn vặt khủng khiếp.  Đã có nhiều lần, cu Tin lén chị đi "ăn ngó" cho đỡ thèm.  Nó đứng trước quán, mở to đôi mắt đen nhìn chăm chú vào người khách húp từng muỗng nước phở, nhai từng miếng thịt.  Giác quan, cảm xúc của nó cuốn theo người ăn một cách say đắm.    Thỉnh thoảng vài người khách động lòng trắc ẩn trước đôi mắt đen và khuôn mặt thèm thuồng, người ta chừa một ít đồ ăn cho nó.

Thấy em đứng ngây người, bé Trang khẻ nhắc: -Tin có thích không?

Cu Tin chợt tỉnh đáp nhanh: - Thích lắm, thích lắm! mà chị nhớ nha, đừng hứa như bữa trước, em thèm tối ngủ không được.

Bé Trang bỏ bao đựng đồ lạc son xuống, bước tới dịu dàng xoa đầu đứa em, nựng đôi má gầy của nó:

- Em đừng giận chị lần trước nghe Tin.

Cu Tin mân mê tóc chị, nủng nịu:  Không mờ! Hôm đó bán đâu có được nhiều tiền. Em thương chị nhiều mà.

- Ừa chị cũng thương em nhiều, nhiều lắm.

Mặt trời lặn dần về phương tây. Ánh nắng buổi chiều vàng uá.   Giữa bãi rác khổng lồ, nặng mùi khó ngửi, hình bóng hai chị em bé Trang trải dài trên các gò rác.  Cả hai ra sức bươi móc đống rác trước mặt.  Thỉnh thoảng cuối xuống lượm một vài bao nilông, chai lọ bỏ vào bao bố kế cạnh rồi nhanh nhẹn bươi tiếp.  Riêng bé Trang, đôi cánh tay khẳng khiu như muốn thi đua cùng ánh sáng mặt trời. Hơi thở bé mệt nhọc gấp rút thành tiếng.  Mồ hôi ướt đẩm cả áo, đọng thành giọt lăn dài trên trán.  Đôi lúc mệt quá, bé muốn dừng tay nhưng nghĩ đến tô phở hứa cho em, nhất là đôi mắt rực sáng của nó khi nghe đến chữ phở, bé lại ráng thêm lên.  Trời xế chiều, sắp đến giờ trạm thu mua bên ngoài bãi rác đóng cửa, bé thất vọng, uể oải dừng tay!  Nhìn vào bao đựng đồ phế thải, mắt bé Trang buồn xo.  Cuối năm rồi mà bé cũng không đủ tiền mua cho em tô phở, dù phải nhịn luôn phần ăn của mình.  Nhìn đôi mắt ươn ướt của chị, cu Tin biết niềm ước mơ nhỏ nhoi đã không thành. Nó bước tới cầm tay chị ráng cười, nhỏng nhẻo an ủi:

- Về đi chị ơi, Chiều nay mình ăn khoai như mọi bữa cũng được mà!  Dư chút ít tiền, mai mốt chị gom thêm mua cho em cũng được mà.

Bé Trang xoa đầu em khẻ nói:  -Ừa, mai mốt em nha.

Giọng nói của bé nhỏ tựa làn hơi. Bé sợ tiếng nói lớn sẽ không kềm được nước mắt, tiếng khóc của mình.  Xách mấy bao đựng đồ phế thải lên, bé Trang dắt em thui thủi ra về.  Khuôn mặt hốc hác, ốm đói nhoà bụi bẩn, những mảnh vải rách tơi tả trên thân làm bóng hai đứa dưới nắng chiều vàng vọt như như mấy con ma đói xiêu vẹo chập chờn.

Đêm về khuya, có lẻ không bao lâu nữa sẽ đến giờ giao thừa.  Trên sạp hàng khu chợ Tam Hàn, hai chị em bé Trang nằm co quắp ngủ.  Ngoài trời mưa cuối năm lành lạnh.  Thỉnh thoảng gió thổi vào sạp hàng làm hai chị em rùng mình.  Mấy tấm bìa cứng làm giường, mấy bao đựng gạo làm mền không đủ ấm cho hai thân hình ốm yếu, đơn côi.  Gió lạnh làm cu Tin ngủ không được.  Nó hỏi nhỏ như sợ thức chị dậy: -Chị Trang?

Nghe tiếng em, bé Trang ngạc nhiên không ngờ cu Tin còn thức: - Chưa ngủ hả Tin?  Chi vậy em?

-Em nhớ ba me quá chi ơi!  Ba me chết rồi không biết còn nhớ mình không hở chị?

Nghe em hỏi, bé Trang bối rối không biết trả lời sao.  Từ hồi tối đến giờ, nhớ ba me, bé Trang cũng đâu ngủ được. Hai năm trước, đêm giao thừa cả nhà còn quây quần chờ giờ đốt pháo.  Ba còn kể chuyện ông Táo cho Tin nghe, me còn ngồi dạy cho bé đan áo. Sáng mùng một Tết, ba me mừng tuổi bằng bao lì xi đỏ thắm rồi dẫn hai chị em đi chùa lễ Phật.  Vậy mà cơn bão tháng tư, giờ đây hai chị em côi cút một mình.  Cu Tin mới mấy tuổi đầu đã sống trong cảnh không nhà.   Giữa xã hội nghèo nàn, biết lấy ai giúp đỡ những người như bé.  Nghĩ đến tháng ngày dài trôi nổi, đói nhiều hơn no, lạnh nhiều hơn ấm, bé ứa nước mắt. Kề miệng vào tai em, bé Trang thì thầm:

-Ba me nhớ chị em mình lắm.  Nhớ như mình nhớ ba me vậy đó.

- Chắc nơi ba me ở sướng hơn nơi mình ở nhiều lắm?
- Dĩ nhiên rồi! Ba mẹ lúc sống toàn làm việc tốt thì đức Phật cho vào chỗ tốt mà!  Thôi khuya rồi em ngủ đi.

Cu Tin xuýt xoa than vãn:  - Lạnh, với đói bụng khó ngủ quá.

Bé Trang bùi ngùi, an ủi: - Chị ôm em ngủ cho ấm nghe, ráng ngủ đi em, khuya lắm rồi em ạ!

Kéo sát em vào lòng, tấm thân gầy của bé Trang ôm trọn Tin như sợ cơn rét có khe hở sẽ len lỏi vào xương thịt đứa em. Bé ôm em thật chật như ôm kín niềm yêu thương duy nhất còn lại của mình.  Ngoài trời cơn mưa vẫn rơị  Tiếng tí tách đều đặn, tiếng muỗi kêu vo vo nhịp nhàng đưa hai chị em âm thầm đi vào giấc ngủ.   Lâu lâu tiếng bao tử đói vọng lên từ hai cái bụng xẹp lép kêu chua xót, não nùng. Pháo giao thừa bắt đầu nổ rộn rả khắp nơi.  Tiếng bao tử đói nhỏ bé, tội nghiệp, bị xóa nhoà, phủ chụp trong không gian đầy tiếng pháo đì đùng.

Huyền Lam
(viết cho tập san mùa xuân Nhâm Thân -1992)