Friday, October 1, 2010

Tượng Phật từ tờ di chúc của người đàn bà Pháp



Buổi chiều đi làm về, điện thoại nhà reo, người đàn bà Mỹ muốn gặp mẹ tôi.  Bà đưa điạ chỉ, ngày giờ  gặp bà để trao cho mẹ món đồ có người để lại trong di chúc.   Mẹ nhìn điạ chỉ rồi lẩm bẩm: chẳng lẽ người đàn bà Mỹ gốc Pháp mà hơn 10 năm trước mẹ giúp việc đã qua đời.  

Bà Suzanne chúng tôi thường gọi là bà Pháp, là người thân duy nhất không phải gốc Việt của mẹ tôi trong suốt hơn 20 năm sinh sống ở xứ người.  Sau thế chiến thứ 2, cả gia đình mất hết chỉ còn bà và người mẹ được một viên sĩ quan Hoa Kỳ đem qua Mỹ sinh sống.  Lớn lên bà lập gia đình, người chồng là chủ nhân nhà máy luyện thép.  Hai ông bà không có con, nên tiền bạc thời giờ dư thừa dành vào việc du lịch và sưu tầm đồ cổ.  Chồng bà không may mất đi để lại một sản nghiệp to lớn và mẹ tôi đến giúp việc cho bà. Bà rất kén chọn người làm. Bà khoái mẹ tôi vì nói được chút ít tiếng Pháp và cùng thế hệ như bà.  Công việc làm khá đơn giản, chỉ có nhiệm vụ hằng ngày cẩn thận lau chùi từng món đồ cổ trong toà biệt thự rộng lớn, làm càng chậm, tỉ mỉ bà càng khoái.  Trước đây bà đã mướn nhiều người nhưng chẳng vừa ý ai.  Mẹ tôi làm cho bà  hơn 10 năm rồi xin nghỉ do tuổi đã già.  Trong quá trình làm việc, bà Pháp ngày càng thương mẹ hơn, bớt khó tính với người chung quanh.  Bà tìm hiểu thêm đạo Phật rồi tập thiền.  Những năm sau này do tuổi tác, không tiện đi lại nên mẹ tôi và bà ít gặp nhau, chỉ còn thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm hỏi.   

Ngày cuối tuần, đúng theo hẹn, tôi chở mẹ đến ngôi biệt thự.  Gần đến nơi, đường xưa lối cũ, mẹ tôi bồi hồi ứa nước mắt.  Bà quản gia đồng thời là luật sư ra đón chúng tôi.  Cầm tay mẹ  bà nói:  Tuy chưa bao giờ gặp, nhưng bà biết rõ mẹ từng ly từng tí qua lời kể lui kể tới của bà Pháp trong nhiều năm qua.  Bà Pháp qua đời trong cơn trụy tim cách đây 2 tháng, âm thầm lặng lẽ không mấy ai hay biết ngoại trừ vài người làm việc tại biệt thự.  

Trong căn nhà rộng lớn, đồ đạt ngổn ngang như sắp dọn đi.  Nhiều thùng giấy chứa đồ cổ được niêm yết cẩn thận.  Bà luật sư cho biết:  Trong di chúc bà Pháp để lại:  toàn bộ tài sản bạc triệu sẽ cho các hội  từ thiện, toàn bộ đồ cổ cả mấy trăm món từ nhiều nền văn hoá khác nhau sẽ biếu tặng viện bảo tàng tiểu bang Oregon.  Bà để lại vài món đồ lưu niệm cho vài người thân thiết, trong đó có mẹ tôi. Lá thư riêng bà viết cho mẹ kèm trong hộp đựng tờ di chúc có đoạn:

"...Chị để lại cho em bức tượng amber Buddha dù không cổ xưa như những món đồ khác mà chị sở hữu, nhưng chị yêu qúy nhất vì trong amber Buddha có chị có em.  Hơn mười năm qua, mỗi ngày chị nhìn bức tượng lại nghĩ đến em.  

Ngày ấy, em tới làm cho chị, khi đi ngang bức tượng em đều dừng lại mỉm cười, khuôn mặt em thoát ra nét an lạc lạ lùng.  Mỗi lần em lau chùi bức tượng, em chấp tay thành kính rồi lau chùi trong niềm hạnh phúc.  Chị nhìn em làm việc, thầm tự hỏi mình đang sở hữu tài sản lớn lao, nhưng chị có được nét bình thản như em?  

Cũng từ đó chị tò mò nhìn bức tượng, dần dần khám phá ra được giá trị đạo Phật....đã giúp chị sống vui hơn, ý nghĩa hơn, bớt cô đơn hiu quanh trong tuổi già.

Chị nhớ mãi những chén cháo em nấu, đút cho chị ăn trong những lần bị cúm.  Dù không phải việc của em nhưng em gởi trọn tình thương chăm sóc cho chị...  Những lúc ấy chị muốn làm trẻ con và em là bà mẹ với khuôn mặt dịu dàng từ ái..."

Bà luật sư trao cho mẹ một thùng đựng nhiều món đồ được bao bọc kỹ lưỡng, trong đó có tượng Phật làm bằng amber màu đỏ.  Mẹ tôi mân miu, ôm bức tượng to lớn vào lòng và sống trong những giây phút đầy cảm xúc và hạnh phúc nhất.  Nước mắt mẹ tuôn tràn và bà luật sư cũng sướt mướt khóc.  

Mẹ tôi đặt tượng Phật vào nơi cao qúy nhất trong nhà.  Tượng có năng lực lạ kỳ.  Mỗi lần nhìn vào, hơi ấm như toả ra ban cho ta niềm an lạc, ấm áp.  Bà Pháp tuy qua đời, nhưng một phần năng lực của bà được tái sinh, luân hồi qua bức tượng.  Nhìn đến tượng Phật, mẹ tôi nghĩ đến con người tốt của bà Pháp đã cống hiến toàn bộ tài sản cho hội từ thiện.  Đàn con của mẹ tôi, bạn bè đến nhà trầm trồ khen bức tượng lại được dịp biết về bà Pháp.  Và hôm nay tôi kể câu chuyện bức tượng cho các bạn nghe, "năng lượng tái sinh" của bà Pháp sẽ lan rộng bao xa khó nào ai biết được.   Chết không có nghĩa là mất tất cả, luân hồi, tái sinh là điều có thật.

Tượng Phật làm bằng amber lúc mới đem về nhà mẹ



Cận cảnh tượng Phật

*Amber là kết tinh của nhựa cây qua hằng triệu năm dưới lòng đất.  Tiếng Việt hình như được gọi là hổ phách.

Huyền Lam

Tháng 10 đã đến - mùa đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội